Hôm nay (19/7), tại chương trình đối thoại tháng 7 do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital - đã có chia sẻ về xu hướng bán ròng của khối ngoại. Bốn năm qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 4 tỷ USD, và riêng năm nay là 2 tỷ USD.
“Về mặt khách quan, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thận trọng trong hạ lãi suất tác động đến tâm lý của nhà đầu tư. Cùng với đó, trên thế giới, chiến lược đầu tư theo chỉ số thất bại hoàn toàn”, ông Dominic nói.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital. |
Chủ tịch Dragon Capital nói đến việc thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được nâng hạng tác động vào tư duy của nhà đầu tư nước ngoài.
“Khi giới thiệu với định chế tài chính, mong muốn họ đầu tư vào Việt Nam, nhà quản lý quỹ cần chuẩn bị bài thuyết phục hội đồng đầu tư. Tuy nhiên, điều này rất khó vì Việt Nam không nằm nhóm trong thị trường mới nổi. Họ coi khoản đầu tư dự kiến đó là ngoại lệ” - ông Dominic phân tích.
Theo thống kê của đơn vị phân tích dữ liệu FiinGroup, nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu khoảng 14% trên thị trường cổ phiếu Việt Nam. Riêng trên HoSE, tỷ lệ này cao hơn, cuối năm 2023 là 19,83%.
Qua khảo sát với các nhà đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup - cho biết, có 3 lý do chính khiến khối ngoại bán ròng mạnh.
Trước hết, nhà đầu tư nước ngoài phân bổ lại tài sản, rút khỏi thị trường mới nổi do không kỳ vọng việc Fed giảm lãi suất, tăng nhanh nhưng giảm chậm. Đồng thời, khối ngoại cũng hiện thực hóa lợi nhuận, trong bối cảnh rủi ro tỷ giá tại Việt Nam còn lớn. “Họ đã lãi vài chục phần trăm nên bán luôn, lo ngại tiếp tục nắm giữ sẽ chịu lỗ tỷ giá”, ông Thuân phân tích.
Cuối cùng, nhà đầu tư ngoại lo lắng một số đặc thù của thị trường chứng khoán Việt Nam, cùng với triển vọng tài sản của các ngân hàng, bất động sản và tỷ giá.
Bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) - cho biết, để thu hút vốn nước ngoài, UBCKNN đang nỗ lực phối hợp cùng các bộ, ngành triển khai, đáp ứng tiêu chuẩn nâng hạng thị trường mà tổ chức xếp hạng quốc tế đề ra.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNN. |
Song song với các giải pháp cụ thể để đáp ứng tiêu chuẩn nâng hạng, UBCKNN sẽ tập trung cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán trên thị trường; cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư và cơ cấu lại tổ chức thị trường để mở rộng hơn nữa cơ hội cho doanh nghiệp huy động vốn.
“Việc nâng hạng phụ thuộc vào đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư nước ngoài, cần sự chung sức của nhiều bên”, bà Phương nhấn mạnh.
Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng khẳng định: “Không ai một mình có thể kéo thị trường chứng khoán đi lên, mà tất cả phải cùng nhau tiến bước, đưa thị trường đi lên một chặng đường phát triển mới về chất. Tôi khẳng định cơ quan quản lý nhà nước sẽ đi đầu trong hành trình này”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng chỉ rõ, thị trường chứng khoán muốn đạt chất lượng cao, phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhà đầu tư.