Khóc cười ở lớp thanh nhạc Đức Long nơi trời Tây

Thầy Đức Long cùng các học viên thanh nhạc tại Leipzig, Đức, hè 2018
Thầy Đức Long cùng các học viên thanh nhạc tại Leipzig, Đức, hè 2018
TP - Giọng nam trữ tình có bản sắc của Hà Nội từ những năm 1990 trở lại với đêm nhạc Khi gió mùa về cùng các học trò tại Nhà hát Tuổi Trẻ tối 24/11. Lý do anh vắng mặt trên sân khấu hơi lâu là 5 năm qua, anh dành tâm huyết cho những lớp thanh nhạc Đức Long ở tận bên Đức, Tiệp. Ở đó, anh không chỉ dạy hát mà còn làm thay đổi cuộc sống của nhiều kiều bào.

Những tưởng anh dạy cho những người muốn làm ca sĩ nhưng không phải. Các học viên đều ở lứa U50, việc làm ăn đã ổn định, con cái đã ra ở riêng. Đức 16 tiểu bang thì 12 bang có lớp thanh nhạc thầy Đức Long, Tiệp có 2 lớp.

Hơn 5 năm trước, hội Mifafa - nhóm các nghệ sĩ Việt xa xứ muốn khuấy động phong trào văn nghệ trong cộng đồng nên mời Đức Long sang dạy hát. Ở Đức đầu tiên chỉ có 2-3 tiểu bang có người học. Hết khóa họ lại mời bà con ở các tiểu bang khác tới liên hoan giao lưu. Mọi người thấy cùng dân buôn bán, “lắc chảo” giờ lên sân khấu không kém gì ca sĩ, thì bị kích thích. Phong trào học hát thành ra lan truyền từ tỉnh nọ đến tỉnh kia.

Khóc cười ở lớp thanh nhạc Đức Long nơi trời Tây ảnh 1 NSƯT Đức Long tái ngộ khán giả Hà Nội trong liveshow cùng các học trò
Ảnh: NVCC

Nhiều học viên vẫn theo học từ những ngày đầu đến giờ. Nếu trước đây bà con phải chờ nghệ sĩ trong nước xếp lịch sang diễn thì bây giờ họ đã có thể tự tổ chức những sự kiện từ họp đồng hương tới cưới hỏi, sinh nhật, kỷ niệm ngày sang Đức… vì ca sĩ đã “tự trồng được”. Chi phí do đó cũng tiết kiệm được nhiều. Chưa kể niềm vui được thể hiện bản thân.

Đức Long không kén chọn học sinh. Theo anh, cứ ai nói được, nghe được thì sẽ (học) hát được. “Trong bản năng của con người, chắc chắn ai cũng biết hát. Chẳng qua họ có để ý đến cái góc đấy hay không,” anh nói. “Có những người biết hát nhưng không bao giờ dám đứng trước đông người để thể hiện. Qua những lớp học, mình rèn luyện cho họ thêm tự tin”. Hàng năm đều đặn, anh tổ chức hai “học kỳ” tại Đức. Ba tháng về mùa hè, mùa đông thì ngắn ngày hơn, vì thầy còn phải về nước ăn Tết. Mở lớp dạy hát đồng nghĩa với việc ngưng các hợp đồng biểu diễn châu Âu. Đơn giản vì, để chuẩn bị diễn ở đâu, anh cũng phải nghỉ 1-2 ngày trước đó để dưỡng cổ họng, như thế lại mất thời gian của học viên.

Với lòng trân trọng và khâm phục tinh thần hiếu học của các học viên, anh kể: “Không đơn giản như ở trong nước, kể cả đang làm việc cơ quan cũng có thể tranh thủ mấy tiếng đi làm việc riêng. Nhưng bên kia, một nhà hàng muốn đóng cửa một hôm thì phải thông báo từ tuần trước. Ai có nhà hàng 10h mở cửa thì đi học từ 9h. Những người mở sớm hơn thì sau 8h tối đóng cửa một cái, thậm chí không ăn gì, chỉ kịp tắm rửa rồi vội vàng đến học. Có những người đi xa gần 200km vào mùa đông, đến lớp có gì ăn đấy. Có nhà cả hai vợ chồng đều học. Chập tối vợ đi trước, chồng ở lại đóng cửa hàng đi sau. Hôm sau chồng đi, vợ đi sau, cứ thế luân phiên…”.

Đặc thù của học thanh nhạc là một thầy một trò. Khi ở Đức, mỗi ngày Đức Long dạy khoảng 20 học trò từ 10h sáng đến 1-2h đêm. Hầu như không nghỉ ngày nào. Lịch làm việc này phải nói là quá tải với bất kỳ giảng viên thanh nhạc nào. NSƯT Kim Tiến từ 3 năm nay phụ giảng cho Đức Long kể thêm: “Trong phòng không nhìn thấy mặt trời, chả biết giờ giấc thế nào, cứ hết người này đến người kia. Thị phạm gấp… 1.000 lần ở Việt Nam. Anh Long phải hát mẫu từng câu, họ làm gì có thời gian tự tập. Ai kém quá thì tôi kéo ra phụ đạo riêng để lúc vào học thầy đỡ vất vả, họ đỡ nản".

Lúc mới xem những học sinh bắt đầu vỡ lòng về thanh nhạc với Đức Long, Kim Tiến buột miệng: “Lạy thầy, thế này làm sao dạy được!”. Nhưng những học viên đã là “ngôi sao” của lớp kéo chị ra, cho chị xem những clip ghi lại ngày đầu học hát của họ. Xem xong, Kim Tiến kết luận: “Công của thầy rất lớn, làm cho những người tôi nghĩ không có khả năng hát lại hát được. Cảm động lắm. Thỉnh thoảng cả lớp ngồi lại nhớ những ngày đầu tiên đi học, rồi cười khóc với nhau”.

“Đến giờ theo tôi biết anh Long là một trong những nghệ sĩ Việt Nam hoạt động tích cực và được yêu mến nhất ở hải ngoại. Sang bên đấy mới thấy sự nồng nhiệt, kính trọng bà con dành cho anh. Họ biết ơn và tự hào là học sinh thầy Long. Anh luôn lặng lẽ cống hiến, không khoa trương nhưng thật ra có thể gọi là ‘hướng đạo văn hóa’ cho bà con. Thật sự chưa ai làm được điều đấy. Các tùy viên văn hóa ở Đức phải dựa vào lớp thanh nhạc này mỗi khi có hoạt động, nòng cốt bây giờ toàn là học sinh Đức Long”.
NSƯT Kim Tiến

Sau hai tuần học, học viên sẽ phải đơn ca 1 bài, hát tốp 2 bài khớp với nhạc thu sẵn của thầy. “Trước đây nếu ai biết hát thường ngâm nga những bài Sài Gòn trước 75, nhưng sau khi học tôi, họ bắt đầu hát nhạc quê hương đất nước nhiều hơn, những bài như Đất nước, Đất nước tình yêu, Thuyền và biển… Năm ngoái ở Berlin, chúng tôi làm cả chương trình kỷ niệm sinh nhật Bác”, Đức Long cho hay. Sự hăng hái, hết mình trên sân khấu của học trò làm thầy cảm động, “quên hết những gì công việc đáng ra mình phải giải quyết ở nhà”. Nếu người khác lưu diễn thì lớp thanh nhạc Đức Long “lưu dạy” khắp Đức. Cứ tỉnh này biểu diễn tổng kết thì tỉnh khác đến dự rồi đón thầy đi luôn.

Từ lớp học của thầy Long, nhiều người bạn từ trong nước gặp lại nhau sau hàng chục năm mất liên lạc, những người từ không quen thì dần trở nên thân thiết như người nhà. Việc học hát tưởng chỉ là thú vui trong thời gian rảnh hóa ra tác động khá nhiều đến đời sống của bà con xa xứ. Đức Long kể: “Phải nói 70% các học viên trước khi đến với lớp học đều mắc bệnh trầm cảm. Vì họ có quan hệ với ai đâu. Buôn bán về, hai vợ chồng lại ngồi nhìn nhau. Con cái đến tuổi ra ở riêng hết rồi. Bên đấy thậm chí 12-13 tuổi bất đồng với bố mẹ có thể ra xin nhà xã hội ở riêng. Người Đức xung quanh chỉ chào hỏi qua bờ rào chứ làm gì có chuyện sang nhà ngồi tâm sự như kiểu nhà mình… Học hát xong giờ bà con lại thành gần như quá khích, cứ 1-2 tuần lại tổ chức liên hoan, đi đến 500 cây số để gặp nhau, hát hò với nhau”.

Lớp thanh nhạc Đức Long cũng không biết khi nào mới nghỉ. “Khi bà con còn cần mình, mình không thể từ chối được”, anh nói. “Trong nghề có người bảo tôi dở hơi, làm ca sĩ đang nhàn nhã lại mua dây buộc mình, thu nhập thì cũng chỉ như ở nhà. Nhưng mang lại niềm vui cho mọi người với tôi đã trở thành đam mê”.

MỚI - NÓNG