Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ GT&VT Nguyễn Văn Thắng, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và các địa phương vùng ĐBSCL.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng có tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 85 – Bộ GT&VT làm chủ đầu tư.
Phối cảnh cầu Đại Ngãi nối tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng. Ảnh: Ban 85. |
Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 15,14km, điểm đầu giao với Quốc lộ 54, thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; điểm cuối giao với Quốc lộ Nam sông Hậu, thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.
Dự án gồm 2 công trình cầu chính. Cầu Đại Ngãi 1 nối tỉnh Trà Vinh với huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Cầu Đại Ngãi 2 nối huyện Cù Lao Dung và huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Dự án sẽ được đầu tư hoàn chỉnh với 4 làn xe, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 gồm 2 làn xe với bề rộng mặt cắt ngang 12m, vận tốc thiết kế 80km/h.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công. Ảnh: Hòa Hội. |
Trong đó, cầu Đại Ngãi 1 có chiều dài 2.560m, mặt cắt ngang cầu rộng 19m. Phần cầu chính có kết cấu cầu dây văng, chiều dài nhịp chính 450m lớn thứ 2 Việt Nam (sau cầu Cần Thơ với chiều dài nhịp chính 550m). Cầu Đại Ngãi 2 (gói thầu số 11-XL) dài 862m, mặt cắt ngang cầu rộng 17,5m, cầu chính dạng kết cấu cầu đúc hẫng, chiều dài 330m.
Thứ trưởng Bộ GT&VT Nguyễn Duy Lâm cho biết, dự án sau khi hoàn thành sẽ xóa bỏ 2 bến phà cuối cùng trên tuyến QL60 và nối thông toàn tuyến bằng đường bộ, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông cũng như đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trên tuyến.
Đặc biệt, cầu Đại Ngãi sẽ giúp rút ngắn được khoảng 80km quãng đường từ Cà Mau về TPHCM so với Quốc lộ 1A, từng bước hoàn thiện quy hoạch mạng lưới giao thông khu vực ĐBSCL đã được phê duyệt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công cầu Đại Ngãi. Ảnh: Hòa Hội. |
Để hoàn thành dự án theo tiến độ được phê duyệt, Bộ GT&VT đã quyết liệt chỉ đạo Ban Quản lý dự án 85, các đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, nghiên cứu lựa chọn phương án tuyến tối ưu nhất; qua đó, rút ngắn 11 tháng so thời gian thực hiện các dự án nhóm A như trước đây. Đặc biệt, 2 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng đã chủ động vào cuộc quyết liệt và đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để bàn giao mặt bằng cho dự án. Cụ thể, tỉnh Trà Vinh đã bàn giao 97%, tỉnh Sóc Trăng đã bàn giao 100% mặt bằng.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, xác định vùng ĐBSCL là vùng chiến lược đặc biệt quan trọng nên Đảng, Chính phủ và Quốc hội đã xây dựng nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách nhằm khai khác và phát huy ở mức cao nhất những tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh và bền vững của toàn vùng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án cầu Đại Ngãi. Ảnh: Hòa Hội. |
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tới đây, Chính phủ sẽ phát triển giao thông của vùng với tất cả các phương thức giao thông vận tải. Cụ thể, sẽ vừa thúc đẩy thực hiện nhanh cao tốc, triển khai đường hàng không, phát triển đường thủy và nghiên cứu làm đường sắt. Điều này cũng là việc quan trọng góp phần tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững cho người dân trong khu vực.
Nhấn mạnh việc xây dựng cầu Đại Ngãi có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ, ban ngành T.Ư và địa phương phải huy động mọi nguồn lực, phát huy tinh thần tự lực tự cường, đi lên từ nội lực; luôn luôn đổi mới, sáng tạo, có tư duy, tầm nhìn chiến lược; đổi mới cách nghĩ, cách làm; huy động nguồn lực của nhân dân; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư để tạo đột phá về hạ tầng.
Đơn vị thi công tập kết máy móc tại công trình. Ảnh: Hòa Hội. |
Mặt bằng tại công trường điểm đầu cầu Đại Ngãi, bờ Trà Vinh. Ảnh: Hòa Hội. |
Thủ tướng cũng biểu dương các bộ, ngành, các địa phương đã rốt ráo chuẩn bị, rút ngắn được thời gian cho lễ khởi công và cảm ơn người dân địa phương đã đồng tình ủng hộ, bàn giao đất đai, nơi ở của mình cho dự án.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị chủ đầu tư, các đơn vị thi công và các địa phương vượt nắng, thắng mưa, khắc phục khó khăn để hoàn thành công trình sớm hơn thời hạn, đảm bảo chất lượng công trình và kết thúc dự án chậm nhất vào cuối tháng 12/2025.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường giám sát kiểm tra về tiến độ, chất lượng công trình, tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, sai phạm và đảm bảo quyền lợi của người dân trong vùng dự án.