Khổ sở vì “núi rác” sát nhà

Bãi rác ở thị trấn Kinh Cùng đang tấn công nhà dân. Ảnh: Kim Hà
Bãi rác ở thị trấn Kinh Cùng đang tấn công nhà dân. Ảnh: Kim Hà
TP - “Núi rác” khổng lồ nằm cách nhà dân khoảng 3 – 4m nhưng chỉ được che chắn bằng những tấm tol, cọc tre tạm bợ khiến cuộc sống của hàng trăm người dân lâm vào cảnh khốn đốn.  

Tồn tại từ năm 1996, bãi rác Kinh Cùng (thuộc thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) có diện tích 12.000m2 từ một điểm trung chuyển rác đã trở thành nơi tập kết rác của toàn huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) với công suất nhận rác mỗi ngày là 40 tấn.
Theo người dân sống quanh khu vực bãi rác cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, tần suất hoạt động của bãi rác tăng cao, hàng ngày số lượng xe tập kết rác ra vào nườm nượp. Rác chất mỗi ngày một cao hơn, lấn sang gần nhà dân gây ô nhiễm môi trường, khó khăn trong việc đi lại, sinh hoạt.

Ông Lê Văn Vui (người dân có nhà cách bãi rác 3 - 4m) bức xúc nói: “Sống cạnh đống rác này năm nay cũng 20 năm rồi. Trước đây đống rác này xa thì đỡ. Bây giờ đổ sát bên nhà chừng 3 - 4m, rồi nước bẩn từ bãi rác rịn ra, hôi thối không chịu được. Xung quanh đây, từ nhỏ tới lớn hầu như bị viêm mũi hết. Chưa kể, mùa lũ này nước hôi thối và độc hại từ đống rác tràn vào tận nhà. Chân mình đi xuống nước là bị ngứa, rồi sinh ra muỗi dữ lắm”.

Ông Quách Minh Hiển - Phó tổng Giám đốc Cty cổ phần cấp nước công trình đô thị Hậu Giang cho biết, vào năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch xử lí triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong đó có bãi rác Kinh Cùng. UBND tỉnh đã tranh thủ các nguồn vốn và được Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét hỗ trợ cho Hậu Giang dự án nâng cấp và xử lý triệt để bãi rác này.

Do mặt bằng của bãi rác Kinh Cùng quá chật hẹp mà lượng tồn đọng lên đến 20.000m3, cộng thêm phải tiếp nhận lượng rác phát sinh trên 2 địa bàn thị xã Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp dẫn đến tình trạng quá tải. Vì vậy trong quá trình thực hiện triển khai dự án giai đoạn đầu, đơn vị thi công đã chuyển lượng rác cũ tạm thời từ phía trong ra để thực hiện chôn lấp. Khi bới móc lên để vận chuyển ra ngoài thì việc phát tán mùi hôi là điều khó tránh khỏi.

Ông Hiển chia sẻ: “Để hạn chế mùi hôi, chúng tôi đã cho phun xịt chế phẩm sinh học liên tục tăng cường tần suất và liều lượng. Đồng thời, chúng tôi cũng đang cố gắng nỗ lực nhưng do số lượng rác quá lớn và nằm trong môi trường yếm khí nên khi mình bốc dỡ lên thì nó phát tán mùi hôi thì cũng không tránh khỏi. Đây cũng là cái khó”.

MỚI - NÓNG