> Người giấu mặt “nhập gia tùy tục”
> Bà Tưng trượt khỏi show thực tế 'Người giấu mặt'
Người Giấu mặt (Big Brother) phiên bản Việt đưa 12 nam thanh nữ tú vào sống chung một nhà trong 65 ngày. Sau 3 tuần, tình cảm đã nảy sinh giữa 3 đôi. Trong đó có một cặp nữ, nhưng một trong hai cô đã bị loại. Theo những gì chương trình cho khán giả thấy, chỉ các cô gái có những pha đụng chạm thể hiện tình cảm.
Để thêm hấp dẫn, chương trình ra đề bài Tôi là người nổi tiếng, cho thí sinh diễn lại y như thật các clip ca múa nhạc, một clip có cảnh hôn nhau. Phiên bản Big Brother nước ngoài không hiếm pha thể hiện tình cảm nam nữ nhưng thí sinh nhà ta (trừ một số chị em) lại khá e dè. Điều này phần nào thể hiện nét riêng của “thuần phong mỹ tục” Việt Nam chăng?! Vậy nhưng những vấn đề về giới tính thứ ba lại được bàn luận cởi mở theo quan điểm tích cực.
Nhưng thể hiện giới tính không thành vấn đề mà là cá tính. Người đầu tiên bị các thành viên và khán giả đồng tình loại là đầu bếp Hà Thủy. Khi Người Giấu mặt yêu cầu các thành viên kể một kỷ niệm khiến họ tiếc nuối nhất, Thủy không có gì để kể vì không hối tiếc bất cứ điều gì. Cô hơn một lần khẳng định thấy hạnh phúc, vì mình là đối thủ đáng gờm nên mới bị các thành viên loại sớm.
Nhưng bị loại còn chứng tỏ thí sinh đó bị khán giả “ghét”, hay nói giảm nhẹ là không đồng tình. Đạo diễn chương trình Nguyễn Quang Dũng cắt nghĩa: “Khán giả không bình chọn để tôn vinh, đề cao một thần tượng mà họ đơn thuần là đang theo dõi và ủng hộ một quan điểm, một hình ảnh phản chiếu chính mình khi họ tìm thấy sự đồng cảm trong lẽ sống”.
Tất nhiên không phải ai cũng bản lĩnh như Hà Thủy. Diễn viên trẻ Hoài Sơn khi biết mình là một trong hai người có nguy cơ bị loại đã có dấu hiệu trầm cảm. Phải chăng Sơn lo lắng khi nghề nghiệp của anh cần nổi tiếng, trong khi anh chưa kịp nổi về tài năng thì đã nổi về tính cách.
Mới đây trong Big Brother phiên bản Mỹ, hai thí sinh có phát ngôn kỳ thị chủng tộc và giới tính đã bị nơi họ làm việc ngoài đời sa thải. Nghe nói, nơi này còn cảm ơn chương trình đã cho họ thấy con người thật của nhân viên. Ghê hơn, một cặp đôi trong Big Brother phiên bản dành cho người nổi tiếng ở Anh thậm chí còn bị khán giả đe dọa tính mạng vì hành xử bất lịch sự, bạo lực. Có câu: Gieo tính cách gặt số phận. Với chương trình kiểu Người Giấu mặt, từ gieo đến gặt có vẻ nhanh hơn bình thường?!
Có thể nói Người Giấu mặt là chương trình giàu tính thực tế trong số các chương trình loại này. Khi thí sinh là người bình thường và cái để họ thi với nhau không phải khả năng gì đặc biệt mà chính là tính cách, tâm lý. Vì thế chương trình về lý thuyết có thể hấp dẫn đối tượng khán giả đại trà. Thực tế có vẻ chưa như vậy.
Xem Người Giấu mặt khá thoải mái, không hề bị quấy rầy bởi các spot quảng cáo. Có lẽ vì thế mà chương trình đang tìm cách đến gần khán giả. Tuần này, khán giả sẽ quyết định chế độ ăn của thí sinh thông qua việc bấm “thích” các đoạn phim là kết quả việc thực hiện nhiệm vụ Tôi là người nổi tiếng. Cứ 1.000 lượt thích, thí sinh có 500 nghìn đồng thêm vào tiền chợ.
Thí sinh Người Giấu mặt khá đói sau nhiều lần thất bại trong các thử thách tuần, đồng nghĩa tiền chương trình cấp cho họ để mua đồ ăn sẽ giảm xuống. Họ đã phải ăn cháo trắng, gạo sống “cầm hơi”.
Mới đây, một người nghĩ ra món nghiền cơm nguội vo viên, rang lên và tẩm đường gọi là “hồ lô”. Món này được Người Giấu mặt mua với giá 5.000 đồng/viên. Sắp tới, chương trình kêu gọi khán giả thử làm Người Giấu mặt bằng cách nghĩ ra các nhiệm vụ để chương trình giao cho thí sinh.
Tự nhiên bị hàng triệu người không quen tường tận mặt mũi tính cách, thậm chí bí mật của mình, trong khi mình không sống bằng sự nổi tiếng như các ngôi sao- hẳn không dễ chịu. Cứ xem những bình luận trên mạng về một số thí sinh tham gia Người Giấu mặt thì rõ. |