Không chủ quan với COVID

TP - Trong lúc miền Trung tang thươngvì bão chồng lũ, thì ở TP.Hồ Chí Minh, COVID-19 bất ngờ trở lại sau một thời gian tạm lắng.

Tuy mới chỉ một trường hợp được phát hiện từ xa nhưng cũng đủ khiến mọi người dân thành phố lo lắng, còn các nhà chức trách đau đầu vì phải tìm cách chống đỡ.

Nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn tiềm ẩn đâu đó và không dễ đoán định, truy xét, dù chính quyền, với sự chung tay của người dân, đã rất nỗ lực trong việc dập dịch và ngăn chặn dịch lan rộng. Trong khi bảo bối để chống dịch là Vắc-xin vẫn chưa có.

Dịch kéo dài suốt gần một năm qua khiến nguồn lực của Nhà nước lẫn nhân dân dần cạn kiệt. Bão lũ miền Trung và sự tái phát của dịch COVID-19 sẽ như một cú “đánh bồi” khiến nền kinh tế chịu thêm gánh nặng và người dân vốn khốn khó lại thêm phần khốn khó.

Để chặn đà suy giảm, cứu vãn nền kinh tế, Chính phủ đã phải đưa cuộc sống người dân trở về trạng thái bình thường mới. Các nhà máy, xí nghiệp tiếp tục hoạt động, các cửa hàng tiếp tục mở cửa và bầu trời cũng mở cửa trở lại để thông thương với thế giới bên ngoài sau một thời gian tạm đóng.

Người đàn ông đến TP.Hồ Chí Minh từ Hàn Quốc và bị phát hiện dương tính với virus SARS COV 2 đã mang virus trong người đi nhiều nơi, tiếp xúc với rất nhiều người, nhưng không ai hay biết.

Mỗi ngày TP.Hồ Chí Minh thu ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng và nguồn thu từ thành phố này chiếm một phần ba cả nước. Vì vậy, bất cứ sự “sụt sùi” nào của thành phố cũng đều ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của cả nền kinh tế.

Ý thức được vai trò đầu tàu của mình, chính quyền thành phố đã từng ban bố các lệnh cấm, đưa ra các quy định nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch, trong đó có những việc sát trùng khử khuẩn, cấm người dân ra đường, đến các nơi công cộng khi không đeo khẩu trang.

Lệnh cấm đến nay chưa được dỡ bỏ nhưng phần lớn người dân đã tự dỡ bỏ khẩu trang khi đến nơi công cộng. Việc xử lý người vi phạm gần như đánh trống bỏ dùi, chỉ “khuấy” lên thời gian đầu rồi đâu lại hoàn đó. Sự chủ quan của người dân cộng với sự lơ là, buông lỏng kiểm soát của cơ quan chức năng là con đường thênh thang cho dịch bệnh lan truyền.

Những nỗ lực của cả bộ máy chính trị sẽ trở nên vô nghĩa nếu một vài mắt xích nào đó bị đứt rời hay chưa thực sự thể hiện đúng vai trò và bổn phận của mình. Sinh mệnh của mỗi người dân phụ thuộc rất nhiều vào những mắt xích ấy.

Chính quyền cần phải tiếp tục mạnh tay hơn trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19. Đừng để số phận người dân mong manh trước đại dịch như chiếc lá mong manh trước mắt bão.         

Yêu cầu đeo khẩu trang nơi đông người

Ngày 28/10, Bộ Y tế cho biết vừa phát hiện thêm một ca mắc mới COVID-19 nhập cảnh, được cách ly ngay tại Bắc Ninh. Bệnh nhân 1173 là nam giới, 43 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. 

Ngày 20/10, bệnh nhân từ Angola nhập cảnh Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN8, được cách ly tập trung ngay tại Trung đoàn 833, Đại Phúc, Bắc Ninh. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Trước đó trên chuyến bay này đã ghi nhận 13 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, được cách ly ngay tại Bắc Giang (11) và Bắc Ninh (2).

Như vậy, tính đến 18h ngày 27/10, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Hiện có gần 15.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly).

Trước tình hình dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhằm thực hiện chung sống an toàn với dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới, Bộ Y tế dự thảo hướng dẫn đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng, những nơi tập trung đông người. Hướng dẫn này được xây dựng dựa trên cơ chế lây truyền trực tiếp từ người sang người theo đường hô hấp chủ yếu qua giọt bắn và làm nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19.

Trong đó hướng dẫn áp dụng đối với các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người. Cụ thể: Nơi có nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh như cơ sở y tế, khu cách ly y tế tập trung, hộ gia đình có người cách ly y tế tại nhà, nơi có người đi từ vùng dịch trở về; nơi có không gian kín như quán bar, vũ trường, karaoke, cơ sở dịch vụ xoa bóp (massage), làm đẹp, phòng tập thể dục, thể hình; trụ sở làm việc, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ, cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn; nơi tập trung đông người như chung cư, trường học, nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ và trên phương tiện giao thông công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh, đám tang, đám cưới, địa điểm tham quan, du lịch.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, tổ chức triển khai việc thực hiện, kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên phạm vi địa bàn; đồng thời quyết định các khu vực, địa điểm công cộng mà người dân phải thực hiện đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19. (Thái Hà)

MỚI - NÓNG