Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh

Không để lợi ích nhóm chi phối

Lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2, Quốc hội khóa XIII. ảnh tư liệu
Lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2, Quốc hội khóa XIII. ảnh tư liệu
TP - Hôm nay (25/10), Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Đây là một bước quan trọng để các đại biểu “chấm điểm” các vị lãnh đạo sau nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và cũng là dịp để người được “chấm điểm” nhìn lại, sửa chữa và vươn lên.

Sát hạch để người được lấy phiếu “soi” lại mình 
Là người đã 2 lần cầm lá phiếu chấm điểm “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”,” tín nhiệm thấp” đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói: “Thông tin và kiểm chứng thông tin là những yếu tố quan trọng nhất mà đại biểu cần có để đánh giá mức độ tín nhiệm của các chức danh được Quốc hội bầu, phê chuẩn”. 

Cuộc lấy phiếu kép

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, vào kỳ họp giữa năm 2013, khi Quốc hội lần đầu tiên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đã nhấn mạnh rằng đây là cuộc “bỏ phiếu kép”. Quốc hội bỏ phiếu để đánh giá tín nhiệm các chức danh chủ chốt nhất của bộ máy nhà nước, còn cử tri sẽ “bỏ phiếu” cho các vị đại diện của mình về độ chính xác của lá phiếu.

Theo ông Tiến, trong hai lần đánh giá tín nhiệm ở Quốc hội khóa XIII (tháng 6/2013 và tháng 11/2014) ngoài việc nghiên cứu báo cáo và bảng kê khai tài sản của người được lấy phiếu, nhiều đại biểu có trách nhiệm còn tìm cách “kiểm chứng báo cáo, kiểm chứng thông tin” để đưa ra quyết định. Việc lấy phiếu tín nhiệm là hết sức quan trọng và cần thiết. Lấy phiếu tín nhiệm chính là một cơ chế giám sát, là cuộc sát hạch, lời nhắc nhở để các chức danh lãnh đạo quản lý thuộc diện lấy phiếu nhìn lại hoạt động của mình và không ngừng nỗ lực vươn lên. 

Theo nhiều cựu đại biểu, trong lần lấy phiếu đầu tiên, kết quả đã phản ánh khá rõ những tâm tư, bức xúc, cũng như lo lắng của cử tri về tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động chỉ đạo, điều hành của các chức danh lãnh đạo. Trong lần lấy phiếu đầu tiên này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đứng đầu về số phiếu “tín nhiệm cao”. Người có số phiếu “tín nhiệm thấp” “áp chót” là ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.

Nhận xét về kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Kết quả chung phản ánh được tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, tư pháp của đất nước. Có đủ 3 loại phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Nhìn chung, cách đánh giá của đại biểu Quốc hội là khách quan”. Ông Hùng khẳng định, phiếu tín nhiệm cao của Quốc hội là sự động viên khích lệ đồng thời là sự đánh giá kết quả đất nước đạt được thời gian qua. Còn phiếu tín nhiệm thấp thể hiện sự đòi hỏi nghiêm túc đối với người được lấy phiếu để các vị này có thể hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Theo ông Lê Như Tiến, qua hai đợt lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội khóa XIII, nhiều bộ trưởng, trưởng ngành đã “soi” lại bản thân và điều chỉnh lại hoạt động chỉ đạo, điều hành của mình. Nhờ đó, theo thời gian chỉ số tín nhiệm cũng tăng dần theo. Nhiều người sau một năm đã vươn lên “ngoạn mục”, như ông Nguyễn Văn Bình, từ chỗ chỉ nhận được 88 phiếu “tín nhiệm cao” trong lần thứ nhất thì lần thứ hai, số “tín nhiệm cao” đã đạt 323 phiếu. 

Lời nhắc của Chủ tịch Quốc hội

Bình luận về đợt lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội lần này, ông Lê Như Tiến cho rằng “rất quan trọng”. Bởi đây là cuộc sát hạch giữa nhiệm kỳ và nó trùng với thời điểm Đảng đang thực hiện quy hoạch cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho đại hội tới. Do đó các đại biểu phải đánh giá “tín nhiệm” một cách khách quan, công tâm. “Lá phiếu rất nhẹ nhưng đòi hỏi trách nhiệm của đại biểu rất nặng”, ông Tiến nói.

Từ thực tế những lần lấy phiếu tín nhiệm trước, ông Tiến cho rằng, có nhiều vấn đề mà sau này cũng gây ra nhiều tâm tư trong đại biểu. “Từ đầu nhiệm kỳ đến nay chúng ta thấy, có khá nhiều các cựu quan chức, trước đây, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII nhận được nhiều đánh giá “tín nhiệm, tín nhiệm cao” nhưng gần đây bị thanh tra, kiểm tra và kỷ luật vì có vi phạm trong thời kỳ còn công tác. Thậm chí có những người còn bị cách chức nguyên bộ trưởng, bị vướng vòng lao lý… Đó là điều chúng ta cần suy ngẫm khi tiến hành đánh giá tín nhiệm”, ông Tiến băn khoăn.
Cũng từng 2 lần tham gia “chấm điểm” các chức danh thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm, Luật sư, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, khi lấy phiếu tín nhiệm phải xuất phát từ lợi ích của đất nước, của nhân dân, và của xã hội, đừng vì lợi ích nhóm. Ví dụ gia đình anh, cá nhân anh trong lợi ích của anh vì một chính sách nào đó làm cho ảnh hưởng, anh thành kiến với ông đó nên gạch tên, vì lợi ích riêng hay lợi ích nhóm là không nên. 

Thực tế những lo ngại về hiện tượng “loby”, “lợi ích nhóm” trong việc lấy phiếu tín nhiệm cũng đã từng được nêu ra. Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây không lâu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các ĐB không nhận lời mời tiệc tùng của các bộ, ngành trong kỳ họp. Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, nhắc nhở của Chủ tịch Quốc hội càng có ý nghĩa tốt hơn khi kỳ họp này, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Bình luận về vấn đề này, ông Nghĩa cho biết “chưa nhận được lời mời nào cả”. 

ĐB Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc “lobby” tức là mời mọc giao lưu, liên hoan tiệc tùng sẽ không mang ý nghĩa gì cả và cũng không nên làm thế. Vì cử tri, nhân dân sẽ nhìn vào, đặt câu hỏi tại sao ông này được phiếu cao, phải chăng là do ông chịu khó đi “mời mọc, lobby” nhiều. Cái đại biểu đánh giá là trên cơ sở kết quả hoạt động của cán bộ. Do đó, ông Sinh bày tỏ việc tán thành với lời nhắc nhở của Chủ tịch Quốc hội.

MỚI - NÓNG