"Khóc thét" vì tẩy lông bằng sáp nóng
Tẩy lông bằng sáp nóng (waxing) được xem là một trong các phương pháp làm đẹp, giúp chị em lấy đi những sợi "violon" không muốn có trên cơ thể.
Các chuyên gia cảnh báo những hệ lụy từ phương pháp này khiến chị em cũng cần lưu ý khi thực hiện.
làm đẹp bình dân hiện nay bởi giá rẻ nhưng độ an toàn không cao. |
Sáp lẫn mùi lông cháy khét
Chị Trần Thu Hiền (ở Mai Động, Hà Nội) cho biết, do chân nhiều "violon" lên để diện váy chị thường phải đến các hiệu spa làm đẹp với phương pháp sử dụng kem bôi để tẩy lông hoặc dùng sáp nóng để giật lông. Mỗi lần waxing chân có giá khoảng 150.000đ. Thế nhưng vừa rồi các spa tăng giá nên chị chuyển về làm đẹp gần nhà tại một cửa hàng cắt tóc gội đầu ở ngõ 254 Minh Khai, Hà Nội có treo biển: "Waxing chân, tay, nách - 50.000đ/lần".
Hí hửng vì cùng phương pháp sử dụng sáp để tẩy lông đó nhưng giá rẻ nên chị Hiền làm ngay. Nhưng sau lần thử nghiệm đầu chị Hiền đã phải ôm chân, cắn răng chịu nóng và chịu đau để giật lông. Kết quả là sau hai lần bôi sáp chị Hiền đành khất ra về, hẹn lần sau đến làm tiếp, nhưng điều đáng nói là ở chỗ bôi sáp, da chị bị tấy đỏ, đau rát đến mấy ngày.
Theo chân chị Hiền, phóng viên KH&ĐS đã đến cửa hàng kia để được chứng kiến "thảm họa" làm đẹp. Cô nhân viên ở đây đưa ra một chiếc nồi nhỏ cũ kỹ, cáu bẩn để nấu sáp. Lớp sáp mỏng dưới đáy nồi chứa đầy lông đã được tẩy trước đó được đặt lên bếp gas du lịch đun khoảng 2 phút. Một mùi khét lẹt, khói mù xông lên. Khi được hỏi tại sao có lẫn lông trong nồi sáp, cô nhân viên thản nhiên trả lời: "Sáp tẩy lông một lần rồi em dùng lại cho khỏi phí. Nhổ lông chỉ ngoài da thôi, mà đun nóng thế này thì cũng tiệt trùng rồi, chị không phải sợ đâu...".
Hóa ra ở đây wax bằng loại sáp nóng bôi lên da để khô bớt và giật miếng sáp khô đã dính cả những sợi lông đó lên, chứ không phải cách làm bôi một lớp sáp mỏng và dùng miếng vải thô miết cho bám vào lớp sáp đã dính lông để giật lên.
Khi đã đun sáp xong, cô nhân viên này bắt đầu dùng đũa và thìa múc sáp lên... thổi cho bớt nóng và chuẩn bị bôi lên chân thì chúng tôi đành viện lý do sợ đau và chưa chẩn bị tinh thần để... chuồn.
Nguy cơ tổn hại da
Theo chuyên gia da liễu Nguyễn Thị Thảo, giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Đông, việc tẩy lông chân bằng bôi sáp nóng khá phổ biến ở các cửa hàng làm đẹp bình dân hiện nay bởi giá rẻ nhưng độ an toàn không cao. Bởi sáp nóng chảy thường có nhiệt độ cao, hơn nữa dụng cụ đun thô sơ lại không kiểm soát được nhiệt độ nên nguy cơ gây bỏng là điều dễ hiểu.
Ngoài ra, khi bôi sáp nóng lên da sẽ ảnh hưởng đến nang lông cũng như mô da. "Cụ thể, khi bôi nóng vô hình trung gây ra sự sang chấn về mặt cơ học lên da, từ đó gây viêm da, viêm nang lông, lỗ chân lông rộng ra. Như vậy, cách làm đẹp tức thì này lại gây ra sự xấu ngấm ngầm về lâu dài", chuyên gia Nguyễn Thị Thảo nhấn mạnh. Bên cạnh đó, cách làm đẹp này cũng tiềm ẩn những nguy cơ khác như gây viêm nhiễm, lây lan bệnh da liễu... do dùng chung một chất sáp sau đó đun lên dùng lại cho nhiều người. Đây là việc làm rất mất vệ sinh và không khoa học.
TS Nguyễn Viết Lượng, Viện Bỏng Quốc gia cũng cho rằng, việc sử dụng wax tiệt lông có hiệu quả không cao bởi sau tiệt lông một thời gian lông sẽ mọc lại. Và sau khi làm nhiều lần có thể khiến cho lông cứng hơn, lỗ chân lông bị thô, to ra. Đấy là chưa kể đến cách làm nếu không đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật có thể gây bỏng da, viêm nhiễm da và nang lông.
Để hạn chế những nhược điểm này, TS Nguyễn Viết Lượng khuyến cáo, chị em nên đến các địa chỉ uy tín để được thực hiện wax đúng kỹ thuật. Trước khi làm nên chăm sóc da tốt, giữ ẩm và làm sạch da đúng theo hướng dẫn. Sau khi thực hiện wax nên sử dụng các loại kem làm sạch những vết wax còn sót lại trên da, có thể bổ sung kem dưỡng da, giữ ẩm. Nếu sau khi wax cần ra nắng, phải chú ý che chắn cho da, tốt nhất nên sử dụng kem dưỡng da chống nắng.
Theo Thu Na
Bee