Không để gián đoạn chi trả ngân sách trong đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã luôn có những biện pháp tối ưu vừa không để gián đoạn công tác chi ngân sách, vừa đảm bảo tuyệt đối công tác phòng, chống dịch.
Không để gián đoạn chi trả ngân sách trong đại dịch Covid-19 ảnh 1
KBNN yêu cầu các đơn vị sử dụng ngân sách giao dịch với Kho bạc qua dịch vụ công trực tuyến

Ngay từ khi dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát mạnh trở lại, KBNN đã yêu cầu KBNN các tỉnh, thành phố trên cả nước phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị do mình quản lý; xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật; đồng thời, phải theo dõi sát sao tình hình dịch trên địa bàn, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về nhân lực, nguồn lực, trang thiết bị, vật tư, các phương án phòng chống dịch để sẵn sàng ứng phó kịp thời, phù hợp với mọi tình huống phát sinh dịch bệnh, đảm bảo duy trì hoạt động của KBNN trên địa bàn.

Thái Bình là một trong những địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội từ rất sớm (trưa ngày 6/6) sau khi ghi nhận nhiều ca dương tính với Covid-19 trên địa bàn. Để vừa phòng chống tốt dịch bệnh, vừa không gián đoạn công tác chi trả ngân sách của tỉnh, nhất là các khoản kinh phí phòng chống dịch, KBNN Thái Bình đã đẩy mạnh giao dịch với khách hàng qua dịch vụ công trực tuyến và triển khai ứng dụng công nghệ trong việc trao đổi thông tin (tạo các nhóm trên Zalo, Viber để chỉ đạo và trao đổi công việc).

Bà Nguyễn Thị Hải, Phó Giám đốc KBNN Thái Bình cho biết, với vai trò là đơn vị phục vụ, mọi khoản chi cho an sinh xã hội, cho đầu tư phát triển đều phải qua sự kiểm soát của Kho bạc. Vì vậy, Kho bạc không thể nghỉ. Tại Kho bạc luôn phải có cán bộ công chức để giải quyết các nhu cầu thu, chi ngân sách, đáp ứng kịp thời cho các đơn vị sử dụng ngân sách.

Đà Nẵng cũng là một trong những "điểm nóng" bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 này. Theo KBNN Đà Nẵng, ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại một số địa phương, đơn vị đã nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của UBND tỉnh, bên cạnh đó là đảm bảo việc thực hiện chi trả ngân sách kịp thời cho các đơn vị thụ hưởng.

Đến nay, hệ thống KBNN đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho các hoạt động nghiệp vụ của Kho bạc có liên quan đến các đơn vị sử dụng ngân sách (trừ các đơn vị an ninh, quốc phòng) và cung cấp ứng dụng Cảnh báo rủi ro qua thiết bị di động cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Do đó, KBNN Đà Nẵng đã ra công văn gửi đến các đơn vị sử dụng ngân sách yêu cầu đẩy mạnh giao dịch với Kho bạc qua dịch vụ công trực tuyến để vừa đảm bảo đúng quy định phòng chống dịch, vừa đảm bảo các hồ sơ, chứng từ gửi đến Kho bạc đều được xử lý và thanh toán vốn kịp thời.

Theo báo cáo của KBNN Đà Nẵng, tính đến hết ngày 11/5/2021, KBNN Đà Nẵng đã thanh toán trên 6.033 tỷ đồng vốn chi thường xuyên, đạt trên 40% so với dự toán; giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 1.620 tỷ đồng, đạt 14% so với dự toán. Dù dịch bệnh còn phức tạp nhưng KBNN Đà Nẵng sẽ luôn đảm bảo chi trả nguồn ngân sách kịp thời đến các đơn vị sử dụng ngân sách.

Tạm dừng giao dịch bằng tiền mặt

Trong bối cảnh hiện nay, để hạn chế tiếp xúc lây lan dịch bệnh, một trong những biện pháp hữu hiệu là hạn chế giao dịch bằng tiền mặt. Tại KBNN Thái Nguyên, từ ngày 1/6/2021, đơn vị sẽ dừng toàn bộ giao dịch bằng tiền mặt của các tổ chức, cá nhân trực tiếp tại trụ sở KBNN Thái Nguyên. Các hoạt động thu ngân sách nhà nước, thu phạt vi phạm hành chính được thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, qua tài khoản của người nộp thuế, nộp phạt tại các ngân hàng thương mại hoặc nộp trực tiếp tại điểm giao dịch của 5 ngân hàng thương mại: VietinBank, Agribank, BIDV, Vietcombank và MB chi nhánh Thái Nguyên theo thỏa thuận phối hợp thu giữa cơ quan Thuế - Hải quan - KBNN và ngân hàng thương mại.

KBNN Thái Nguyên cũng đề nghị các đơn vị sử dụng ngân sách tiếp tục đẩy mạnh giao dịch điện tử, phấn đấu 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực KBNN được thực hiện trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN và Cổng dịch vụ công quốc gia, tiến tới không sử dụng chứng từ, hồ sơ giấy giao dịch trực tiếp với KBNN theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Có thể nói, suốt thời gian qua, toàn hệ thống KBNN luôn đẩy mạnh công tác cải cách hành chính để tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị sử dụng ngân sách khi giao dịch với Kho bạc. Chính vì vậy, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp yêu cầu toàn xã hội hạn chế tiếp xúc, những dịch vụ mang tính ứng dụng công nghệ thông tin của Kho bạc đã phát huy tối đa tác dụng.

Để vừa phòng chống dịch bệnh tốt vừa chi trả kịp thời các nguồn chi ngân sách, KBNN đã đẩy mạnh thực hiện kiểm soát thanh toán các khoản chi trên dịch vụ công trực tuyến để các đơn vị sử dụng ngân sách không phải đến Kho bạc giao dịch, tránh tiếp xúc trực tiếp nhất là trong thời gian đang dịch bệnh.

Hiện thời gian để xử lý công việc đối với chứng từ chi ngân sách nhà nước trên dịch vụ công trực tuyến chậm nhất là 1 ngày làm việc đối với các loại hồ sơ chứng từ đơn giản và chậm nhất là 2 ngày làm việc đối với hồ sơ chứng từ phức tạp có hợp đồng, thanh toán hoàn tạm ứng. Nhờ giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến nên việc chi ngân sách cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thực hiện các nhiệm vụ như: mua sắm trang thiết bị y tế; hỗ trợ người có công với cách mạng; hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo,... qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt, việc chi trả ngân sách cho ngày bầu cử trên cả nước được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện, đúng chế độ.

MỚI - NÓNG