Không là chuyện nhỏ

Không là chuyện nhỏ
TP - Đầu câu chuyện là bộ phim tài liệu đề cập về Tết Mậu Thân 1968 của quân khu 4 được phát sóng trên VTV 1. Nhìn chung, bộ phim đã nêu được những nét chủ yếu của cuộc tổng tiến công mà quân và dân ta đã giáng vào đầu Mỹ-Ngụy. Sẽ không có gì đáng nói nếu không có ý kiến của một nhân chứng khiến cho những cựu binh không khỏi băn khoăn.

> Như ngọn bút vươn trời
> Toả sáng lửa tri ân

Nhân chứng này nói rằng, Mậu Thân 1968, hậu cần của cấp trên chưa vươn tới địa bàn. Với các cựu chiến binh Trường Sơn, những người lăn lộn trên chiến trường 559 những năm 67 - 68 ý kiến đó vừa không chính xác, vừa gây một tác động mạnh. Sau khi được phát sóng, cho đến hôm nay, vẫn có người điện cho các tướng lĩnh nguyên là cán bộ cao cấp của Trường Sơn trước đây để kiểm chứng thông tin.

Theo thiếu tướng Võ Sở nguyên chính ủy Binh đoàn 12 cho rằng ý kiến của nhân chứng nọ trong phim là không chính xác. Không thể nói hậu cần của Bộ (tức là đoàn 559) trong Tổng tấn công Mậu Thân 1968 chưa vươn tới địa bàn.Cần khẳng định rằng, ngay từ những ngày đầu thành lập 1959, Quân khu 5 trong đó có chiến trường Trị Thiên Huế đã thường xuyên được chi viện hàng hóa. Còn về Mậu Thân 1968 tại Huế, đoàn 559 đã mở đường kéo pháo vào Bình Điền đưa quân, đưa vũ khí, lương thực, thực phẩm phục vụ theo yêu cầu của chiến dịch.

Còn về sự kiện này, lịch sử Đoàn 559 viết:

“Theo chỉ thị của Bộ và đề nghị của Quân khu Trị Thiên, Bộ Tư lệnh 559 điều trung đoàn 4 và trung đoàn 7 công binh cấp tốc mở đường từ dốc Con Mèo đi Nam Khe Tre, từ làng Ngòi đi Tà Lương xuống Bình Điền chi viện cho Huế. Bộ Tư lệnh còn điều tăng cường 3 tiểu đoàn cao xạ 37 ly, 1 viện quân y 446. Các cánh quân, các địa bàn tiếp giáp với 559 được đảm bảo đầy đủ mọi nhu cầu”.(Lịch sử Đoàn 559 NXB Quân đội nhân dân 1999 trang 280)

Rõ ràng vai trò của 559 trong chiến dịch Mậu Thân 1968 là rất to lớn.

Nhưng chưa hết. Dư luận tạm lắng, lại đến việc kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khe Sanh. Một lần nữa các đơn vị truyền thông, trong đó có chương trình truyền hình trực tiếp khá công phu về chiến dịch Khe Sanh 1968, không có một dòng nào nói về các lực lượng, trong đó có Đoàn 559, địa bàn trực tiếp, vừa đóng vai hậu phương, vừa là chiến trường của Khe Sanh.

Trong chiến dịch giải phóng Khe Sanh, theo Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã viết: “Suốt 170 ngày đêm, Đoàn 559 đã huy động cao xạ và bộ binh phối hợp chiến đấu và đảm bảo đủ vật chất cho các đơn vị tham gia chiến dịch. Lực lượng hậu cần chiến lược (ý nói Tổng cục Hậu cần và Đoàn 559) trực tiếp làm nhiệm vụ hậu cần cho chiến dịch. Từ mở đường cho xe tăng, pháo lớn, các loại vũ khí, hậu cần. Và ông thốt lên: không những tổ chức vận chuyển giỏi, bộ đội 559 cũng chiến đấu bằng anh và em” (cuốn Trọn một con đường, NXB QĐND năm 2010, trang 318).

Những sơ suất nói trên trong các đợt truyền thông là một điều đáng tiếc. Chúng ta đã khen bát cơm thơm, nhưng quên đi sự vất vả của người trồng lúa. Chiến tranh đã lùi quá xa. Nhân chứng có việc nhớ, việc quên. Sự thật thì mãi vẹn nguyên trên các trang sử sách. Phải chăng còn lại là trách nhiệm của các cơ quan truyền thông và cơ quan chức năng các cấp?

Vừa qua, ngày 26/7 lại diễn ra Lễ kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Thành cổ Quảng Trị. Nếu không chủ động, chắc chắn lễ kỷ niệm này sẽ diễn ra như những năm trước đây. Nghĩa là sự kiện nêu lên chỉ phản ánh về các chiến sỹ trực tiếp bảo vệ thành cổ. Sự thực trong kháng chiến trống Mỹ, để tiến hành 1 chiến dịch lớn dẫu là Mậu Thân, đường 9 Nam Lào, Khe Sanh… lực lượng tham gia là rất lớn. Còn những người trực tiếp cầm súng bên chiến hào, dẫu quan trọng nhất thì vẫn chưa đầy đủ tầm vóc 1 sự kiện. Không biết sự may mắn, hay sự mách bảo của linh hồn các liệt sỹ, lãnh đạo Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã trao đổi thông tin với tỉnh Quảng Trị và Hội Cựu chiến sỹ bảo vệ thành cổ. Lúc đó mới hé lộ một số chi tiết cực kỳ quan trọng.

Sớm biết vai trò của thành cổ trên bàn nghị sự 4 bên tại Paris về hòa bình Việt Nam, tướng Đinh Đức Thiện đã thay mặt Quân ủy Trung ương vào giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn đảm nhiệm chi viện cho mặt trận Đông Hà - Quảng Trị, trọng tâm là hướng thành cổ. Tháng 3 năm 1972, 1 Bộ Tư lệnh tiền phương đã được thành lập ở Hồ Xá - Vĩnh Linh do đại tá Đặng Tính trực tiếp chỉ huy. Lực lượng đảm bảo cho hướng thành cổ là binh trạm 12, trong đó gồm 2 trung đoàn công binh mở đường và đảm bảo giao thông, 2 trung đoàn cao xạ (210 và 591) bảo vệ bầu trời, 5 tiểu đoàn xe với 600 chiếc và nhiều lực lượng thanh niên xung phong và dân quân tự vệ. Do đặc điểm của địa hình khu vực Đông Hà - Thành Cổ, Bộ Tư lệnh Trường Sơn thành lập tiểu đoàn 166 đường sông do đồng chí Lê Hoan làm tiểu đoàn trưởng, đồng chí Hoàng Anh Tuấn làm chính trị viên. Trên đường bộ và dưới đường sông, ôtô và thuyền máy tấp nập làm công tác bảo đảm cho hướng chiến dịch. Từ các chân hàng do các tiểu đoàn xe gây dựng nên, thuyền máy của tiểu đoàn 166 vu hồi từ biển vào Gia Đảng, Mỹ Thủy ngược sông Thạch Hãn lên tiếp tế cho trung đoàn 48 và các lực lượng khác tham gia chốt giữ Thành Cổ. Một hướng khác, từ các luồng lạch phía Tây sông Thạch Hãn, tranh thủ đêm hôm xuôi về thành cổ, đây là những năm tháng nóng bỏng, ác liệt không thể nào quên của các lực lượng 559 tham gia chiến dịch.

Trong diễn văn khai mạc tướng Võ Sở khẳng định, các lực lượng của bộ đội Trường Sơn, trong đó có chiến sỹ của tiểu đoàn 166 với các chiến sỹ bảo vệ Thành Cổ là một đội hình thống nhất, một chiến tuyến. Các anh, các chị đã anh dũng chiến đấu hy sinh trên mảnh đất ác liệt này.

Từ kỷ niệm 41 năm ngày chiến thắng Thành Cổ nhìn lại mới thấy rằng, khi nhắc lại những sự kiện lớn trong lịch sử chống Mỹ cứu nước đầy đủ và có sức thuyết phục, không còn là một chuyện nhỏ. Để đạt tới điều đó, cần một cái nhìn toàn diện, phải tựa vào lịch sử, phải có tâm, có tầm sẽ tránh được những sai sót, và không mắc lỗi với những người đã ngã xuống.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG