Từ đam mê giày hiệu, chàng trai 9x Nguyễn Trọng Nghĩa đã bỏ dở đại học, từ bỏ cả cơ hội đi du học ở Pháp để mở spa chăm sóc giày chuyên nghiệp.
“Bác sĩ” của giày hiệu
Tại spa Morino của Nguyễn Trọng Nghĩa, mỗi đôi giày là một “thượng đế”, được trải qua từng công đoạn chăm sóc tỉ mỉ: đế giày được vệ sinh bằng dung dịch chuyên dụng, thân giày sau khi vệ sinh xong được hong khô trong phòng điều hòa để đảm bảo nhiệt độ, không làm mốc giày. Sau đó, giày được chiếu tia UV khử trùng, xịt nano chống bám bụi rồi kiểm tra chất lượng, đóng gói và trả tận tay khách hàng. Quá trình chăm sóc kéo dài 45- 60 phút. Nhưng với những ca “chấn thương” nặng hơn thì đòi hỏi “bác sĩ” cũng phải lao tâm khổ tứ. Nghĩa vẫn nhớ mãi cái đêm thức suốt 6 tiếng liền hì hục làm sạch, tẩy da, nhuộm 2 lớp màu, đánh si… để “cứu” một đôi giày da thật, có rất nhiều vết xước, bẩn sâu. “Lúc nhận đồ, tôi không tự tin sẽ làm được vì để làm lại màu không hề đơn giản, không phải màu nào cũng trùng 100% màu giày. Tôi phải tự phán đoán màu, pha nhiều loại với nhau, may mắn cuối cùng đã ra được màu chuẩn”, anh nhớ lại.
Bên cạnh vệ sinh, sửa chữa, spa của Nghĩa còn là địa điểm lui tới của dân chơi thích “độ” giày. Giày sẽ được vẽ, thêu... đáp ứng nhu cầu cho những khách hàng muốn có những đôi giày lạ, độc. Ví như đôi giày vẽ một tấm bản đồ thế giới đã khiến ê-kip của Nghĩa mất 7 ngày lên ý tưởng và hoàn thiện. Với những họa tiết cầu kỳ hơn, có thể mất một tháng mới hoàn thành. “Nếu như vẽ trên giấy sai có thể sửa, bỏ đi vẽ lại thì vẽ lên giày đòi hỏi sự chính xác từng tí một, bởi chỉ cần lệch một chút cũng có thể làm hỏng cả đôi giày bạc triệu”- Trọng Nghĩa cho biết.
Qua bàn tay “phù thủy” của những người thợ, nhiều đôi giày như được “phẫu thuật thẩm mỹ”, “chuyển giới” thành công. Nghĩa bảo, khó nhất là gặp những đôi giày bị phai màu, hoặc da lộn bị bong da, những đôi pha trộn màu sắc, chất liệu cũng khiến thợ khó xử lý. Khâu lâu nhất và cũng đòi hỏi sự cẩn thận nhất khi vệ sinh là hong khô giày, bởi hong không chuẩn sẽ khiến giày dễ bị mốc.
Một gói spa giày dao động từ 40 – 80.000 đồng/ lần. Sửa giày và “độ” giày sẽ có giá cao hơn, có thể lên tới hàng triệu đồng một đôi, tuỳ độ khó. “Công việc này chủ yếu phục vụ những đôi giày đắt tiền bởi lẽ những sản phẩm có giá thành thấp thường nhanh hỏng và bị bỏ đi. Chỉ những đôi giày hàng hiệu thì sử dụng được lâu và có thể tân trang được”, Trọng Nghĩa cho biết. “Mùa làm ăn” của Morino là dịp Tết, đặc biệt là mùa mưa phùn gió bấc, nồm ẩm. Có những ngày, cửa hàng của Nghĩa nhận tới gần 200 đôi.
Nhưng nghề này không hoàn toàn “dễ xơi”. Bởi chỉ một sơ suất không kiểm tra kỹ khi nhận giày, là dễ “đền như chơi”. Có lần, khách đưa đến một đôi giày (đã ngừng sản xuất) để vệ sinh, lúc nhận hàng kiểm tra không kỹ, đến lúc vệ sinh mới phát hiện vết thủng trên giày, cuối cùng, Nghĩa phải “gạt nước mắt” đền 9 triệu. Hay lần khác, đơn vị chuyển phát làm hỏng giày của khách nhưng do trước đó chưa báo giá giày cho bên chuyển phát nên Nghĩa cũng phải đền 4 triệu cho khách hàng.
Giấc mơ về “nền văn hoá sát mặt đất”
Ngay từ hồi sinh viên Đại học Kinh doanh công nghệ Hà Nội, Nguyễn Trọng Nghĩa đã đam mê chơi và sưu tầm giày thời trang. Thay vì la cà quán xá cùng đám bạn, Nghĩa có thể dành cả ngày lên mạng tìm hiểu những mẫu giày đẹp trên thế giới. Có tiền, việc đầu tiên chàng trai này nghĩ đến là mua giày. Hiện tại, Nghĩa đã sưu tầm được hơn 50 đôi trong tủ giày của mình.
Từ việc tham gia các hội nhóm chơi giày trên mạng xã hội, Nguyễn Trọng Nghĩa nhận ra nhu cầu vệ sinh, chăm sóc giày rất lớn nhưng ở Hà Nội hầu như chưa có nơi nào làm chuyên nghiệp. Anh bắt đầu mày mò xem các clip hướng dẫn vệ sinh giày của nước ngoài, đặt mua các loại hoá chất về Việt Nam để thử nghiệm và phục vụ nhu cầu bản thân. Dần dần, khi đã tự tin hơn, Nghĩa nhận những đơn hàng nhỏ. Quá sốc trước nhu cầu khủng của giới chơi giày, Nghĩa thông báo với bố mẹ quyết định táo bạo: sẽ không đi Pháp du học mà ở nhà khởi nghiệp bằng nghề vệ sinh giày.
Phụ huynh xưa nay vẫn luôn tôn trọng ý kiến con trai nhưng không khỏi bất ngờ với ý tưởng “quái gở” này. “Chính trong thời gian nghỉ học năm cuối đại học để chờ đi Pháp, tôi đã phải đấu tranh rất nhiều và quyết định nhanh chóng. Tôi nói chuyện với bố mẹ về đam mê thực sự của mình và chỉ xin vay 100 triệu để kinh doanh với cam kết “tự làm tự chịu”- Nghĩa kể.
Với số vốn vay gia đình và bạn bè, Nghĩa mở một cửa hàng nhỏ xinh với bao tâm huyết. Sau nửa năm, cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội phát triển rất nhanh, mang lại doanh thu. “Thừa thắng xông lên”, Nghĩa huy động cổ đông góp vốn mở liên tiếp 3 cửa hàng ngay 3 tháng sau đó. Tuy nhiên, do quá vội vàng, không lường được hết khó khăn trong quản lý, chỉ 3 tháng sau, các cửa hàng phải đồng loạt đóng cửa, Nghĩa thua lỗ hơn 300 triệu. Bố mẹ khuyên từ bỏ. Bạn bè can ngăn. Nhưng Nghĩa vẫn quyết làm lại từ đầu. Anh dành thời gian đi học các khoá kỹ năng về điều hành doanh nghiệp và bình tĩnh hơn trước mọi quyết định.
Với Nghĩa, hay những tín đồ chơi giày, yêu giày thì đôi giày không chỉ đơn thuần là vật dụng để đi mà nó còn truyền tải thông điệp của một nền văn hoá, mà chính họ vẫn gọi là “nền văn hoá sát mặt đất”. “Đừng chỉ đánh giá đôi giày bao nhiêu tiền, hãy nhìn sự đam mê cộng với một quá trình học hỏi để có được những kiến thức về thứ mà họ đang mang trên chân. Nó cũng giống như các môn học vậy. Thay vì các bạn học toán, lý, hoá… thì họ sẽ học về các tên giày hoặc lịch sử, ý nghĩa và những câu chuyện xoay quanh đôi giày đó”- Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ.
Mỗi năm, Nghĩa lại cùng ê-kip của mình đến các trường học, vệ sinh giày miễn phí cho sinh viên. Cuối tháng 11 sắp tới, Morino cũng sẽ hợp tác với Adidas để tổ chức vệ sinh giày miễn phí cho khách hàng và hướng dẫn cộng đồng cách chăm sóc giày một cách chuẩn nhất. Cũng chính từ những chất liệu được nhập khẩu từ Anh, Mỹ để phục vụ cho công việc, Nghĩa cũng đã mày mò, nghiên cứu và tự sáng tạo ra một loạt sản phẩm mang thương hiệu riêng. Khách hàng có thể mua những sản phẩm đó và mang về tự sử dụng, chăm sóc cho các đôi giày của mình. Trong năm nay, nhóm của Nghĩa cũng bắt đầu thực hiện dự án mỗi tháng đến một tỉnh thành trên cả nước để vẽ trực tiếp địa danh nổi tiếng lên một đôi giày. Sắp tới, ông chủ 9x còn mở thêm chi nhánh của Morino ở các tỉnh thành khác với tham vọng dân chơi giày hiệu khắp cả nước sẽ dễ dàng hơn khi tìm kiếm một spa cho “cục cưng” của mình. n
“Kiếm ra tiền là một hạnh phúc, nhưng vừa kiếm ra tiền vừa được làm thứ mình đam mê thì không hạnh phúc nào bằng”.
Nguyễn Trọng Nghĩa – người mê giày hiệu chia sẻ
Thế giới của những đôi giày cực đỉnh
Không chỉ chăm sóc giày cho giới hot boy, hot girl Hà thành, mà Nguyễn Trọng Nghĩa còn đón tiếp rất nhiều khách hàng thuộc giới thượng lưu, thậm chí là hội những cô cậu Richkids Việt, mới học cấp 2, cấp 3 nhưng đã sở hữu bộ sưu tập giày hiệu đắt đỏ. Nhiều khách ở tận TPHCM hay nước ngoài cũng giao trọn niềm tin cùng số phận đôi giày yêu quý đến Morino để tút tát, tân trang. Thậm chí, người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, làm việc cũng tìm đến nhờ Nghĩa làm sạch giày.
Gắn bó với nghề hơn 3 năm qua, không ít lần Trọng Nghĩa bị “choáng” trước những “cục cưng” mà khách mang đến. “Hầu như rẻ nhất cũng là những đôi có giá vài triệu. Những đôi tầm 50 triệu thì nhiều vô kể. Có nhiều bạn học sinh còn mang đến đôi giày vài trăm triệu. Nhiều đôi đã ngừng sản xuất hoặc chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng với con số trên đầu ngón tay. Cá biệt có khách hàng là cậu học sinh lớp 11 sở hữu đôi Nike Air Mag bản giới hạn, có khả năng tự thắt dây, giá hơn một tỷ đồng”, Trọng Nghĩa cho biết. Hay lần khác, một nam thanh niên mang đến cả cốp xe hơi toàn giày. Trong đó có hơn 20 đôi thể thao, giá trị lên đến vài trăm triệu. Một đối tượng khách quen nữa của Morino là các nữ doanh nhân, mỗi lần đến là phải mang theo ít nhất vài đôi giá hàng trăm triệu, “mếu máo” nhờ Nghĩa chăm sóc. Khách “độ” giày cũng rất chịu chơi. Có khách mua đôi giày giá 2 triệu nhưng sẵn sàng chi thêm 3,5 triệu đồng để vẽ hình tấm bản đồ thế giới lên đôi giày.
“Độ” giày đòi hỏi đôi tay khéo léo và óc thẩm mỹ
Nguyễn Trọng Nghĩa Tranh: Nguyễn Văn Hổ