Khó phát hiện gừng Trung Quốc nhiễm thuốc sâu

Khó phát hiện gừng Trung Quốc nhiễm thuốc sâu
TP - Thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông đang thu hồi thuốc trừ sâu chứa chất cực độc aldicarb bị nông dân sử dụng tràn lan. Trong khi đó, thiết bị phát hiện nhanh dư lượng thuốc sâu trong rau củ cho kết quả không đáng tin cậy.

> Trung Quốc: Bảo quản gừng bằng chất cực độc
> Người Trung Quốc phẫn nộ vụ thịt chuột, thịt chồn giả cừu

Nông dân Trung Quốc phun thuốc trừ sâu trên đồng. Ảnh: Want China Times
Nông dân Trung Quốc phun thuốc trừ sâu trên đồng. Ảnh: Want China Times.

Hôm qua, cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết, thiết bị kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu được sử dụng để kiểm tra rau củ trên thị trường không phát hiện được thuốc sâu trong gừng và một số rau củ làm gia vị khác.

“Chúng tôi sử dụng thiết bị phát hiện nhanh do Cty Công cụ Phân tích Rayleigh Bắc Kinh để kiểm tra gừng trước khi chúng được bán trên thị trường. Chúng tôi chỉ phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu một hoặc hai lần mỗi năm”, ông Wang Jiancheng, nhân viên kiểm tra thuốc trừ sâu tại chợ bán buôn tỏi và gừng lớn nhất Duy Phường, cho biết.

Sách hướng dẫn sử dụng thiết bị của ông Wang không liệt kê gừng trong danh sách 136 loại rau quả mà thiết bị này có thể phát hiện. “Chúng tôi đều sử dụng cùng loại thiết bị phát hiện trên các chợ bán buôn rau khắp Trung Quốc. Đối với loại rau củ làm gia vị như gừng, tỏi và tỏi tây thì kết quả có thể không chính xác”, ông Yang Chungqiang, Phó giám đốc Phòng Nông nghiệp thị xã An Khâu, thành phố Duy Phường, cho biết.

Một nhân viên giấu tên của công ty cung cấp thiết bị phát hiện thuốc trừ sâu ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, nói rằng thiết bị phát hiện nhanh chỉ hiệu quả đối với một số loại thuốc bảo vệ thực vật nhất định.

Biết là kịch độc nhưng vẫn dùng

Đầu tuần này, phóng sự điều tra của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát hiện một số nông dân trồng gừng dùng shennongdan - thuốc trừ sâu sản xuất từ chất diệt sâu bọ cực độc aldicarb.

Nông dân phun thuốc này cùng phân bón lên cánh đồng trồng gừng và vứt vỏ thuốc khắp nơi. Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc shennongdan chỉ được phép dùng đối với cây bông, thuốc lá, lạc, hoa hồng và khoai lang với số lượng được quy định cụ thể.

“Tôi dùng thuốc này từ khi nó được bán trên thị trường cách đây khoảng 20 năm”, một nông dân cho hay trong phóng sự của CCTV. Một nông dân khác nói: “Có ai không dùng loại này để diệt côn trùng? Ai có thể bảo đảm vụ mùa mà không có nó? Nếu ngừng sử dụng, sản lượng của gia đình tôi sẽ giảm một nửa”.

Người tiếp xúc trực tiếp với aldicarb có thể bị tê liệt hệ hô hấp, mờ mắt, đau đầu, nôn mửa. 50mg là đủ để giết chết một người nặng 50kg, các chuyên gia cho biết. Nông dân dù biết về nguy cơ này nhưng không có ý định chuyển sang dùng thuốc trừ sâu an toàn hơn, một phần do thói quen và yếu tố giá cả. “Chúng tôi không dùng loại gừng đó cho gia đình mình”, một nông dân nói với CCTV.

Theo Xinhua, từ sau khi phóng sự được phát sóng, chính quyền địa phương bắt đầu thu hồi và tiêu hủy gừng bị phun shennongdan, đồng thời giám sát các cửa hàng bán thuốc trừ sâu.

Tràn lan scandal thực phẩm bẩn

Chỉ cách đây vài ngày, Trung Quốc phát hiện đường dây lớn chuyên làm giả thịt cừu giả từ thịt chuột. Năm 2011, cảnh sát thành phố Thẩm Dương thu giữ 40 tấn giá đỗ ủ bằng phân u-rê và chất bảo quản sodium nitrite nguy hiểm, cùng với thuốc kháng sinh và hóc-môn thực vật 6-benzyladenine. Những hóa chất này được cho vào để làm giá mọc nhanh hơn và trông hấp dẫn hơn.

Cuộc điều tra của một giáo sư ở Đại học Công nghệ Vũ Hán năm 2010 phát hiện cứ 10 nhà hàng ở Trung Quốc thì có một nhà hàng dùng dầu ăn tái chế, thực chất là dầu thải được vớt lên từ cống của tiệm ăn.

Năm 2008, vụ bê bối sữa nhiễm hóa chất công nghiệp melamine khiến một số trẻ nhỏ thiệt mạng, hàng trăm nghìn trẻ em bị sỏi thận, suy thận.

Một nghiên cứu được công bố hồi tháng 2 cho thấy 10% gạo bán ở Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng, trong đó có cadmium - một trong ba kim loại nguy hiểm nhất đối với cơ thể con người. Các tỉnh phía nam là nơi có gạo nhiễm kim loại nhiều nhất, với gần 60% mẫu gạo ở khu vực này nhiễm kim loại cao gấp 5 lần ngưỡng cho phép.

Bình Giang
Theo China Daily,Telegraph

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG