Ngày 28/10, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với CDC Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm, giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Giải đáp băn khoăn việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em”.
Tại tọa đàm, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương căn cứ vào tình hình dịch và nguồn cung ứng vắc xin, tổ chức tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 12- 17 tuổi theo lộ trình.
Tại Hà Nội, thành phố đang rà soát thống kê số lượng trẻ trên địa bàn cần tiêm vắc xin và xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12- 17 tuổi.
Công tác chuẩn bị và triển khai tiêm chủng cho đối tượng này sẽ đặc biệt khó khăn, do số lượng người nhà buộc phải đi cùng trẻ khi tiêm, cũng như những tâm lý lo sợ điển hình ở trẻ, như hiệu ứng dây chuyền, hiệu ứng blouse trắng…
Tại thành phố Hà Nội, ngành Y tế đã lên danh sách khoảng 680 nghìn đến 840 nghìn trẻ thuộc đối tượng tiêm vắc xin COVID-19. Hiện thành phố cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án, cũng như điều kiện cần thiết tại các cơ sở tiêm chủng cho trẻ.
Giám đốc Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm Đinh Thị Thanh cho biết, đối với quận Bắc Từ Liêm có dân số khoảng 320 nghìn người, trong đó trẻ em 3- 17 tuổi khoảng 75 nghìn. Số trẻ em trong độ tuổi dự kiến tiêm là 29 nghìn (12-17 tuổi).
Quận có 8 trường THPT, 17 trường THCS, tổng số học sinh theo học khoảng 25 nghìn trẻ. Ngay sau khi có chỉ đạo của thành phố, Sở Y tế, CDC Hà Nội, ngành Y tế quận Bắc Từ Liêm đã chủ động phối hợp với các ban ngành của quận, chính quyền địa phương lên danh sách, rà soát các cháu trong độ tuổi tiêm.
Ông Ngô Khánh Hoàng, Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - CDC Hà Nội cho rằng, quan điểm của y tế dự phòng, có vắc xin là niềm hạnh phúc, không có gì rẻ và hiệu quả bằng vắc xin. Các bậc phụ huynh nên cho trẻ tham gia tiêm, không nên trì hoãn tiêm bởi vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất.