Khơi dậy sức trẻ phát triển Hà Nội thành 'kinh đô sáng tạo'

Hà Nội hiện là thành viên của Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO (UCCN) với danh hiệu Thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực Thiết kế.
Hà Nội hiện là thành viên của Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO (UCCN) với danh hiệu Thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực Thiết kế.
TPO - Hướng tới phát triển Hà Nội thành kinh đô sáng tạo, các tổ chức của Liên Hợp Quốc (UN) khuyến khích sự tham gia của giới trẻ vào việc phát huy các tài sản văn hoá Thủ đô. Theo đó, Thành đoàn Hà Nội tiếp tục tổ chức các cuộc thi lứa tuổi học sinh, sinh viên, hỗ trợ, tạo môi trường cho các bạn trẻ đổi mới sáng tạo, tiếp cận mục tiêu phát triển bền vững của UN.

Đó là thông tin vừa được chia sẻ tại hội thảo tham vấn đầu tiên trong khuôn khổ dự án “Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên hướng tới phát triển Hà Nội thành Kinh đô Sáng tạo”. Dự án do UNESCO, UN-Habitat, UNIDO thực hiện với sự hỗ trợ của Tập đoàn Sovico.

Mục tiêu của sáng kiến ​​này là phát huy các tài sản văn hóa của Hà Nội và tăng cường sự tham gia của giới trẻ - những tác nhân đổi mới, sáng tạo và tạo nên sự thay đổi cho xã hội.

Trưởng Đại diện tổ chức Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO tại Việt Nam, ông Michael Croft nhìn nhận: “Thành phố Sáng tạo vừa là câu chuyện phát triển của Thành phố, vừa là không gian hợp tác hướng về tầm nhìn Kinh đô Sáng tạo”.

Ông nhấn mạnh, nhiều tổ chức và cá nhân đã hoan nghênh cơ hội này để khám phá con đường thổi lửa cho tài năng và nhiệt huyết ấp ủ trong những sáng kiến đa dạng, thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới.

Theo đó, vai trò của thanh niên được đề cao trong việc thực hiện sáng kiến này. Anh Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội cho biết, trên tình thần “Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội” của Thành ủy Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội đã có chương trình thực hiện, phối hợp 11 nhóm công việc.

Cụ thể, Thành đoàn có ý tưởng tổ chức các cuộc thi thiết kế: Thành phố hai bên sông Hồng; cải tạo các khu nhà cũ, nhà máy, làm trên các địa điểm, đơn vị sự nghiệp do Thành Đoàn Hà Nội. Dự án bao gồm: Cung thiếu nhi (cũ và mới), cung thanh niên, … Cách làm này sẽ huy động được ý tưởng của các bạn trẻ, thanh niên đến từ mạng lưới sáng tạo ở các đơn vị cơ sở, trường đại học.

“Chúng tôi mong muốn được phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân. Bài toán hiện nay không phải cứ chờ ngân sách, nên có cách xử lý mới, xã hội hoá”, anh Trần Quang Hưng nêu.

Ngoài ra, Thành đoàn Hà Nội còn có chương trình triển khai cho một số nhóm công việc khác, liên quan đến đổi mới sáng tạo, ứng dụng, tìm kiếm thị trường cho công nghệ mới. Thành đoàn tiếp tục tổ chức các cuộc thi lứa tuổi học sinh, sinh viên, hỗ trợ, tạo môi trường cho các bạn trẻ đổi mới sáng tạo, tiếp cận mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, …

Nhận thức được vai trò quan trọng của thanh niên trong các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, hai sự kiện tiếp nối của dự án là Đối thoại Thanh niên và Hội thảo Mạng lưới Thanh niên. Chuỗi hội thảo này sẽ tạo nền tảng vững chắc để tất cả các bên tham gia tích cực, cùng chia sẻ kiến thức và cách tiếp cận để hiện thực hóa tầm nhìn Kinh đô sáng tạo Hà Nội và các ưu tiên quốc gia làm cơ sở cho tầm nhìn đó.

Năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO (UCCN) với danh hiệu Thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực Thiết kế. Dự án “Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên hướng tới phát triển Hà Nội thành Kinh đô Sáng tạo” của các tổ chức Liên Hợp Quốc hướng đến hai đối tượng thụ hưởng.

Đối tượng thụ hưởng trực tiếp là các tài năng sáng tạo, doanh nhân trẻ của Việt Nam. Đặc biệt là những người sống ở Thành phố Hà Nội, thông qua các chương trình nâng cao năng lực để thúc đẩy các sáng kiến xuất phát từ văn hoá.

Đối tượng thụ hưởng gián tiếp là hàng triệu người bao gồm cư dân Thành phố Hà Nội và khách viếng thăm Thành phố, những người sẽ tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ và nền tảng văn hoá sáng tạo mới (lễ hội, diễn đàn, triển lãm..).

MỚI - NÓNG