Không để 'đầu năm thong thả, cuối năm vất vả'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Q.H.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Q.H.
TP - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Văn phòng Chính phủ phải sớm trình Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết 01 kèm theo phụ lục 242 công việc cụ thể để các địa phương triển khai ngay, bởi quan trọng là “chủ trương 1, biện pháp 10”, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.

Kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nói rằng “một đất nước thu nhập bình quân đầu người hơn hai nghìn USD là thấp”. Cho nên năm 2018, phải nỗ lực đạt mức tăng trưởng kinh tế ít nhất ở mức 6,7%, có thế mới tạo ra việc làm, tăng thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người…Văn phòng Chính phủ phải sớm trình Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết 01 kèm theo phụ lục 242 công việc cụ thể để các địa phương triển khai ngay, bởi quan trọng là “chủ trương 1, biện pháp 10”, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”. 

Lập ủy ban quản lý vốn Nhà nước

Theo ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, với sự nỗ lực của các cấp ngành đến nay áp lực nợ công đã giảm đi nhiều so với các năm trước cùng với các biện pháp cơ cấu lại nợ. “Lúc này chúng ta có đủ bản lĩnh, điều kiện để từ chối các khoản vay nợ lãi suất cao, hiệu quả thấp”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói. Liên quan tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, ông Dũng thừa nhận, triển khai còn chậm. Một trong số nguyên nhân là đối tượng doanh nghiệp thoái vốn quy mô lớn nên cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư có tầm cỡ. Trong số này cũng có doanh nghiệp làm ăn thua lỗ chưa giải quyết dứt điểm về tài chính nên khó cơ cấu lại.

Từ kinh nghiệm trong việc cổ phần hóa Sabeco, Thủ tướng cho rằng phải làm bài bản, thành công, kiểm soát chặt chẽ, công khai minh bạch. Thủ tướng cũng cho biết, việc lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước sẽ được công bố trong quý I/2018. Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết trong năm 2018 sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch. Tạo chuyển biến căn bản trong việc xử lý các doanh nghiệp, dự án thua lỗ. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập gắn với thúc đẩy xã hội hóa.

Về nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành cùng các địa phương phải theo dõi sát diễn biến sản xuất, thị trường của từng sản phẩm, để có giải pháp điều chỉnh, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.“Kinh nghiệm thành công của năm 2017 là ngay từ giữa năm đã bắt đầu rà soát kỹ từng ngành, lĩnh vực để điều chỉnh cho phù hợp, tránh tình trạng coi tái cấu trúc xong rồi là thôi. Tái cấu trúc thì cũng cần thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp. Tránh tình trạng tái cấu trúc theo phong trào, phát triển theo phong trào, dẫn đến khủng hoảng”, ông Dũng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo tập trung thực hiện tốt khâu chuẩn bị đầu tư, đề nghị các địa phương có tuyến đường đi qua phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để sớm giải phóng mặt bằng với mục tiêu có thể đưa vào sử dụng giai đoạn 2020-2021. Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai sớm hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành; hoàn thiện phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất; đẩy nhanh nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; triển khai đúng tiến độ các dự án đường sắt đô thị đang triển khai.

Không thay đổi tư duy thì khó khăn cho đất nước

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2017 chúng ta đã hoàn thành, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, với hàng loạt kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu, thu hút FDI, thành lập doanh nghiệp mới, khách du lịch, giảm nợ công… và cả các kỷ lục “buồn” như về thiên tai, số vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao… “Chính chúng ta cũng không thể nghĩ nền kinh tế có kim ngạch xuất nhập khẩu đạt tới trên 425 tỷ USD và Việt Nam xuất siêu; riêng xuất khẩu nông sản đạt 36-37 tỷ USD. Ngoài ra, khách du lịch tăng, tái cơ cấu nợ công cũng đạt kỷ lục”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn đặt vấn đề: “Một đất nước thu nhập bình quân đầu người 2.335 USD thì không có gì quá phấn khởi, có phải là nỗi buồn của những người lãnh đạo khi thu nhập bình quân người dân thấp như thế”. Từ đó, Thủ tướng yêu cầu năm 2018, tăng trưởng kinh tế phải đạt ít nhất phải đạt 6,7%. Bởi tăng trưởng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, từ việc làm cho đến thu ngân sách, nợ công, thu nhập bình quân đầu người…

Đề cập đến phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc “đừng ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu tiếp tục cải cách, đổi mới trong bộ máy, nhất là bộ phận tham mưu. “Lãnh đạo chuyển liên tục, nhưng tổng cục vẫn không thay đổi, tham mưu vẫn kiểu cũ thì rất khó. Thang điểm hội nhập quốc tế phụ thuộc nhiều yếu tố, mà những người trực tiếp làm rất quan trọng. Cấp vụ trưởng, tổng cục trưởng, giám đốc các sở, chủ tịch huyện không chịu đổi mới, hội nhập, không thay đổi tư duy thì rất khó khăn cho đất nước”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, hiện nay có rất nhiều cán bộ làm việc ngày đêm, nhiều địa phương lăn lộn tìm cách làm mới, hướng đi mới để thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển. Nhiều người cứ Thứ 7, Chủ nhật là về nông thôn lắng nghe, tìm hiểu ý kiến người dân, chứ không phải “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. “Làm việc ì ạch thì làm sao có phong trào, có kết quả được”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị ngay trong chiều qua hoặc muộn nhất là đầu tháng sau, Văn phòng Chính phủ phải trình Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết 01 kèm theo phụ lục 242 công việc cụ thể để các địa phương triển khai ngay, bởi quan trọng là “chủ trương 1, biện pháp 10”, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.

MỚI - NÓNG