Khơi dậy khát vọng cống hiến trong trường học

0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường Tiểu học An Thới 3, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) được trải nghiệm trên tàu Cảnh sát biển
Học sinh Trường Tiểu học An Thới 3, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) được trải nghiệm trên tàu Cảnh sát biển
TP - Để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, khơi dậy khát vọng cống hiến trong học sinh, sinh viên, ngành giáo dục Nghệ An và Kiên Giang đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả: “Tìm về địa chỉ đỏ”; tuyên truyền về biên giới, hải đảo.

Tìm về địa chỉ đỏ

Những năm học qua, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho học sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An tạo được nhiều dấu ấn thông qua giáo dục truyền thống, đặc biệt là mô hình “Tìm về địa chỉ đỏ”, qua đó góp phần bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Trọng Bé, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống cho học sinh được ngành giáo dục Nghệ An triển khai từ lâu, nhưng từ năm học 2017 - 2018 tổ chức bài bản, sâu rộng hơn. Ngành giáo dục tỉnh đã tập trung thực hiện Quyết định 1501 (năm 2015), Chỉ thị 31 (năm 2019) của Thủ tướng về tăng cường giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên; phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An đưa giáo dục truyền thống, truyền thống Xô Viết Nghệ - Tĩnh vào trường học.

Các trường tổ chức dạy, học gắn việc sử dụng di sản văn hóa đối với các môn học liên quan (Lịch sử, Địa lí, Âm nhạc, Mĩ thuật) theo 2 hướng: dạy học tại di sản và sử dụng di sản trong việc dạy học trên lớp gắn với đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học để phát triển phẩm chất, năng lực.

“Mô hình “Tìm về địa chỉ đỏ” giúp các em có được những hiểu biết phong phú, sinh động về những sự kiện, những nhân vật, địa danh lịch sử; hiểu thêm về tinh thần kiên trung, nghĩa khí, bất khuất, kiên cường của thế hệ cha anh đi trước. Từ đó, hình thành cho các em niềm tự hào, lòng biết ơn, nâng cao ý thức trách nhiệm, khát vọng trong học tập, lao động để góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước”.

Ông Nguyễn Trọng Bé, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Nghệ An

Đối với môn Lịch sử, giáo viên tổ chức cho học sinh học tập tại các di tích gắn với sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào cách mạng 1930 - 1931 để các em hiểu thêm về truyền thống dân tộc, hào hùng Xô Viết Nghệ - Tĩnh của quê hương. Cùng đó, chương trình còn lồng ghép kiến thức lịch sử địa phương vào các buổi sinh hoạt câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, mô hình “Sân chơi lịch sử”, hoạt cảnh truyền thống và các buổi sinh hoạt đầu tuần để giới thiệu truyền thống quê hương.

Ở môn Ngữ văn, hằng năm học sinh được tham quan, tìm hiểu về các di tích và viết văn bản thuyết minh về một danh thắng, di tích lịch - sử văn hoá nơi sinh sống.

Thời gian tới, mô hình “Tìm về địa chỉ đỏ” sẽ được ngành giáo dục tỉnh Nghệ An tiếp tục triển khai theo hướng đi vào chiều sâu và ứng dụng công nghệ để lan tỏa sâu rộng hơn nữa.

Tình yêu biển đảo ngấm vào học sinh một cách tự nhiên

Kiên Giang với đặc thù là tỉnh biên giới, có vùng biển rộng, nhiều đảo, trong đó có những đảo tiền tiêu, quan trọng của Tổ quốc nên Sở GD&ĐT Kiên Giang xác định việc tuyên truyền giáo dục về biển, đảo là một trong những nội dung trọng tâm của công tác giáo dục cho học sinh.

Ông Huỳnh Thanh Trà, Phó trưởng Phòng Giáo dục Trung học và giáo dục thường xuyên (Sở GĐ&ĐT Kiên Giang) cho biết, Sở đã triển khai nhiều giải pháp giáo dục thông qua các chương trình, hoạt động thiết thực như: các trường phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự địa phương tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về chiến lược quốc phòng an ninh, tình hình an ninh thế giới trên biển, tình hình Biển Đông. Đặc biệt, các trường phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tổ chức các buổi sinh hoạt, tìm hiểu biển đảo cho học sinh; tổ chức cuộc thi viết tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam cho tất cả học sinh khối phổ thông và vẽ tranh ở khối tiểu học.

Hàng năm các trường còn tổ chức cho học sinh đến các đồn biên phòng, đảo tiền tiêu, doanh trại quân đội… thăm, tặng quà, giao lưu với các chiến sĩ. Học sinh được trực tiếp chứng kiến, trải nghiệm cuộc sống của các chú bộ đội thông qua các buổi sinh hoạt văn nghệ, nghe nói chuyện,…

“Học sinh rất thích thú, hào hứng khi tham gia những hoạt động này. Từ hoạt động giáo dục trải nghiệm đó, tình yêu biển đảo, yêu người lính ngấm vào các em một cách tự nhiên, gần gũi mang lại hiệu quả giáo dục cao”, ông Trà nói thêm.

MỚI - NÓNG