Hạnh lấy Thắng khi chị 27 tuổi, ở cái tuổi người phụ nữ đủ trưởng thành, chín chắn để có thể chọn cho mình một người đàn ông làm chồng, làm cha. Thế nên trong số những “vệ tinh” xung quanh Hạnh, cô quyết định lựa chọn Thắng.
Thắng hiền lành, ít nói, càng không biết nói những lời khéo léo khiến phụ nữ hài lòng nhưng anh lại rất biết việc nhà. Đến nhà Hạnh chơi, anh không nề hà việc lớn việc bé, đều hăng hái xắn tay vào giúp Hạnh. Những việc mà các “vệ tinh” còn lại cho là “việc đàn bà” thì Thắng cũng đều có thể làm chỉn chu, gọn gàng trước sự bất ngờ của Hạnh. Cả bố mẹ Hạnh cũng đều ưng ý Thắng lắm, vì theo ông bà, Hạnh có thể hoàn toàn yên tâm giao phó việc nhà cho Thắng nếu như cô đi vắng và con gái ông bà cũng bớt vất vả hơn nếu được chồng đỡ đần. Vậy nên, Hạnh chẳng chần chừ mà quyết định kết hôn với Thắng.
Quả thật, thời gian đầu kết hôn với Hạnh đúng là “thiên đường” khi hàng ngày Thắng đều về đúng giờ, không tụ tập bạn bè, về đến nhà là hăng hái vào bếp giúp Hạnh. Hình ảnh Thẳng cặm cụi nhặt rau, dọn bàn ăn khiến Hạnh trào dâng hạnh phúc vì thấy mình thật may mắn khi gặp Thắng. Tuy nhiên, càng chung sống với Thắng, Hạnh càng cảm thấy căn bếp lẽ ra mình làm chủ đang dần bị Thắng “kiểm soát” chặt chẽ.
Có lẽ chính vì biết việc nhà nên Thắng nảy sinh thói quen để ý, soi xét mọi hành động của cô. Ngay từ bé, Hạnh đã được mẹ chỉ bảo nữ công gia chánh vì bà nói rằng “Đàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp”, đàn bà phải là người giữ lửa trong nhà, chăm lo bữa ăn cho cả gia đình. Hạnh xác định sự giúp đỡ của Thắng là sự chia sẻ việc nhà của chồng với vợ chứ không hề có ý muốn Thắng kiểm soát cả cách cô làm chủ góc bếp trong căn nhà của mình.
Trong các câu chuyện của hai vợ chồng, Thắng bắt đầu hỏi han Hạnh về giá cả của từng thực phẩm, lúc là mớ rau, lúc là cá, là thịt. Sau khi Hạnh trả lời, đều bị Thắng chê bai là đắt, là không ngon khiến cô rất tự ái. Thắng có thói quen đứng ngay cạnh Hạnh khi cô nấu ăn, bất cứ hành động gì của cô đều bị Thắng nhanh chóng “góp ý”: Em cho nhỏ lửa thôi, nấu vừa ngon vừa đỡ tốn ga; Em tắt bếp đi, rau chỉ cần chín tới, vừa giòn vừa đỡ tốn ga…
Hạnh cãi cự đều bị Thắng quy chụp là không biết nấu ăn, không biết tiết kiệm tiền ga. Thậm chí khi Hạnh nêm gia vị, Thắng cũng chẳng ngần ngại mà nhắc Hạnh “nhẹ tay” tiết kiệm.
Hạnh không phải là phụ nữ chỉ biết công việc, không biết bếp núc, ngày còn ở cùng bố mẹ, cô đều đảm nhận nấu nướng mà cũng không bị chê bao giờ. Từ ngày lấy chồng, trong con mắt của Thắng, cô trở thành một bà nội trợ không biết lựa chọn thực phẩm ngon rẻ, không biết nấu nướng sao cho tiết kiệm chi phí.
Tần suất Thắng chê bai, nhắc nhở Hạnh ngày càng nhiều. Bất cứ hành động mua bán, quản lý chi tiêu trong gia đình nào của Hạnh cũng đều bị Thắng đem ra bàn luận khiến Hạnh cảm thấy ngột ngạt vô cùng. Thậm chí, chuyện tắm, chuyện ngủ cũng trở thành đối tượng để Thắng để ý. Hôm trước Thắng còn đề nghị Hạnh giảm bớt mua sắm đồ dùng trong nhà tắm, phòng ngủ vì anh cho rằng đó đều là những vật dụng không cần thiết, cần tiết kiệm triệt để và trách Hạnh dùng sữa tắm quá tốn kém khiến Hạnh ngao ngán vô cùng.
Thắng vẫn đều đặn về nhà cùng chia sẻ công việc với Hạnh, nhưng giờ đây, cô không còn cảm thấy hạnh phúc nữa mà thay vào đó là cảm giác ngột ngạt khi trong góc bếp luôn có một người kiểm soát mọi hành động của mình.
Cô ước rằng giá mà chồng chỉ biết về nhà thưởng thức các món ăn của mình, cảm nhận sự sạch sẽ của nhà cửa mà không có bình luận đắt rẻ, không có tra hỏi giá cả thì cô sẽ tình nguyện làm một bà nội trợ hàng ngày làm tròn chức trách của mình và chờ đón chồng trở về, dù chồng cô chỉ cần biết ăn, tắm, ngủ như một “con lợn”, nhưng là một “con lợn” biết yêu và tôn trọng vị trí của cô trong căn nhà này.