Đồng nghiệp lắm chiêu
Sau thời gian nghỉ ở nhà nuôi đứa con thứ hai tròn 2 tuổi và theo đuổi văn bằng thạc sĩ, chị Hoàng Thị Nga (Hai Bà Trưng, Q1. Tp.HCM) quyết định đi làm trở lại. Sau 1 tháng xin việc, chị được một công ty chuyên về xuất nhập khẩu nhận vào làm đúng với chuyên ngành đã học.
Với bản tính hướng nội, ngại giao tiếp nên vào cơ quan mới đã được một thời gian nhưng chị Nga vẫn chưa có nhiều bạn thân để có thể tâm sự ngoài trừ chị Lan cùng phòng- người lớn tuổi hơn cũng như nhanh mồm nhanh miệng hơn. Tính chị Lan nhiệt tình, mau mồm mau miệng và có vẻ thẳng tính nên chị Nga thấy khá tin tưởng kết thân như chị em gái.
Vào dịp công ty nhận một dự án mới có giá trị khá cao, giám đốc công ty quyết định phân các phòng làm việc theo nhóm. Nhóm của chị Nga gồm có chị (ít tuổi nhất) cùng chị Lan và anh Hùng (lớn tuổi nhất) làm trưởng nhóm. Thời gian đầu việc hợp tác giữa các thành viên nhóm khá suôn sẻ. Nhưng khi dự án ngày càng đến gần ngày hoàn thiện thì rắc rối bắt đầu nảy sinh. Là người trẻ tuổi nhất nên trong mỗi lần tranh luận chị Nga thường bị anh Hùng áp đặt ý kiến chủ quan đôi khi còn có những lời nói khá nặng nề. Nhiều lần chị Nga phản ứng lại khiến hai bên có phần căng thẳng.
Chuyện tưởng chỉ có thế là xong, nhưng khi ngồi vào máy tính, thấy những dòng tin nhắn an ủi của chị Lan gửi cho mình “Đừng buồn, cố lên! có gì thì chia sẻ với chị!”. Muốn giảm căng thẳng, chị Nga đã phát ra những câu như: “anh ta đã dốt lại hay nói chữ…”. Không ngờ mấy hôm sau trong buổi họp với giám đốc, chị Nga bị phê bình vì tội nói xấu đồng nghiệp, gây mất đoàn kết trong nhóm. Kèm theo đó là yêu cầu phải xin lỗi anh Hùng và phạt trừ lương. Chưa hiểu vì sao “sếp lớn” biết chuyện, thì một lần tình cờ đi ngang qua phòng giám đốc chị vô tình nghe giọng chị Lan: “Anh ạ! Em thấy Nga nó ít tuổi nhưng cậy mình có bằng thạc sỹ nên suốt ngày chê anh Hùng kém chuyên môn…”.
Nghe tới đó chị Nga không tin vào tai mình, người đồng nghiệp tốt mà chị luôn xem như chị em gái đã “đâm sau lưng” chị một nhát chí tử!. Giờ thì chị đã hiểu vì sao lúc đầu anh Hùng đối xử với chị rất tốt nhưng sau lại hay khó chịu hằn học với chị… Vậy là lâu nay chị Lan đã “mượn gió bẻ măng”, biến chị trở thành quân cờ thí để chị ta lấy điểm với cấp trên và đồng nghiệp!
Đồng nghiệp chơi khăm
Tôi là nhân viên mới ra trường, tiêu chí đầu tiên là sự trung thực, nhưng sau 3 tháng thử việc, tôi đã thấy rõ những rắc rối và phức tạp nơi trốn công sở, tôi cũng hơi thất vọng và chút có mất lòng tin vào những con người quanh tôi.
Môi trường làm việc ở công tu, nhìn chung hiện đại và tương đối thân thiện. Tôi làm việc trong phòng maketing, trong phòng có 5 anh chị đã làm ở đây khá lâu rồi, tôi là lính mới tò toe nên có phần lép vế…
Gần 2 tháng đầu là thời gian hết sức khó khăn với tôi, bởi ngày mấy tiếng, tôi đến để làm chân sai vặt cho các anh chị cùng phòng và nhìn các anh chị làm việc. Thật khó mà có thể đủ kiên nhẫn làm công việc kiểu này ngày này qua khác như vậy, nhưng tôi cũng đã làm được vì lòng yêu nghề.
Đến sang tháng thứ 3, tôi mới được giao việc, nhưng cũng không phải là dự án hay khách hàng to lớn gì, vậy mà tôi mừng như bắt được vàng. Anh cùng phòng hướng dẫn tôi rất nhiệt tình... và công việc của tôi cũng trót lọt, tôi cũng đã qua 3 tháng thử việc và được ký hợp đồng chính thức.
Trong phòng bắt đầu tin tưởng và giao cho tôi những kế hoạch và khách hàng lớn hơn, công việc của tôi cứ thể chạy vù vù, bởi tôi rất nỗ lực và nhiệt huyết. Hôm nào cũng đến công ty sớm nhất và về muộn gần nhất. Tôi được cấp trên tin tưởng hơn, nhưng lúc này, tôi cũng bắt đầu nghe những lời ong tiếng nói từ hai chị cùng phòng, thỉnh thoảng lại nghe các chị mỉa mai, chê bai, cảnh báo... nọ kia. Hai chị này thì có tiếng không coi đồng nghiệp ra gì.
Hai chị cũng chẳng hào hứng chỉ dẫn hay trợ giúp gì tôi, mà chỉ khi có lệnh sếp thì các chị ấy mới ra chiều chỉ bảo. Một lần phòng tôi phải cử người đi công tác miền Trung, thấy mọi người trong phòng không ai muốn đi, tôi đã háo hức xung phong đi...
Tuy nhiên sự háo hức của tôi làm hai chị bực mình, các chị bảo tôi giống kiểu “ngựa non háu đá”. Các chị nói với tôi là phải gửi những tư liệu và báo cáo tôi phải gửi về cho các chị xem trước, tôi ngây thơ cứ thế là gửi về cho các chị mà không biết tằng các chị đã nhanh tay biến nó thành của mình.
Hôm tôi đi công tác về, sếp tôi cầm bản kế hoạch rất ổn của hai chị làm… Đến khi tôi gửi bản báo cáo của mình cho sếp thì sếp đọc thấy những nội dung trong đó trùng rất nhiều với nội dung bản báo cáo của hai chị cùng phòng, sếp mắng cho tôi một trận rằng, đã đi thực tế mà không viết được báo cáo ra hồn, đã thế lại còn đi ăn cắp của người khác...
Bị chị chơi khăm, tôi ức lắm nhưng không biết làm thế nào. Buồn thì ít, nhưng thất vọng thì nhiều. Há miệng mắc quai, tôi là lính mới tò te, có nói chuyện này ra cũng chẳng ai tin…
Thật sự, nếu sau này có được làm ở đây, ngày ngày đối diện với chị, tôi không biết mình sẽ phải xử sự như thế nào, bản tính tôi vốn rất thẳng thắn, ghét sự dối trá, tôi sợ mình sẽ không nhịn mãi được…
Học cách sống chung
Theo Nhà tâm lý học, Ths. Phạm Minh Tuấn (giảng viên Trường ĐH Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, Hà Nội): Công ty chính là ngôi nhà thứ hai của nhiều người, chúng ta sẽ gắn bó với nó tối thiểu 8 giờ mỗi ngày, đồng nghiệp trở thành những thành viên của một đại gia đình. Vì thế nơi đây cũng rất cần một không khí ấm áp của gia đình thực sự. Những mâu thuẫn đố kị sẽ trở thành nỗi ám ảnh, khổ sở. Hiểu lầm chính là một trong những nguyên nhân gây bất hòa thường gặp tại công sở.
- Hãy thận trọng lời ăn tiếng nói chốn công sở, ngay cả khi buôn chuyện, bạn cũng nên tự đặt ra giới hạn những gì có thể nói và những gì không.
- Nên hiểu rằng, bạn bè chốn công sở và bạn bè ngoài công việc có ranh giới rất rõ ràng. Và nhớ đừng bao giờ để mình vượt qua ranh giới đó.
- Bạn không cần nói về phẩm chất hay tính cách của đồng nghiệp. Nên tránh tham gia vào các cuộc xung đột, đặc biệt là những việc không liên quan đến bạn hoặc bạn không có trách nhiệm.
- Hãy chịu khó quan sát và nhìn nhận người khác để xem có nên đặt lòng tin vào họ hay không...