Khỏa thân nơi công cộng: Vấn đề văn hóa nhức nhối

Khỏa thân nơi công cộng: Vấn đề văn hóa nhức nhối
TP - Chụp ảnh khỏa thân nơi công cộng đang là chủ đề được bàn luận sôi nổi thời gian qua. Một nữ tiến sỹ vừa lên tiếng: Đã đến lúc cần xem lại các qui định về những hành vi có tính chất riêng tư ở nơi công cộng.

Chụp ảnh khỏa thân nơi công cộng đang là chủ đề được bàn luận sôi nổi thời gian qua. Nhân việc một số người trong trạng thái nude (hoặc giống nude) chụp ảnh trong đầm sen đang thì rực rỡ, một bộ phận dư luận không tiếc lời công kích, thậm chí đi quá đà. Họ tự đặt cho mình nghĩa vụ bảo vệ vẻ đẹp thanh tao của loài hoa được xem như quốc hoa và có quyền “body shaming” (miệt thị người khác). Đây thực sự là một “tội ác” trong xã hội hiện đại.

Bên cạnh đó, một bộ phận dư luận lên tiếng bênh vực những người “nude” ở đầm sen để chụp ảnh. Họ cho rằng, người Việt quá hà khắc đối với nhau. Có người còn lí luận: Tranh “nude” lên ngôi, ảnh “nude” cũng được “cởi trói”, tại sao lại “ném đá” những cô gái có nhu cầu “nude” công khai?

Nhưng đâu phải bức tranh khỏa thân nào cũng có giá 1,4 triệu USD như tranh của danh họa Lê Phổ? Cho nên, đừng đánh đồng mọi hình thức khỏa thân là như nhau. Dù “ném đá” hay bảo vệ, cũng không thể phủ nhận một thực tế rõ ràng: Khỏa thân nơi công cộng những năm gần đây đang trở thành vấn đề văn hóa nhức nhối.

Vừa qua “vụ” mỹ nhân tung bộ ảnh hở hang, phản cảm ở Tuyệt tình cốc, Đà Lạt, lại xuất hiện đôi bạn trẻ thực hiện bộ ảnh cưới theo phong cách “nude” ở “thành phố trên cao nguyên” khiến dư luận dậy sóng. Nhiều người cho rằng, bộ ảnh cưới ấy đã “bôi bẩn” Đà Lạt. Cơ quan quản lí văn hóa cũng lúng túng ít nhiều khi đưa ra biện pháp xử lí với cặp đôi này. Mùa hạ đến kéo theo câu chuyện ảnh nude ở đầm sen. Một nữ tiến sỹ vừa lên tiếng: Đã đến lúc cần xem lại các qui định về những hành vi có tính chất riêng tư ở nơi công cộng.

Nhưng ngay cả có qui định rõ ràng về những hành vi có tính chất riêng tư nơi công cộng, cũng giúp ích gì? Bởi mục đích của chụp ảnh nude nơi công cộng, đôi khi không phải chỉ là ghi lại một khoảnh khắc của cơ thể phô bày. Muốn ghi lại vẻ đẹp của “tòa thiên nhiên” thiếu gì cách? Rất nhiều họa sỹ, nhiếp ảnh gia sẵn sàng giúp “thượng đế” toại nguyện ở không gian riêng tư. Phải chăng tạo ra những bộ ảnh gây tranh cãi còn thể hiện nhu cầu được để ý? Nếu muốn được nổi tiếng bằng mọi giá thì “ném đá” hay phạt chỉ là hình thức khiến nhu cầu này tăng cao.

Chẳng hạn như chuyện cô người mẫu nọ mặc đồ kiệm vải hết cỡ ở LHP Cannes vừa qua. Dư luận trong nước và quốc tế “ném đá”, lãnh đạo ngành văn hóa lên tiếng, cần nghiên cứu để phạt những trường hợp như “chân dài” này. Cô người mẫu mừng quá, mới rồi lại diện ngay bộ pyjama đặc biệt, mô phỏng những scandal giúp cô “nổi tiếng”. Thế có phải, cũng có người ngày đêm “mơ gạch đá”, mong bị đối xử hà khắc đó sao?

MỚI - NÓNG
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
TPO - Concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hưng Yên tối 14/12 hút hàng chục nghìn khán giả. Nhiều người cố săn vé ngay sát giờ diễn, bất chấp giá cao. Trong thời gian chờ đợi các nghệ sĩ xuất hiện, hàng chục nghìn khán giả hát vang Quốc ca.