Khoảng cách 1,5m giữa các học sinh khó khả thi

Hà Nội có lớp lên tới 60 học sinh, khó có thể giãn cách đảm bảo 1,5m (ảnh chụp tại Trường tiểu học Tây Hồ - Hà Nội)
Hà Nội có lớp lên tới 60 học sinh, khó có thể giãn cách đảm bảo 1,5m (ảnh chụp tại Trường tiểu học Tây Hồ - Hà Nội)
TP - Quy định học sinh quay lại trường học phải thực hiện giãn cách lớp học đảm bảo khoảng cách 1,5m đã đẩy các trường học vào thế khó, đặc biệt là trường học ở Hà Nội.

Công văn 2234 của Bộ Y tế gửi Bộ GD&ĐT về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong cơ sở giáo dục nêu rõ: “Đảm bảo khoảng cách chỗ ngồi giữa các học sinh, sinh viên tối thiểu 1,5m. Trên cơ sở đó, căn cứ tình hình thực tế từng phòng học, từng bàn học có thể bố trí mỗi học sinh ngồi 1 bàn hoặc 2 học sinh ngồi 1 bàn hoặc ngồi so le cho phù hợp nhằm đảm bảo khoảng cách tối thiểu”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ yêu cầu các nhà trường nếu lớp học đông sẽ tách đôi, đảm bảo lớp học không quá 20 học sinh. Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng, quy định này đẩy các trường vào thế khó, họ cảm thấy bối rối, chờ hướng dẫn thêm, thậm chí có lãnh đạo Sở GD&ĐT khẳng định “khó khả thi”.

Cà Mau là địa phương đầu tiên áp dụng giải pháp này đối với học sinh lớp 9 và lớp 12. Khi đó, các trường chia đôi lớp học, bố trí học sinh ngồi hình chữ Z để đảm bảo khoảng cách. Tuy nhiên, việc giãn cách chỉ đảm bảo được ở thời điểm toàn tỉnh mới chỉ có 2 khối lớp học sinh đến trường.

Hà Nội, địa phương “nóng” về vấn đề sĩ số lại càng khó thực hiện được việc giãn cách khi mà có lớp hiện vẫn còn sĩ số lên tới 60, nhiều lớp trung bình 50.

Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ thực tế, trường học chỉ vẻn vẹn 900 m vuông lại có tới 900 học sinh. Dãy phòng học được xây chồng lên 4 tầng mới chỉ có 20 phòng học, sĩ số học sinh hiện ở mức 37 đến 50 học sinh. Do đó, bà Vân Hồng nói rằng, ngày 4/5 tới, chỉ có học sinh khối 9 đi học thì có thể chia đôi lớp, thực hiện được giãn cách đảm bảo khoảng cách 1,5m giữa các học sinh. Còn khi học sinh toàn trường đi học, phương án này không thể thực hiện được.

Vì thế, hiệu trưởng trường này sẽ chờ hướng dẫn cụ thể của Sở GD&ĐT Hà Nội mới có thể thực hiện được. Tuy nhiên bà Vân cũng cho rằng nếu thực hiện giãn cách là biện pháp bắt buộc thì nhà trường sẽ phải giảm số tiết học sinh học trên lớp, học sinh các khối lớp nghỉ luân phiên; kết hợp học trực tuyến và trực tiếp mới giải được bài toán này.

Ông Đỗ Văn Lợi, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng nói nếu chỉ có học sinh cuối cấp đi học, việc thực hiện giãn cách đảm bảo 1,5m có thể thực hiện được. Tuy nhiên, tất cả học sinh các cấp đi học thì việc này rất khó.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã khẳng định, việc thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế phải đảm bảo khoảng cách 1,5m giữa 2 học sinh là khó khả thi khi tất cả các khối lớp ở Hà Nội đều đi học. Bởi vì các trường ở khu vực nội thành hiện đều phải học 2 ca.

Nếu thực hiện giãn cách như vậy, mỗi lớp ít nhất sẽ phải tách làm 2 và khi đó không có đủ phòng học, bàn học cũng như giáo viên dạy học. Vì thế, việc này chỉ có thể thực hiện được khi chỉ có lớp 9, lớp 12 đi học. “Còn sau đó, khi dịch bệnh đã được kiểm soát ổn định các khối lớp còn lại mới quay lại trường học thì việc thực hiện giãn cách không cần thiết nữa”, ông Tiến nói.

MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.