Không buông lỏng khi trao quyền tự chủ cho nhà trường

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng Quốc hội làm việc với Bộ GD&ĐT
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng Quốc hội làm việc với Bộ GD&ĐT
TPO - Cần quy định rõ hơn trách nhiệm của nhà nước đối với đầu tư cho giáo dục, cụ thể hóa các lĩnh vực đầu tư, bảo đảm phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đồng thời cần tăng cường tiền kiểm và hậu kiểm khi trao quyền tự chủ cho nhà trường.

Ngày 6/7, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng Quốc hội làm việc với Ban soạn thảo, nhằm thống nhất quan điểm về những vấn đề lớn để sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục hiện hành.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã được thảo luận tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua. Ban soạn thảo đã tổng hợp thành 17 vấn đề lớn, trong đó tiếp thu 11 vấn đề, giải trình 5 vấn đề và xin ý kiến 1 vấn đề.

Đáng chú ý, tiếp thu ý kiến ĐBQH, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát tổng thể để sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục, đổi tên thành dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Thường trực Ủy ban văn hóa nhấn mạnh 5 nội dung lớn cần quan tâm trong quá trình sửa đổi:

Thứ nhất, về hệ thống giáo dục quốc dân, làm rõ tính mở, liên thông, phân luồng trong hệ thống giáo dục quốc dân; xác định sơ đồ liên thông, liên kết trong hệ thống giáo dục quốc dân; từ đó xác định các nguyên tắc, chính sách, cơ chế để vận hành hệ thống giáo dục quốc dân.

Thống nhất quan điểm về vị trí, vai trò của giáo dục mầm non, từ đó xác định rõ trách nhiệm của nhà nước đối với việc phát triển và chính sách đầu tư cho giáo dục mầm non. Bên cạnh đó, cần xác định giáo dục phổ thông là cấp học nền tảng; quy định chuẩn đầu ra giáo dục phổ thông và các tiêu chí, tỷ lệ phân luồng.

Thứ hai, về mạng lưới cơ sở giáo dục, quy định rõ khung pháp lý hoạt động của cơ sở giáo dục; trường hợp và nguyên tắc chuyển đổi loại hình trường; cần quy định về quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục; hệ thống cơ sở giáo dục thường xuyên (về tên gọi; quy trình sáp nhập, quản lý các trung tâm…)

Thứ ba, về chính sách cho người học và nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, xác định rõ trách nhiệm của nhà nước đối với người học, bảo đảm phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu và tính công bằng trong thụ hưởng; đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo đúng vị thế, rõ quy hoạch…

Thứ tư, về đầu tư tài chính và trách nhiệm cộng đồng, quy định rõ hơn trách nhiệm của nhà nước đối với đầu tư cho giáo dục; cụ thể hóa các lĩnh vực đầu tư, bảo đảm phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu; hiểu đúng và đủ về xã hội hóa trong giáo dục, từ đó có những quy định phù hợp để thu hút và đa dạng hóa các nguồn thu cho giáo dục.

Thứ năm, về quản lý giáo dục, làm rõ các khái niệm quản lý nhà nước, quản trị nhà trường, từ đó xác định nội dung quyền hạn, trách nhiệm, phân cấp phân quyền trong quản lý nhà nước; quy định về tự chủ trong nhà trường, bảo đảm đồng bộ với pháp luật có liên quan về quản lý đầu tư, tài chính, nhân sự; tăng cường tiền kiểm và hậu kiểm khi trao quyền tự chủ cho nhà trường…

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.