Không bán doanh nghiệp Nhà nước để bù ngân sách

Không bán doanh nghiệp Nhà nước để bù ngân sách
TP - Tại cuộc họp báo ngày 19/7, đại diện Bộ Tài chính đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí quanh vấn đề hụt thu ngân sách, chênh lệch tiền bán vàng của NHNN cũng như lộ trình tăng học phí, viện phí trong năm nay...

> Nợ xấu sẽ mua bán thế nào?
> Cty mua bán nợ xấu khó gánh được nợ?

Tiền Phong: Theo báo cáo, nhiều địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn thành thu ngân sách. Bộ Tài chính có thể cho biết số hụt thu của các địa phương sau 6 tháng là bao nhiêu?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh: Tổng thu ngân sách tính đến hết tháng Sáu mới chỉ đạt 356.520 tỷ đồng. Trong đó thu nội địa chỉ đạt 43,3% dự toán năm.

Đây là mức thấp so với cùng kỳ các năm gần đây. Nếu nhìn vào số thu của các năm trước, mức giảm thu này là tương đối lớn (năm 2010, thu dự toán đạt hơn 52,1%, năm 2011 thu đạt 53% dự toán, năm 2012 dù khó khăn cũng vẫn đạt 44,7% dự toán).

Ước tính cả nước có 21/63 tỉnh, thành phố có số thu nội địa đạt tiến độ dự toán trên 50%. Những địa phương “hoàn thành nhiệm vụ” là những địa phương có số thu ngân sách nhỏ so với bình quân cả nước như: Lào Cai, Lai Châu, Thái Bình, Bắc Giang, Bến Tre, Quảng Trị, Sóc Trăng, Hà Giang, Phú Yên, Bạc Liêu…

 Những năm trước cũng có ý kiến, dự toán thu của Bộ Tài chính xây dựng thấp là để lấy thành tích cuối năm. Năm nay, có ý kiến chúng ta không lường trước các khó khăn khi xây dựng dự toán. Cũng không phải như vậy.  

Thứ trưởng Bộ Tài chính
Nguyễn Thị Minh

42 địa phương còn lại có số thu đạt dưới 50% dự toán. Trong đó, có nhiều địa phương thuộc diện trọng điểm thu như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu…Bên cạnh việc giảm thu từ các địa phương, các nguồn thu truyền thống từ dầu thô cũng giảm 7,8% so với cùng kỳ; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ đạt 37,2% dự toán. Thu từ dầu thô giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2012. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ đạt 37,2% dự toán.

Tổng chi ngân sách sáu tháng lên tới 448.910 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Số tiền trả nợ và viện trợ trong nửa đầu năm lên tới 52.180 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2012. Các khoản chi phát triển sự nghiệp kinh tế, xã hội, quản lý hành chính cũng tăng 11,6% so với năm trước. Bội chi ngân sách 6 tháng đầu năm ước đạt 57% mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm.

Tiền Phong: Việc hụt thu ngân sách nhiều như vậy có phải do Bộ Tài chính đã xây dựng dự toán quá cao?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh:

Với chức năng của mình, ngành Tài chính luôn nỗ lực cố gắng để hàng năm có dự toán thu chi tích cực, sát thực tiễn nhất. Những năm trước cũng có ý kiến, dự toán thu của Bộ Tài chính xây dựng thấp là để lấy thành tích cuối năm. Năm nay, có ý kiến chúng ta không lường trước các khó khăn khi xây dựng dự toán. Cũng không phải như vậy. Dự toán thu chi bao giờ cũng làm từ tháng 7 năm trước. Như tháng 7 này, chúng tôi đang làm dự toán cho năm 2014. Như vậy, có thể nói không thể có số liệu tuyệt đối chính xác 100% được. Có những việc chúng ta mong muốn, nhưng thực tế diễn ra khác là bình thường.

Việc hụt thu của các địa phương cũng có thể do yếu tố doanh nghiệp đổi ý đồ sản xuất. Có địa phương báo bị hụt 300 tỷ đồng đối với một sản phẩm ô tô của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Lý do hụt do doanh nghiệp trước đó báo cáo sẽ đưa vào khánh thành dây chuyền sản xuất từ 1/1/2013. Nhưng do khó khăn, họ thay đổi nên dẫn đến việc hụt thu.

Không bán DNNN để tăng thu

Tiền Phong: Có ý kiến của chuyên gia cho rằng trong tình hình khó khăn hiện nay, có thể tính tới việc bán các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang hoạt động hiệu quả để bổ sung nguồn thu cho ngân sách, quan điểm của Bộ Tài chính thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh: Không nên vì khó khăn như này mà nghĩ tới việc sẽ bán các doanh nghiệp nhà nước vì bán phải có lộ trình. Những doanh nghiệp làm ăn không tốt sẽ được đưa ra cổ phần hóa. Cách làm cũng phải hết sức thận trọng, không phải làm một cách cực đoan theo kiểu thấy không hiệu quả là ồ ạt bán doanh nghiệp đi. Không bao giờ vì khó khăn của ngân sách mà bán doanh nghiệp đi.

Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp, Đặng Quyết Tiến: Ở nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, dù Nhà nước nắm 51% cũng chỉ là một cổ đông. Nếu không cẩn trọng thì việc bán vốn Nhà nước tại những doanh nghiệp hoạt động tốt hóa ra lại rơi vào tay những nhà đầu cơ.

Người Lao Ðộng: Ngân hàng Nhà nước từng nói chênh lệch từ bán vàng sẽ được chuyển vào ngân sách nhà nước. Việc này đã được thực hiện đến đâu?

Bà Cao Thị Thu Hiền, Vụ phó Tài chính Ngân hàng: Thông tư 235 năm 2007 của Bộ Tài chính có quy định cơ chế tài chính đối với Ngân hàng Nhà nước, có quy định về vấn đề nghiệp vụ thu và chi của NHNN. Theo đó, phần chênh lệch thu chi sau khi trích lập các quỹ sẽ thực hiện nộp về ngân sách Nhà nước như các doanh nghiệp khác. Hoạt động mua bán vàng là một trong các hoạt động về nghiệp vụ ngoại hối của NHNN, nên toàn bộ các khoản thu được từ chênh lệch nhập vàng và đấu thầu bán ra được tính trên tổng cân đối thu chi NHNN. Bộ Tài chính không tách biệt đây là hoạt động thu riêng. NHNN cũng phải thực hiện các khoản lãi tiền gửi và các khoản chi khác liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ. Các hoạt động này nằm trong cơ chế tài chính chung của NHNN. Các khoản này phải được chuyển vào ngân sách Nhà nước.

Đầu Tư: Có nhiều ý kiến cho rằng việc tăng học phí, viện phí trong bối cảnh hiện nay sẽ khiến cho một bộ phận dân cư gặp nhiều khó khăn. Bộ Tài chính có điều chỉnh lộ trình tăng giá trong năm nay?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh: Việc tăng viện phí là cần thiết vì đến nay, sau khoảng 17 năm chúng ta mới điều chỉnh giá dịch vụ y tế cơ bản. Việc này nhằm nâng viện phí nâng cao chất lượng y tế để mọi người được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn. Nếu nâng giá viện phí tiệm cận với giá thị trường thì chắc chắn chất lượng dịch vụ y tế tăng lên. Với người nghèo, để hỗ trợ Nhà nước có chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người nghèo 100%, cận nghèo ở mức 70%... Như vậy, người nghèo vẫn được miễn phí dịch vụ nhưng lại được hưởng chất lượng dịch vụ chăm sóc tốt hơn.

Về học phí, sẽ phải tăng nhưng sẽ thực hiện theo lộ trình. Hiện có nhiều ý kiến về việc một năm chúng ta để “chảy máu” rất nhiều tiền ra nước ngoài qua việc học sinh đi du học. Trong khi đó, giá dịch vụ giáo dục, y tế không được tăng giá, nhưng lại bị đòi hỏi chất lượng cao. Việc tăng giá sẽ cần có lộ trình đảm bảo hỗ trợ cho người nghèo. Nhà nước sẽ hỗ trợ phần tạo cơ sở giáo dục đảm bảo chất lượng giáo dục.

Xin cảm ơn.

Phạm Tuyên
ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG