Không để người có công sống quá khó khăn

Không để người có công sống quá khó khăn
TP - “Không thể để các gia đình có công phải ở nhà dột nát, sống quá khó khăn” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp thứ Bảy UBTVQH, hôm qua (13-4).

Chủ tịch QH nhấn mạnh, thời gian qua công tác chăm sóc đối với người có công (NCC) đạt kết quả rất tốt. Bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, còn thu hút được nhiều nguồn lực của nhân dân. Nhưng đồng thời cũng cần tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn tại. “Ăn phải no, mặc phải ấm, phải có chỗ ở, ốm đau phải được chữa bệnh, con cái phải được đi học. Nếu thiếu tiền phải cấp tiền, phải miễn giảm các khoản học phí cho đối tượng này”- Chủ tịch QH nói.

Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai (Trưởng Đoàn giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về NCC với cách mạng) cho biết: Cả nước đã xác nhận trên 8,8 triệu NCC (khoảng 10% dân số). Một bộ phận NCC còn gặp nhiều khó khăn do không còn sức lao động, không có nguồn thu nhập. Sự giúp đỡ của xã hội chưa đủ giúp họ vượt qua khó khăn.

Hiện còn khoảng 5% số NCC có mức sống dưới trung bình, có địa phương tỷ lệ này là 10-20% hoặc cao hơn. Còn tình trạng chưa hoặc không thực hiện đúng chính sách. Chính sách hỗ trợ nhà ở, giải quyết việc làm thực hiện chưa thống nhất. Còn khoảng 43.000 trường hợp đề nghị công nhận liệt sỹ, thương bệnh binh chưa được giải quyết. Hơn 71 nghìn hộ gia đình cần hỗ trợ, cải thiện về nhà ở.

Đoàn giám sát kiến nghị, cần nghiên cứu, ban hành Luật người có công với cách mạng trên cơ sở hợp nhất Pháp lệnh ưu đãi người có công với Pháp lệnh về danh hiệu Bà mẹ VNAH, bổ sung trường hợp công nhận danh hiệu Bà mẹ VNAH, công nhận liệt sỹ đối với trường hợp mất tin, mất tích, chế độ người phục vụ đối với Bà mẹ VNAH; nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở đối với NCC.

Theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, chiến tranh đã lùi xa, không lý gì để NCC phải sinh sống trong điều kiện kém hơn so với cả người nghèo. “Trường hợp tồn đọng, không đủ hồ sơ thì phải dựa vào dân, chính quyền cơ sở để xác nhận, không nên để các gia đình phải chạy hết chỗ này đến chỗ kia”- Bà Ngân nói.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị có chính sách hỗ trợ các gia đình đi tìm mộ cao hơn, đồng thời có sự quan tâm hơn đối tượng Thanh niên xung phong còn nghèo, ít nhất cũng phải ngang bằng như những đối tượng NCC khác. “Cần rà soát, xử lý trường hợp làm giả hồ sơ, không thực hiện đúng chính sách ở các địa phương” – Phó Chủ tịch nước kiến nghị.

Bộ trưởng LĐTB&XH Nguyễn Thị Hải Chuyền cho biết, đang có tình trạng giả danh, lợi dụng tâm linh trong tìm kiếm liệt sỹ, nổi lên ở một số tỉnh như Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình. Đây là vấn đề khá nhức nhối, Bộ này đề nghị cần xác định danh tính Liệt sỹ bằng kiểm tra ADN. Tuy nhiên việc này còn gặp khó khăn, mất nhiều thời gian.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo, đối với những trường hợp liệt sỹ chưa rõ thông tin, phần mộ ở đâu phải làm khẩn trương, làm tốt hơn trong thời gian tới.

Đưa giáo dục pháp luật vào trường học

Chiều cùng ngày, UBTVQH thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo Ủy ban pháp luật, quy định về giáo dục pháp luật trong nhà trường là quá cứng, quá nặng, nhất là đối với cấp học mầm non và tiểu học. Ủy ban này đề nghị chỉnh lý quy định về giáo dục pháp luật trong nhà trường được lồng ghép trong chương trình giáo dục của từng cấp học và trình độ đào tạo, là một nội dung trong chương trình giáo dục trung học, giáo dục nghề nghiệp, đại học và cao đẳng và cần quy định sao cho phù hợp với mỗi cấp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.