Không để người dân bị mất liên lạc khi tắt sóng 2G

0:00 / 0:00
0:00
Trên thế giới, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã tắt sóng 2G để ưu tiên cho phát triển công nghệ mới hơn. Tại Việt Nam, cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã công bố thời điểm để “khai tử” công nghệ 2G là tháng 9-2024. Để chuẩn bị cho lộ trình này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lên kế hoạch triển khai nhiều giải pháp bảo đảm quyền lợi cho người dùng, để việc tắt sóng 2G theo nguyên tắc không để cho người dân mất liên lạc.

Nhà mạng đã từng bước tắt 2G

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh (smartphone) để truy cập internet và các dịch vụ ngày càng tăng cao. Từ năm 2019, chủ trương dừng công nghệ di động không còn phủ hợp (2G, 3G) đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra.

Trong khi đó, các doanh nghiệp viễn thông đang thiết lập mạng với các công nghệ 2G, 3G, 4G và đang thử nghiệm thương mại 5G và nếu cùng lúc cung cấp nhiều dịch vụ sẽ gây bất cập trong khai thác, vận hành. Theo kế hoạch, cuối năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức đấu giá băng tần để các nhà mạng triển khai 5G, như vậy, cùng một lúc không thể tồn tại cả 4 công nghệ, sẽ gây lãng phí cho doanh nghiệp trong hoạt động vận hành, bảo dưỡng mạng trong khi số lượng thuê bao 2G, 3G ngày càng giảm.

Không để người dân bị mất liên lạc khi tắt sóng 2G ảnh 1

Nhiều người dân đã chủ động nâng cấp điện thoại 4G

Một vấn đề là hệ lụy của mạng 2G không thể không nhắc đến đó là tình trạng bảo mật của công nghệ này. Theo đánh giá của Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông), do lỗ hổng bảo mật của công nghệ di động GSM 2G, chỉ yêu cầu mạng xác thực người dùng chứ không yêu cầu người dùng xác thực lại mạng, vậy nên bị kẻ xấu lợi dụng để phát tán tin nhắn giả mạo. Các đối tượng vi phạm sử dụng trạm BTS giả khai báo các thông số giống với trạm BTS thật (trạm 4G, 2G). Khi thuê bao di động đến gần BTS giả, do chịu cường độ sóng giả mạnh, thuê bao bị tạm chuyển sang trạm giả quản lý, bằng cách hạ tín hiệu 4G xuống 2G để gửi tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.

Hay nói một cách khác, thủ đoạn phát tán tin nhắn mạo danh được tội phạm mạng thực hiện chủ yếu qua sóng mạng 2G. Do công nghệ này đã lỗi thời, tiêu chuẩn bảo mật cũng như mã hóa không được chú trọng, tội phạm mạng có thể xâm nhập, nghe lén cuộc gọi, chèn tin nhắn. Mặc dù Việt Nam đã cấm nhập khẩu và sản xuất điện thoại chỉ sử dụng 2G và 3G, nhưng vì lợi nhuận, loại điện thoại này vẫn được nhập lập qua đường tiểu ngạch. Thậm chí còn xuất hiện loại điện thoại "làm giả sóng 4G" đánh lừa người tiêu dùng. Tất cả những hệ lụy này sẽ chấm dứt khi sóng 2G được tắt.

Thực tế, việc dừng công nghệ không còn phù hợp đã được các doanh nghiệp triển khai. Tập đoàn VNPT đã tắt gần 2.000 trạm thu phát sóng (BTS) 2G; hỗ trợ 1,9 triệu thuê bao chuyển đổi từ mạng 2G sang 3G, 4G. Tập đoàn Viettel không chỉ tắt sóng 2G mà đã tắt sóng cả 3G trên diện rộng để tập trung phát triển 4G và 5G đồng thời đưa ra nhiều chính sách trợ giá thiết bị cũng như ưu đãi data 4G để người dân chuyển dịch nhanh hơn. MobiFone cũng triển khai những chính sách tương đồng…

Theo Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu như năm 2019 còn 32,8 triệu thuê bao 2G, thì đến tháng 7-2021 chỉ còn 24,5 triệu thuê bao 2G. Để tiếp tục giảm dần số lượng đầu cuối 2G hòa mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành thông tư quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 117:2020/BTTTT thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất, nhằm không cấp phép nhập khẩu đầu cuối 2G và 3G, áp dụng từ 1-7-2020. Các nhà mạng tăng cường truyền thông, ban hành các gói cước khuyến khích sử dụng dữ liệu… Đến tháng 8-2023, cả nước chỉ còn khoảng 20,8 triệu thuê bao 2G (trong đó có 35% là máy smartphone).

Có lộ trình bảo vệ người dùng máy 2G

Tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước thường kỳ tháng 9-2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, để chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng đã, đang xây dựng chính sách để chuẩn bị cho việc này. Trong đó, nhà mạng sẽ có chính sách hỗ trợ máy đầu cuối hoặc cước thuê bao để khách hàng chuyển đổi. “Việc tắt sóng 2G chắc chắn thực hiện theo nguyên tắc, nhà mạng không để cho người dân mất liên lạc”, Thứ trưởng Phạm Đức Long khẳng định.

Không để người dân bị mất liên lạc khi tắt sóng 2G ảnh 2

Cuộc họp giao ban báo chí bộ TTTT ngày 6/9/2023 (Ảnh: Trung tâm Thông tin bộ TTTT cung cấp)

Thông tin cụ thể hơn, Cục Viễn thông cho biết, để tiếp tục định hướng cho các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch vận hành, phát triển mạng lưới, Bộ TTTT đã ban hành công văn số 3095/BTTTT-CTS ngày 31-7-2023 thông báo quy hoạch các băng tần: 900, 1800, 2100MHz và nguyên tắc về việc duy trì mạng 2G, 3G sau tháng 9-2024.

Theo đó, các giải pháp chuyển đổi thuê bao toàn bộ thuê bao 2G sang 4G đã được đề ra. Về phía cơ quan quản lý, cùng với việc triển khai Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 117:2020/BTTTT thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất về máy điện thoại di động, trong đó có việc thanh tra, kiểm tra việc mua bán, lưu thông các máy điện thoại di động trên thị trường. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu các nhà mạng ngăn chặn các máy điện thoại di động không tuân thủ quy định về chứng nhận hợp quy kết nối vào mạng viễn thông công cộng.

Bảo vệ người dùng là người cao tuổi, người yếu thế trong xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho phép doanh nghiệp vẫn có thể duy trì mạng 2G đến tháng 9-2026 để bảo đảm vùng cung cấp dịch vụ được duy trì cho thuê bao 3G, 4G chưa có tính năng gọi thoại theo công nghệ VoLTE sử dụng để thực hiện cuộc gọi.

Ngoài ra, khi dừng sóng 2G, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng dự tính hỗ trợ điện thoại thông mignh cho các hộ nghèo, cận nghèo thông qua Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Truyền thông tới người sử dụng để tạo sự đồng thuận của người sử dụng và tăng cường chăm sóc khách hàng. Thực hiện huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ chuyển đổi smartphone, ưu tiên cho hộ nghèo, cận nghèo thông qua các tổ chức, doanh nghiệp, các hội, hiệp hội.

Về phía doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu nhà mạng phải chủ động xây dựng lộ trình dừng công nghệ 2G, 3G trên một nguyên tắc: Tăng cường phủ sóng mạng bằng công nghệ 4G để đáp ứng về vùng phủ 2G cũng như chất lượng cho thuê bao chuyển dần sang công nghệ 4G; tắt dần các trạm 2G hoặc 3G ở các khu vực có số thuê bao, lưu lượng 2G thấp. Song song với đó, các nhà mạng phải bảo đảm vùng cung cấp dịch vụ thông tin di động mới sau khi dừng công nghệ 2G, 3G để duy trì liên lạc bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.

Nhà mạng thực hiện truyền thông tới khách hàng về kế hoạch dừng công nghệ không còn phù hợp để thuê bao chủ động chuyển đổi thiết bị đầu cuối 2G. Đồng thời, triển khai các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi các thuê bao di động công nghệ 2G sang sử dụng điện thoại di động thông minh 4G. Doanh nghiệp viễn thông có thể triển khai các chương trình hỗ trợ thuê bao chuyển sang sử dụng smartphone, ban hành chính sách cước hỗ trợ việc thuê bao chuyển đổi. Triển khai các ứng dụng (apps) dịch vụ công để thúc đẩy sử dụng smartphone tại địa phương./.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.