“Không có vua” là tên một truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Không có vua trong gia đình tiểu thị dân những năm tám mươi và hình như cũng không có hoa hồng trong ngày cưới hay hoa huệ vào ngày giỗ. Chỉ đến hai chín Tết, lão Kiền mới “đi chợ mua về một cành đào”. Thập niên tám mươi – chín mươi đó, quê tôi tất nhiên cũng chẳng có hoa hồng. Hồng nhung chỉ ngự trong tiểu thuyết, mà cả vùng quê lại chỉ vài nhà có tủ sách. Nhưng chúng tôi có vua, vị vua nhân từ biết làm phép. Ngày Ba tháng Tám vua biến thành củ khoai củ sắn cứu đói thần dân, đêm tối trời vua hóa đom đóm lập lòe nơi nghĩa địa an ủi các linh hồn. Mùa đông vua chẳng ngại làm rơm đốt lửa, mùa hè vua lẳng lặng thành gió thổi mát giấc trưa. Khi em bé khóc, vua hăng hái làm tia nắng nghịch cùng em. Khi người mẹ nóng, vua chẳng nề hà làm lá cỏ hạ sốt giảm đau. Vua đậu trên giọng ru của bà, lời dạy của cha, vỗ về của mẹ. Vua trong bát cà hàng xóm biếu nhau, trong bàn tay họ hàng kết nối. Vua không ngự trên đài sen mà ngồi trên ngai của những điều bình thường tử tế giữa người với người, giữa người với vạn vật thiên nhiên. Những thứ giờ đây đang thưa vắng trên quê hương.
Minh họa: Trương Phương Hoa |
Quê tôi không có hoa hồng đã đành, đến hoa sen hoa súng cũng không, nói gì đến lay ơn hay hải đường. Vườn nhà thường hoa chanh hoa bưởi hoa ổi hoa hòe, vườn ai có bụi hoa nhài đã là sang trọng lắm. Ngoài đồng, trên những mảnh ruộng sau mùa gặt là làn nước đục buồn bã, lập lờ như tròng mắt cá. Giữa tròng mắt bàng bạc đó, thi thoảng một đọt lúa nghi ngại mọc lên từ gốc rạ cũ, một ngọn cỏ ngơ ngác vươn ra từ bùn đất lặng câm. Hồi nhỏ tôi hay thắc mắc với bố sao mình nhà quê mà ao hồ đồng ruộng không hoa sen hoa súng, con đọc sách thấy hình như ngôi làng nào ở miền Bắc cũng ngào ngạt hương sen. Bố cười mà rằng ngày xưa cũng đầy sen ở cái ao nuôi cá bây giờ. Lúc đình chùa bị hại, sen buồn mà ốm rồi chết theo rồi con à. Mắt bố buồn như cuộng sen héo làm tôi chẳng nỡ căn vặn thêm.
Sen tuyệt tự, nhưng chúng tôi vẫn còn hoa đại. Cây đại già, thân xơ xác, ngồi buồn thiu bên nhà thờ tổ cả mùa đông. Để rồi qua Rằm tháng Giêng, giỗ họ xong, chồi bắt đầu nhú trên đám cành khô trụi. Để rồi vài tuần sau, những bông hoa trắng nhụy vàng thẹn thùng lấp ló nhô lên như bầy tiên nữ, tỏa hương thơm ngát một vùng. Kẻ cắp, bà già, trẻ con, người đói người no… ai đi ngang qua cây hoa đại cũng dừng bước ngẩn ngơ, như thể mùi hương tinh khiết là thuốc mê bùa ngải. Bầy tiên sứ đại trắng ấy đã làm ngôi làng nghèo đìu hiu không hoa hồng cũng chẳng hoa sen của tôi đỡ xù xì mỗi khi xuân đến. Với một số người, bầy hoa ấy còn như một tấm áo khói sương, một hơi hướng thanh cao, một nàng thơ, một ước vọng phiêu diêu. Nhưng một ngày, nàng thơ bị cắt ngang chân, ước vọng thành tro.
Tối mùa xuân ấy năm ấy, trời he hẩy gió, người đi soi ếch trên đường về nhà đã soi thấy đôi trai gái đang tình tự dưới gốc hoa đại, dưới bầy hoa trắng ngần xao xác. Có lẽ cô gái đã không phân biệt được hương hoa với mùi môi thơm người yêu, có lẽ chàng trai đã tưởng bầu ngực thanh tân của tình nhân được vun lên từ ngàn cánh đại trắng trinh nguyên. Bùa hương đã làm họ mê lẫn. Chỉ đến khi ông soi ếch la lên, người rùng rùng chạy đến chiếu đèn pin đèn bão vào mặt, họ mới tỉnh cơn yêu. Người làng nhìn họ như nhìn hai con ếch. Ủ rũ, những bông hoa đại co cánh vào cuống, ngưng tỏa hương thơm. Trưởng họ tổ chức cuộc họp khẩn vào sáng hôm sau. Chốn linh thiêng của cả dòng họ bị ô uế. Hai đứa hư thân mất nết làm chuyện xấu hổ ngay cạnh bức tường của nhà thờ… Một hồi, bác cả kết luận: nhà thờ của chúng ta tạm ổn, nhưng cây đại thì thực sự đã bị vấy bẩn nên phải chặt nó đi. Rìu bổ xuống, dao chặt ngang đốn hạ cây sứ đại lâu đời. Bầy hoa trắng rủ nhau tuẫn tiết trước khi con người giơ dao.
Cây đại chết, làng vốn đã khô càng khô hơn. Nhưng ấy chỉ là quan sát của kẻ mộng mơ. Không có vua người vẫn sống, không có hoa cuộc đời vẫn lung linh. Nắm cỏ non xanh chị tôi cắt dưới đồng tỏa hương ngào ngạt có khác gì hồng nhung. Bụi rau diếp non xanh lấp lánh nắng mai nào thua gì tinh khiết lay ơn. Bạn lớn lên bên hồ sen thắm, chúng tôi lớn lên giữa đồng lúa hồn nhiên. Bạn quen thuộc với hương hoa, chúng tôi đắm chìm trong mùi lúa lên đòng, mùi trâu chưa tắm, mùi cỏ được mưa… Nhớ về tuổi thơ, bạn nhớ mùi quà sáng còn tôi nhớ hạt sương sớm đọng trên lá chanh đẹp như một câu thơ.
Vì không có hoa nên tôi yêu tha thiết những cây lá trong vườn. Giàn mướp giống như giàn hoa giấy, mồng tơi rau đay là dây leo trường sinh trên thành quách cổ, bụi thài lài hóa hoa quỳnh, mùi sả thơm hơn cả oải hương… Cả tuổi trẻ và đến tận bây giờ, tôi chưa khi nào mảy may nghĩ tuổi thơ mình bất hạnh vì không có hoa hồng. Không có vua có thể mất nước, không có hoa đôi khi khiến tình nhân bỏ đi, nhưng chắc chắn người ta vẫn sống khỏe trong ngôi nhà không có hồng nhung hay sen trắng. Đóa hoa nở trong tim lẽ là đóa hoa lộng lẫy nhất. Đóa hoa hé nụ từ một tâm hồn thanh khiết sẽ là đóa hoa trắng muốt. Đóa hoa bung ra khỏi một linh hồn trĩu nặng sẽ xanh tím đêm đen.
Thực ra có một loài hoa đã dừng chân ở làng tôi một thời gian trên con đường thiên lý. Lúc đó tôi lên chín, mới đi học mấy tháng ở thành phố về, tay chân đầy nốt ghẻ. Mẹ dẫn tôi ra góc nghĩa địa, nơi u tịch nhất, chỉ vào đám cây gầy lá xanh đang nở hoa vàng ruộm: “Con hái cả lá và hoa cúc đắng này về, vò nát nấu nước tắm, dăm bữa nửa tháng da sẽ lành.” Cúc đắng là cách mẹ gọi tên loài hoa đã chữa lành làn da mỏng cả tin cho tôi, cho rất nhiều người quê gần hết đời chưa biết đến xà phòng. Đứng bên dãy mộ cỏ, những bông hoa vàng lúc trang nghiêm như người canh gác, lúc u uẩn tựa bóng ma, khi lấp lánh ánh mặt trời. Sau này tôi mới được biết, cúc đắng của mẹ tôi có cái tên rất mỹ miều là dã quỳ. Dù thế, mặc định trong đầu tôi, chúng chỉ là loài hoa chữa ghẻ. Khi tôi rời nhà ra thủ đô, đám cúc đắng làng tôi cũng bỏ đi. Không ai biết chúng đi đâu, đi từ khi nào. Có lẽ từ khi cổng làng mở rộng, nhà có điện sáng, quần áo có xà phòng giặt, làn da thôn quê dày lên mơ ước…
Cúc đắng lẳng lặng đến rồi đi, nhưng hoa lúa đã cắm rễ muôn đời nơi quê tôi. Hoa lúa. Tôi nói lúa trổ đòng là lúa đang nở hoa, tụi trẻ con trong làng cười ồ chế giễu. Chúng hỏi vậy nhụy hoa đâu, ong bướm đâu? Tôi thừ người, nói mò rằng sữa đòng non chính là nhụy và nắng gió chính là bướm ong, dập dìu ríu rít quện hòa nhau tạo thành quả lúa. Quả lúa vàng rực rỡ đã nuôi sống không chỉ người làng tôi mà nuôi cả đất nước này. Nuôi trẻ nhỏ, nuôi thầy tu, nuôi người lính, nuôi cộng hòa, nuôi cộng sản, nuôi chiến tranh rồi đến hòa bình… Hoa lúa, loài hoa xanh khiêm nhường lẫn với màu lá nhưng quả thì vàng ròng, loài hoa tôi yêu.