'Không để dân đói, màn trời chiếu đất sau bão'

'Không để dân đói, màn trời chiếu đất sau bão'
TPO – Ngày 16/10, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão Nari tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương ổn định đời sống trở lại cho người dân vùng tâm bão.

> Hà Tĩnh: Lũ nhấn chìm 3 huyện miền núi
> Di sản Hội An tan hoang sau bão
> Siêu bão, lũ lịch sử quần nát Quảng Bình

'Không để dân đói, màn trời chiếu đất sau bão' ảnh 1
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Ảnh: Nguyễn Huy


Bài học di dân

Theo cơ quan chức năng, Bão số 11 (Nari) đổ bộ hồi 5h30 sáng 15/10, với tâm bão hướng trực diễn vào phía Nam thành phố Đà Nẵng và phía Bắc tỉnh Quảng Nam. Bão có sức gió mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 12 - 13. Đặc biệt, cơn bão mạnh, kéo dài, gió liên tục quần đảo, hoành hành nhiều giờ liền, từ chiều tối 14/10 đến tận trưa 15/10. Chiều 15/10, dù bão đã đi sang Lào nhưng những trận gió giật, ảnh hưởng của bão trên địa bàn Đà Nẵng vẫn rất lớn.

Trung tâm PCLB khu vực Miền Trung-Tây Nguyên cho hay: đến ngày 16/10, thiệt hại do bão Nari gây ra làm 3 người chết, 3 người mất tích, 49 người bị thương trên địa bàn các tỉnh miền Trung. Đà Nẵng vùng tâm bão hạn chế tối đa số người chết, chỉ có 11 người bị thương, trong đó có 5 người bị thương khi bão đổ bộ.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: đặc thù bão mạnh, hoành hành trên đất liền lâu. So với bão số 10, bão số 11 có cường độ mạnh hơn, khả năng tàn phá không khác gì bão Xangsane. Đi dọc Đà Nẵng, Quảng Nam thấy cây cối đổ rạp, nhà cửa bị thổi tung, hoa màu ngập úng, sông suối xói lở. Tuy nhiên “thắng lợi” lớn nhất là các địa phương hạn chế thấp nhất mức thiết hại về người.

“Từng ở miền Trung nhiều năm, chứng kiến nhiều cơn bão, tôi thấy nhiều bão thấp nhưng số người chết nhiều. Bão số 11 cấp gió lớn tuy nhiên thiệt hại về người ít. Đó là nhờ sự tích cực chủ động, phòng ngừa bão và kinh nghiệm di dân”, Phó thủ tướng Nguyễn Xúc Phúc đánh giá.

'Không để dân đói, màn trời chiếu đất sau bão' ảnh 2
Phó thủ tướng yêu cầu ngành chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 11. Ảnh: Nguyễn Huy

Theo ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, với phương châm “phòng là chính”, trong đó tập trung công tác di dân, ngay trước bão, thành phố sơ tán 9.168 hộ với 45.018 dân ra khỏi các khu vực xung yếu, nguy hiểm. Riêng tại quận Liên Chiểu, ngoài sơ tán dân còn sơ tán hơn 41.000 sinh viên, công nhân đang học và làm việc trên địa bàn. , Toàn bộ 1.848 tàu cá với 7.432 ngư dân Đà Nẵng đã về nơi tránh trú an toàn. Trong đó đã kêu gọi 250 tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi về bờ; kéo lên bờ gần 400 thuyền máy, thúng máy của người dân; đồng thời tổ chức neo đậu an toàn cho 2182 tàu thuyền, trong đó có 350 tàu của Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định

"10 giờ tối 14/10, ngay trước khi bão đổ bộ, thành phố kiên trì vận động dân, thậm chí cưỡng chế nếu không chấp hành. Công tác sơ tán dân được tiến hành cụ thể, cán bộ dến vận động từng nhà dân”, ông Chiến nói. Trực tiếp kiểm tra một hộ dân bị sập nhà hoàn toàn trên địa bàn quận Sơn Trà (Đà Nẵng), Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận: nếu không sơ tán tốt, gia đình này ở lại nhà chắc chắn thiệt hại về người sẽ rất lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Phước Thành cũng cho hay: địa phương có kinh nghiệm sơ tán phòng tránh bão lũ. Ngành chức năng địa bàn sơ tán hàng ngàn hộ dân trước bão. Thiệt hại về người do bão Nari chủ yếu nguyên nhân chủ quan (chèn nhà bị ngã, sạt lở đất). Chỉ 1 trường hợp bị chết do sập nhà xưởng trong bão.

'Không để dân đói, màn trời chiếu đất sau bão' ảnh 3
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành giáo dục sớm khắc phục hậu quả, đưa học sinh trở lại trường. Ảnh: Nguyễn Huy

Lương thực, chổ ở: hàng đầu

Gửi lời động viên, thăm hỏi người dân các địa phương vùng ảnh hưởng do bão Nari, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương, rốt ráo đảm bảo an sinh, ổn định đời sống người dân sau bão. Thiệt hại về người được kiềm chế, nhưng do bão lớn, triều cường khiến thiệt hại kinh tế của các địa phương về nhà cửa, xâm thực, kè sông biển, thiệt hại hạ tầng giao thông, cây xanh lớn; trường học, bệnh viện, nông nghiệp: cao su, hoa màu, lúa, công trình thủy điện hồ đập… là rất lớn.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: vấn đề ưu tiên hàng đầu cứu đói, đảm bảo lương thực, tập trung chỗ ở cho người dân. Không được để bất cứ hội dân nào thiếu đói, lâm cảnh màn trời chiếu đất.

Ngành chức năng các tỉnh, thành cần khẩn trương xác định trường hợp thiệt hại, hỗ trợ kịp thời. Cần huy động cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, lực lượng vũ trang tăng cường giúp dân, ổn định đời sống sau bão. Trong đó, tập trung nhanh nhất cho các hộ chính sách, các hộ nghèo… vốn hay bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ gây ra.

'Không để dân đói, màn trời chiếu đất sau bão' ảnh 4
Nhiều căn nhà bị tốc mái sau bão. Ảnh: Nguyễn Huy

Phó thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành tăng cường quản lý ngành dọc, giải quyết kịp tời kiến nghị của địa phương vùng bão lũ để khắc phục sự cố. Trong đó, Bộ Tài chính rà soát hỗ trợ nguồn lực kinh tế; bộ Y tế đảm bảo cơ số thuốc, triển khai công tác vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh; Bộ LĐ-TB&XH tổ chức công tác cứu trợ, nguồn lương thực dự phòng, khẩn cấp đáng ứng yêu cầu địa phương về gạo cứu trợ; Bộ Xây dựng, GTVT đảm bảo giao thông, công trình xây dựng, tình trạng sạt lở đất….

“Tinh thần TƯ. Sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương. Các bộ sớm lên danh mục những lĩnh vực cần ưu tiên, đầu tư, triển khai nhanh. Trong đó, lưu ý các hệ thống bờ kè, đê biển, tình trạng xói mòn, xâm thực. Như ở Quảng Huế (Đại Lộc) nếu không làm sớm, chỉ cần lũ xuất hiện có thể nhấn chìm cả ngôi làng”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

'Không để dân đói, màn trời chiếu đất sau bão' ảnh 5
Đà Nẵng vẫn còn ngổn ngang sau bão. Ảnh: Nguyễn Huy


Sớm đưa học sinh trở lại trường

Sáng 16/10, kiểm tra cơ sở trường lớp trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (Hải Châu, TP.Đà Nẵng) bị thiệt hại nặng do bão số 11, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận thiệt hại và đánh giá cao công tác khắc phục hậu quả của ngành giáo dục, trường Hoàng Văn Thụ. Theo Phó thủ tướng, mới hôm qua cả ngôi trường còn tan tác, nay đã khá ổn định. Cần tập trung sửa chữa, khắc phục hậu quả để sớm đưa học sinh trở lại trường.

Theo Ban giám hiệu nhà trường, toàn bộ phần mái tôn, hệ thống chống nóng dãy nhà 3 tầng của trường đã bị bão thổi tung, nhiều trang thiết bị, vi tính hỏng. Dự kiến ngày 17/10, học sinh sẽ trở lại trường học bình thường.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay: ngành giáo dục bị thiệt hại nặng nề, hơn 100 ngôi trường bị tốc mái, nhiều công trình vệ sinh hư hỏng, tổng thiệt hại ước tính hơn 4 tỷ đồng. Chiều 14, 15/10 học sinh toàn thành phố nghỉ học. Trong ngày 16/10, một số trường ít ảnh hưởng, học sinh học lại, còn những trường bị thiệt hại lớn, ngành giáo dục đang khẩn trương khắc phục sớm đưa học sinh học lại.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bên cạnh giải pháp cấp bách trước mắt, các địa phương cần có biện pháp giảm thiểu thiệt hại do bão lũ, thiên tai, như hệ thống đe kè, chính sách giúp dân kiên cố hóa nhà cửa; bố trí cây xanh đường phố phù hợp, hiệu quả để tránh gẫy đỏ khi bão lũ…

Theo Trung tâm PCLB khu vực Miền Trung-Tây Nguyên, đến ngày 16/10, bão Nari làm 3 người chết (Quảng Nam), 3 người mất tích (Thừa Thiên Thiên: 01; Quảng Nam: 01; Bình Định: 01).

Về tài sản: số Nhà đổ, sập, trôi: 511 cái (Quảng Trị: 02, Thừa Thiên Huế: 17; Đà Nẵng: 300; Quảng Nam: 181, Quảng Ngãi: 10; Kon Tum: 01).

Nhà tốc mái: 11.624 (Quảng Trị : 21 nhà; Thừa Thiên Huế: 669; Đà Nẵng: 5271; Quảng Nam: 5.033 ; Quảng Ngãi: 561; Bình Định: 17; Kon Tum: 52).

Nhà bị ngập: 1.698 cái (Thừa Thiên Huế: 1.698).Thiệt hại về nông nghiệp: Tổng diện tích lúa bị úng ngập, hư hỏng: 350 ha. Tổng diện tích hoa màu bị úng ngập, hư hỏng: 3.824 ha.

Tại Thừa Thiên Huế: nước trên các triền sông dâng cao, kết hợp với triều cường, đã gây ngập lụt cho một số vùng: thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, huyện Phong Điền.

Kon Tum: mưa lớn đã gây ngập và chia cắt cục bộ tại một số tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ, và liên huyện như: Quốc lộ 14, đoạn đường trước cầu Diên Bình, QL 40B tại Km197+100, QL40: Cống tại Km13+200….

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.