Khỏi COVID-19 vẫn có thể tái nhiễm nhiều lần

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thời gian qua, khi số ca mắc mới liên tục tăng đã xuất hiện nhiều F0 bị tái mắc COVID-19. Các chuyên gia y tế cho rằng một người có thể mắc 2 chủng khác nhau, thậm chí mắc lại cùng 1 chủng sau 1 thời gian nhất định.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm ô xy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), cho biết một ngày tư vấn cho khoảng 100 F0, 5-10% trong số đó đã khỏi bệnh, song lại xét nghiệm dương tính sau 3 tuần đến một tháng. Bác sĩ nhận định, các bệnh nhân này có thể bị tái nhiễm biến chủng mới.

Theo bác sĩ Hoàng, F0 sau thời gian điều trị, xét nghiệm PCR âm tính, nhưng sau đó lại tái dương tính, có thể do quá trình lấy mẫu chưa đúng hoặc cơ thể người bệnh chưa hết hẳn virus, vẫn còn lại xác virus, nhưng đề kháng kém nên virus tiếp tục nhân lên.

“Có nhiều người dù không có triệu chứng gì đặc biệt, nhưng qua 15-20 ngày, virus vẫn chưa hết hẳn, chỉ số CT (định lượng virus trong cơ thể) vẫn dao động ở khoảng 25-30. Với các trường hợp này, cần ăn uống, luyện tập, nghỉ ngơi tốt hơn để sớm có kết quả PCR âm tính”.

Khỏi COVID-19 vẫn có thể tái nhiễm nhiều lần ảnh 1

Một người có thể tái mắc COVID-19 nhiều lần. Ảnh: Thái Hà

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết để chắc chắn là tái nhiễm, cần giải trình tự gene virus. Nếu gene virus khác nhau, tức có thể có một thay đổi trên bộ gene hoặc là hai biến chủng khác nhau, và nuôi cấy thấy virus còn sống thì chắc chắn người này tái nhiễm.

Lí giải vấn đề này, TS Phạm Quang Thái, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay: “Virus SARS-CoV-2 khi tấn công vào cơ thể lần đầu tiên, để lại miễn dịch không cao. Đây là cơ sở cho nguy cơ tái nhiễm. Thế giới và Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp tái nhiễm với các chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau. Ở chủng Delta, tỉ lệ tái nhiễm là 1% và chủng Omicron thì số ca tái nhiễm cao hơn”.

Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức Tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), các bệnh nhân tái nhiễm bệnh sau khoảng một tháng khỏi bệnh, triệu chứng nhẹ hơn lần đầu và được tư vấn tự cách li điều trị tại nhà, không cần nhập viện. “Sau khi khỏi COVID-19, cơ thể người bệnh sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập virus SARS-CoV-2, lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, bệnh nền. Nếu kháng thể không đủ mạnh, người khỏi bệnh chủ quan không tuân thủ 5K, khi tiếp xúc F0 mang biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm, lần đầu tiên, người bệnh nhiễm chủng Delta, nhưng lần thứ hai có thể nhiễm chủng Omicron”, bác sĩ Phúc nói.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin, những người tái nhiễm biến chủng mới vẫn có nguy cơ diễn biến nặng nếu chưa tiêm vắc xin. Diễn biến bệnh khi tái nhiễm cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ ác tính của biến chủng. Chuyên gia lấy ví dụ, một bệnh nhân từng nhiễm biến chủng Alpha và khỏi bệnh, sau đó tiếp tục nhiễm biến chủng Delta. Do biến chủng Delta có mức độ độc tính cao hơn nên người tái nhiễm vẫn có nguy cơ diễn biến nặng nếu chưa đảm bảo đủ mũi vắc xin.

Có thể tái nhiễm nhiều lần

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết tái dương tính là tình trạng được ghi nhận khi người mắc đang trong diễn biến của bệnh. Họ từng có giai đoạn xét nghiệm cho kết quả âm tính, sau đó dương tính. Trong khi đó, tái nhiễm SARS-CoV-2 được hiểu là tiếp tục mắc COVID-19 sau khi đã khỏi hoàn toàn. “Với những trường hợp này, các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm kiểm tra kháng nguyên, kháng thể, nuôi cấy virus... Căn cứ vào kết quả cùng các yếu tố lâm sàng và dịch tễ, bác sĩ sẽ xác định họ khỏi COVID-19 hay chưa, tái dương tính hay tái nhiễm”, bác sĩ Cấp giải thích.

PGS.TS Trần Đắc Phu, khẳng định đã ghi nhận một số ca tái nhiễm, thậm chí sau khi đã tiêm vắc xin mũi 3. Điều này được ghi nhận trong những báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, Bộ Y tế chưa công bố bất cứ nghiên cứu, thống kê, số liệu cụ thể về vấn đề này. TS Phu cho biết thêm, các nghiên cứu trên thế giới đến nay chỉ ra, những đợt tái nhiễm sẽ nhẹ hơn so với lần mắc bệnh đầu tiên, dù F0 gặp bất cứ biến chủng nào.

Ngay cả khi kháng thể không đủ mạnh để bảo vệ một người khỏi lần lây nhiễm thứ hai, các tế bào T (tế bào miễn dịch sát thủ) cũng ngăn ngừa chuyển nặng và tử vong. F0 hiếm khi gặp triệu chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ nhỏ bệnh nhân gặp biến chứng nghiêm trọng sau tái nhiễm SARS-CoV-2, điều này phụ thuộc vào thời điểm mắc bệnh. Tái nhiễm sẽ giúp tăng cường miễn dịch ở người bệnh.

Nó có vai trò như liều vắc xin tăng cường. Song bệnh nhân vẫn không được bảo vệ 100%. Nhiều dữ liệu cho thấy một số người tái nhiễm trên hai lần. Do đó các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên chủ quan, lơ là, có suy nghĩ đã tiêm 3 mũi hoặc đã nhiễm bệnh thì sẽ không tái nhiễm. Bác sĩ khuyến cáo, những trường hợp có nguy cơ tái nhiễm virus cao vẫn là nhóm hệ miễn dịch kém, mắc bệnh nền, người cao tuổi.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng Đại học Y dược TPHCM cho biết: “Khi nhiễm COVID-19 cơ thể sẽ tạo ra miễn dịch, nhưng không phải miễn dịch nào cũng lâu dài, bền vững vì sẽ có sự suy giảm nồng độ kháng thể trong máu. Đó là chưa kể với những biến chủng mới của COVID-19 gần đây sẽ thâm nhập vào các tế bào trong cơ thể rất nhanh mà kháng thể chưa kịp đáp ứng lại được. Thêm nữa, COVID-19 không thâm nhập vào đường máu mà thâm nhập vào niêm mạc, trong khi niêm mạc thường ít kháng thể. Do vậy, kháng thể của cơ thể nếu có chống lại COVID-19 thường không bền vững”.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.