Khó xử phạt hành vi 'cởi đồ khoe thân'?

Khó xử phạt hành vi 'cởi đồ khoe thân'?
Liên quan đến việc 7 thanh, thiếu niên tổ chức quay video clip Anh không đòi quà với nhân vật nữ chính cởi đồ phản cảm nơi công cộng, giới luật sư cho rằng khó có thể xử phạt.

Không chỉ ở Cần Thơ, việc “ăn theo” quay clip Anh không đòi quà để cởi đồ, khoe thân tung lên mạng ngày càng phố biến, diễn ra ở nhiều tỉnh thành. Nhân vật chính cởi đồ cũng có nhiều biến tướng hết nữ đến nam và thậm chí là cả trẻ con.

Điều mà dư luận bức xúc là việc một bộ phận giới trẻ xem đây là chuyện bình thường trong khi đại bộ phận dân chúng cho rằng hành động khoe thân, cởi đồ phản cảm nói trên đã vi phạm thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, hầu như không thấy chính quyền địa phương xử phạt dù việc quay clip phản cảm công khai trên đường phố.

Không những vậy, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết thêm hành vi ăn mặc hở hang, phản cảm tại địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội trên thực tế hầu như không bị cơ quan hay người có thẩm quyền nào ra quyết định xử phạt.

“Mức độ chỉ dừng lại ở việc bảo vệ nhắc nhở người ăn mặc phản cảm, hở hang và không cho họ vào trong các địa điểm này”, luật sư Chánh nói.

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng hành vi trên không bị xử phạt. Đồng quan điểm này, luật sư Nguyễn Đức Chánh phân tích: “Nhóm thanh thiếu niên quay video clip, trong đó có một người nữ chỉ mặc áo ngực và quần lót đang biểu diễn công khai trên đường đến thời điểm này chưa có quy định nào về việc xử phạt hành chính đối với hành vi này vì không xảy ra ở nơi hội họp đông người, địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội”.

Đồng thời, hành vi phát tán clip này trên mạng hiện nay cũng không có quy định nào xử phạt, luật sư Chánh nói thêm.

Song song đó, một thẩm phán tòa hành chính cho biết: Theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ xử phạt vi phạm quy định về nếp sống văn minh, chỉ bị xử phạt khi: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng khi Không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội. Việc xử phạt sẽ do chính quyền địa phương nơi xảy ra hành vi vi phạm lập biên bản xử phạt.

Nhưng Nghị định 73 sắp bị thay thế bởi Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội… vừa ban hành. Kể từ ngày 28.12 tới đây Nghị định 167 sẽ có hiệu lực đồng thời Nghị định 73 sẽ hết hiệu lực quy định đã bỏ không xử phạt hành vi nói trên.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Lương (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bến Tre), đây là điểm hở của pháp luật, những hành vi phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục diễn ra ở những nơi tôn nghiêm như trên sẽ không thể xử phạt được.

Đối với hành vi ăn mặc hở hang, phản cảm, theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, hiện chỉ xử phạt nếu liên quan đến hoạt động biểu diễn.

Cụ thể, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 của Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 6/1/2009 của Chính phủ thì biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang là một trong những hoạt động văn hóa.

Tại điểm b khoản 3 của Quy chế này nghiêm cấm các hoạt động văn hóa có nội dung: Trái với thuần phong mỹ tục; người tổ chức biểu diễn nghệ thuật không được yêu cầu hoặc cho phép người biểu diễn sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc...

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 16 Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa thì hành vi mặc trang phục, hóa trang gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam sẽ bị xử phạt hành chính từ 2 - 5 triệu đồng.

Theo Thanh niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG