Khởi tố vụ án buôn lậu liên quan 44.000 tấn quặng của Công ty Bảo Nguyên

Một mẫu vật còn nguyên cả rễ cây
Một mẫu vật còn nguyên cả rễ cây
TPO - Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) xác định Cty Bảo Nguyên đã khai sai tên hàng hóa, mã số, thuế suất hàng hóa; khai khống số lượng tinh quặng tồn năm 2018 để xin phép xuất khẩu, trị giá hàng hóa vi phạm lớn trên 10 tỷ đồng. Do đó, công ty bị khởi tố để điều tra về tội buôn lậu.

Khai gian khối lượng hàng hóa, giấy kiểm định không có giá trị

Ngày 14/12, Cục Điều tra chống buôn lậu (Cục ĐTCBL, Tổng cục Hải quan) cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án “buôn lậu” hơn 44.000 tấn quặng Bauxite thô của Cty CP Thương mại Bảo Nguyên (Cty Bảo Nguyên). Quyết định khởi tố đã được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phê chuẩn.

Theo Cục ĐTCBL, ngày 17/10/2019, Cty Bảo Nguyên đăng ký tờ khai xuất khẩu (XK) lô hàng 42.000 tấn tinh quặng Bauxite, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh. Hàng hóa theo khai báo là 42.000 tấn “tinh quặng Bauxit”, mã số hàng hóa (mã HS) 2606000090, thuế XK 20%, tổng trị giá lô hàng 10,2 tỷ đồng.

Công ty đã nộp thuế 2,04 tỷ đồng. Lô hàng trên đã hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định. Trước khi XK, Cty Bảo Nguyên gửi mẫu của lô hàng đến Vinacontrol để phân tích, kiểm định.

Ngày 18/10/2019, Vinacontrol trả kết quả thể hiện hàng đủ điều kiện XK (tỷ lệ nhôm ô xít lớn hơn hoặc bằng 50%, vượt hàm lượng ghi trên giấy phép XK do Bộ Công Thương cấp cho Cty Bảo Nguyên). Tuy nhiên, ngày 22/10/2019, khi doanh nghiệp (DN) này làm các thủ tục XK lô hàng thì bị Cục ĐTCBL tạm giữ để điều tra.

Theo Cục ĐTCBL, căn cứ kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa của Hải quan và kết quả giám định của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi, thực tế hàng hóa là “quặng Bauxit dạng thô” không được phép XK theo chỉ thị 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng.

Tổng trọng lượng hàng thực tế là 44.123 tấn (nhiều hơn khối lượng khai hải quan 2.123 tấn), trị giá 10,8 tỷ đồng. Số thuế phải nộp là 3,2 tỷ đồng.

Cục ĐTCBL cho rằng, phiếu kết quả thử nghiệm số 19V02kk4551 do Cty Bảo Nguyên tự lấy mẫu gửi Vinacontrol giám định, không có Hải quan chứng kiến nên không có giá trị làm thủ tục hải quan cho lô hàng XK trên.

Công ty cung cấp tài liệu chứng từ không thuyết phục

Theo Cục ĐTCBL, căn cứ hồ sơ chứng nhận đầu tư do Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH&ĐT) tỉnh Lạng Sơn cấp, chất lượng quặng Bauxit tại mỏ Léo Cao của Cty Bảo Nguyên khi chưa chế biến đã có hàm lượng AL2O3 là 48,61-53,22% và thuộc loại sa khoáng trầm tích.

Cty Bảo Nguyên cung cấp cho cơ quan điều tra 2 tài liệu là chứng từ bắt buộc trong bộ hồ sơ hải quan, là căn cứ pháp lý để cơ quan Hải quan xem xét cho phép Cty Bảo Nguyên XK quặng bauxite.

Trong đó, công văn số 8228/BCT-CNNg ngày 25/8/2014, Bộ Công thương cho phép DN này XK tinh quặng bauxite với hàm lượng Al2O3 >=49% (bằng, thậm chí là thấp hơn hàm lượng AL203 của quặng thô khi chưa biến của mỏ Léo Cao: 53,22%),

Cục ĐTCBL cho rằng, việc cho phép XK với hàm lượng chưa cần phải qua chế biến đã đạt hàm lượng, thậm chí cao hơn hàm lượng cho phép dẫn đến việc DN lợi dụng việc cho phép này để XK khoáng sản thô nhưng khai là tinh với hàm lượng của khoáng sản thô.

Một tài liệu khác được Cty Bảo Nguyên cung cấp là Quyết định số 270/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lạng Sơn cho phép DN này XK 118.000 tấn tinh quặng bauxite tồn kho của năm 2018. Tuy nhiên, căn cứ tài liệu thu thập tại Cục thuế tỉnh Lạng Sơn, Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, Cục ĐTCBL nhận thấy toàn bộ lượng quặng khai thác, chế biến năm 2018 của DN trên đã XK hết, không còn tồn; bản thân DN cũng thừa nhận thực tế không có số lượng tồn kho này.

“Như vậy, Quyết định 270 có dấu hiệu cấp trái pháp luật. Căn cứ vào Quyết định 270 cấp khống lượng tồn, ngoài lô hàng bị bắt giữ trên, trong năm 2019 Bảo Nguyên đã đăng ký 2 tờ khai, XK tổng khối lượng 99.195 tấn tinh quặng bauxite, trị giá trên 24 tỷ đồng”, Cục Điều tra chống buôn lậu cho hay.

Từ các căn cứ trên, theo Cục Điều tra chống buôn lậu 2 tài liệu là chứng từ bắt buộc trong bộ hồ sơ hải quan như trên chưa phù hợp quy định của pháp luật. Tổng cục Hải quan sẽ có văn bản kiến nghị Bộ Công thương, UBND tỉnh Lạng Sơn xem xét về việc cấp phép này.

Về dây chuyền, máy móc phục vụ khai thác, chế biến quặng bauxite, Cục ĐTCBL xác minh thấy năm 2017, Cty Bảo Nguyên đăng ký điều chỉnh và được Sở KH&ĐT tỉnh Lạng Sơn phê duyệt công suất khoảng 800 nghìn tấn quặng/năm và rút gọn hệ thống máy móc, thiết bị chính. Theo đó, các thiết bị chính để chế biến tinh quặng như lò nung, máy đập nghiền, hệ thống máy sàng,...đã bị loại bỏ (chỉ còn máy móc, thiết bị khai thác).

Ông Nguyễn Quang Tuấn, đại diện theo pháp luật của DN, khai nhận quặng sau khi được khai thác sẽ được đưa vào dây chuyền chế biến được lắp đặt tại mỏ để tách quặng và đất, đá, sau đó được đưa qua bộ phần nghiền, rửa làm giàu quặng theo kích thước 8 cm.

Từ các căn cứ trên, Cục ĐTCBL xác định Cty Bảo Nguyên khai sai tên hàng, mã số, thuế suất hàng hóa từ quặng bauxite thô, không được phép XK thành tinh quặng bauxite để XK; khai khống số lượng tinh quặng tồn năm 2018 để xin phép UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt kế hoạch XK 2019 tại Quyết định số 270, trị giá hàng hóa vi phạm lớn (trên 10 tỷ đồng), có dấu hiệu của Tội buôn lậu theo Điều 188 Bộ Luật hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi bổ sung 2017).

Ngày 20/11/2020, Cục ĐTCBL đã khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu xảy ra tại cảng Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đối với vụ việc vi phạm của Cty Bảo Nguyên.  

MỚI - NÓNG