Hoàng Xuân Vinh đấm tay vào không khí rồi thu dọn đồ nghề, trước khi quay sang ôm lấy những đối thủ đã cùng anh thi đấu đợt bắn chung kết. Sáu thập kỷ đợi chờ tấm HC vàng Olympic đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã kết thúc bằng một phát đạn gần như hoàn hảo. Nhưng chàng xạ thủ sinh năm 1974 thậm chí không có lấy một pha ăn mừng cho ấn tượng. Không một tiếng gầm thét vỡ òa hay một vũ điệu hoan ca.
Vinh cũng như đa số các VĐV của thể thao đỉnh cao Việt Nam quanh năm chỉ biết tập luyện và thi đấu. Có những người, như Thạch Kim Tuấn, chỉ biết đến sân tập và về nhà, họa hoằn lắm mới ra ngoài xem phim. Đô cử này từng tâm sự trong những chuyến tập huấn anh cũng chỉ quanh quẩn giữa sàn tập và khách sạn. Nhiều người phải bỏ học từ sớm, chỉ có thể tranh thủ học bổ túc, tức là thua thiệt từ học vấn cho đến kiến thức xã hội. Vậy mà ngay trong công việc đã chiếm hết tâm trí, họ không phải lúc nào cũng nhận được sự hỗ trợ tương xứng.
Trong cái ngày Hoàng Xuân Vinh đi vào lịch sử, bài viết về việc anh phải thi đấu bằng khẩu súng đi mượn ở giải vô địch thế giới tại Đức cách đây một năm được chia sẻ và bình luận rất nhiều. Đấy là câu chuyện hy hữu, nhưng một lần nữa cho thấy những bất cập trong công tác chăm sóc VĐV của thể thao Việt Nam.
Người hâm mộ nhớ đến chức vô địch giải trẻ Wimbledon của Lý Hoàng Nam, nhưng đâu biết những giọt nước mắt trong mưa khi hai cha con anh vượt quãng đường gần trăm cây số từ Tây Ninh đến Bình Dương tập luyện. Truyền thông ca ngợi thành tích của Thạch Kim Tuấn ở ASIAD 2014 và đặt lên vai anh những kỳ vọng khổng lồ, nhưng đâu biết chàng trai mồ côi ấy phải trải qua biết bao nhọc nhằn trong cuộc sống, phải vứt bỏ hết những niềm vui tuổi trẻ. Anh không biết dùng email, không biết sử dụng laptop vì quanh năm chỉ biết... tập tạ. Đơn giản một điều rằng, nếu không có thành tích, họ chẳng có gì cả.
Nếu so sánh với những tay súng cùng đẳng cấp trên thế giới, Hoàng Xuân Vinh luôn phải thi đấu trong thiệt thòi. Với một VĐV đã tứ tuần mới vươn đến đỉnh cao thì đó là nỗ lực phi thường tự thân hơn là sự hỗ trợ của một nền thể thao. Xạ thủ quê Sơn Tây (Hà Tây cũ) đã có những thất bại vào phút chót, đã một thời gian dài mang cái mác là VĐV nhỏ trong những khoảnh khắc lớn, nhưng rồi anh đã vượt qua tất cả nhờ một chiến thắng trước chính bản thân mình.
Phía sau phát đạn cương quyết ở thời khắc quyết định vừa qua là cả một thời gian dài tập luyện khắc khổ, bỏ lại gia đình cho người vợ trăm công nghìn việc. Anh có lúc phải tập với bia giấy, trong khi đối thủ đã quá quen với bia điện tử. Anh chỉ được cấp khoảng 100 viên đạn một ngày, bằng một phần năm so với mức chung của các VĐV khác trên thế giới. Có những ngày, anh phải tập chay, nhìn vào bia rồi nín thở và tưởng tượng viên đạn sẽ đi như thế nào sau một cái xiết cò.
Các VĐV của thể thao đỉnh cao thế giới luôn nhận được sự ủng hộ lớn từ nền thể thao nước nhà, từ một chương trình tập luyện khoa học, được chăm lo từ dinh dưỡng cho đến tâm lý. Còn VĐV của nước ta đa số là phải vươn đến đỉnh cao trong nỗi cô đơn. Năm nay Nguyễn Tiến Minh - Vũ Thùy Trang (cầu lông), Văn Ngọc Tú (judo)... đến Olympic mà không có HLV hay chuyên gia. Trong khi đó lại có những quan chức đi cùng mà chẳng liên quan đến bộ môn hay công việc.
Những người như Liêm, Tuấn, Nam hay Vinh, thực sự, đều là "chiến binh". Họ chiến đấu với chính bản thân mình, với những thiệt thòi so với đối thủ, những định kiến và cả những kỳ vọng đến phi lý khi đã có đôi chút thành công.
Cũng như Brazil, Việt Nam mê cuồng bóng đá và dành ngân sách khổng lồ cho nó, đến mức tưởng như sẵn sàng lãng quên những môn thể thao mũi nhọn khác. Chỉ có điều, Brazil là quốc gia từng năm lần vô địch thế giới, còn chúng ta vẫn chưa thoát khỏi cái ao làng Đông Nam Á.