> Phát hiện cơ sở giết mổ gia cầm đóng dấu kiểm dịch giả
Mở đầu sau báo cáo công tác phòng chống dịch tai xanh là chuyện thịt thối, mối lo ngại cho bữa ăn hằng ngày của người dân. Ông Tần cho biết, hiện thịt thối vào Việt Nam là qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn.
“Khi đi kiểm tra, tôi xem họ báo cáo bắt được gì, thì té ra là bắt mấy ông cửu vạn. Bắt được mấy ông bốc vác thuê ăn thua gì, cái cần bắt là đầu nậu thì không thấy đâu” - ông Thứ trưởng mở màn.
“Việc buôn bán vận chuyển thịt thối có phải nhỏ như buôn ma túy đâu, mà hàng tấn, mà qua ngày này, tháng khác vậy mà họ không phát hiện ra được. Có quan chức ở Lạng Sơn nói với tôi là tất cả đầu nậu thu mua, tập kết thịt thối đều biết hết, vấn đề là họ có làm hay không. Mấu chốt là nằm ở các đầu nậu lớn, có động đến cá nhân này, cá nhân kia rồi liệu chúng ta có làm được hay không. Vấn đề này, tôi đề nghị cần báo cáo lên Bộ trưởng Công an vào điều tra, làm rõ mới được” - ông Tần nói.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi nói, nhiều năm nay, chúng ta nhập nhiều hơn là xuất thịt. Từ khi Trung Quốc tạm dừng việc nhập thịt gia súc, gia cầm của Việt Nam tới nay, gần như không con gà, con lợn nào qua biên giới được. Việc nhập thịt không đảm bảo chất lượng, chủ yếu là nằm ở các đầu nậu, đối tượng này, nằm trên địa bàn, cơ quan chức năng ở địa phương nắm được hết.
Ông Phạm Văn Đông, Phó cục trưởng Thú y cho biết, hiện cả nước có 8 tỉnh còn dịch là Bạc Liêu, Bắc Ninh, Đồng Nai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Điện Biên, Hà Nội và Bình Dương. Cục Thú y cảnh báo, dịch tai xanh có nguy cơ tiếp tục lây lan rộng trong khu vực đồng bằng Sông Hồng và Đông Nam Bộ là rất cao.
Sau khi nghe báo cáo, ông Tần nói: “Tôi đi kiểm tra, chỉ đạo chống dịch ở 8 tỉnh, thì có tới 6 tỉnh nếu mình không đi chắc họ sẽ không động đậy gì”. Theo ông Tần, ở Điện Biên, dịch xuất hiện từ tháng 2, nhưng đến nay vẫn chưa dập hết được.
“Vì không ai làm, họ khoán trắng cho thú y. Nhưng mấy ông thú y chống dịch không nổi. Dân nhận thuốc, vaccine được phát về có người tiêm, người không. Đau xót là tỉnh lại xin tiếp vaccine, nhưng cấp rồi, họ có tiêm được bao nhiêu. Vừa rồi, cấp cho họ 40 nghìn liều. Sau đó, kiểm tra lại việc tiêm, thì họ nói còn thiếu tới 34 nghìn liều nữa, trong khi tổng đàn lợn của họ chỉ 60 nghìn con mà thôi”.
“Lạng Sơn có dịch từ cuối tháng 4 và kéo dài mãi tới nay. Trong khi công tác vận chuyển, giết mổ họ cứ để tự do như thế, kiểm soát nhập lậu cũng như vậy, thì tôi nghĩ chỉ khoảng 15 ngày sau là cả tỉnh có dịch lợn tai xanh, và khi đó không biết chống dịch bằng cách nào?” - Thứ trưởng Tần nói .