Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (phường Quán Bàu, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) còn thiếu 17 phòng học Ảnh: Ngọc Tú |
Với hơn 4.200 học sinh ở 5 khối lớp, Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12) là ngôi trường đông học sinh nhất TPHCM. Vốn dĩ trường được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn của một trường tiểu học hiện đại, với mô hình bán trú, học sinh sẽ được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, số dân tăng cơ học quá cao nên nhà trường chỉ cho học sinh học 1 buổi/ngày và dạy thêm ngày thứ 7. Bà Huỳnh Thị Tuyết Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Thọ thông tin, sĩ số học sinh của trường năm nay là 48 học sinh/lớp. Những năm trước, sĩ số lớp đều trên 50 học sinh/lớp.
Năm nay, số lượng học sinh tăng cao, Trường tiểu học Nguyễn Trãi (phường Quán Bàu, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) phải cải tạo một số phòng học đa chức năng để làm phòng học văn hóa. Năm học 2024-2025, trường tuyển sinh 10 lớp 1 với 384 học sinh. Trong khi đó số học sinh lớp 5 ra trường chỉ 333 em. Vì vậy trường phải tăng thêm 2 lớp học.
“Hiện nay, trường đang thiếu 3 phòng học văn hóa và 14 phòng học chức năng”, cô Lê Thị Hồng Lam - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Trãi chia sẻ. Nghiêm trọng hơn, đến năm học 2025-2026, Trường tiểu học Nguyễn Trãi sẽ thiếu đến 21 phòng học gồm: 7 phòng học văn hóa và 14 phòng học đa chức năng.
Với đặc thù là tỉnh công nghiệp, Đồng Nai phải liên tục xây thêm trường học mới để đáp ứng lượng học sinh tăng nhanh hằng năm. Tuy vậy, tốc độ xây trường lớp mới vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu học tập.
Dự kiến từ nay đến ngày 5/9, TPHCM sẽ đưa vào sử dụng 413 phòng học mới. Từ sau ngày 5/9 đến hết tháng 12 năm nay TPHCM cũng sẽ đưa vào sử dụng 63 phòng học mới với tổng mức đầu tư khoảng 267 tỷ đồng.
Không còn phải học ca ba, nhưng 2 “siêu phường” có số lượng đông dân nhất của TP Biên Hòa (Đồng Nai) là phường Trảng Dài và phường Long Bình (mỗi phường có từ 120 nghìn đến 150 nghìn dân) đều luôn nằm trong tình trạng học sinh quá tải ở bậc tiểu học và THCS nên phải thường xuyên mượn cơ sở khác để “xóa ca ba”. Trong khi đó các dự án xây trường mới, xây thêm phòng học đều chậm vì vướng thủ tục.
Tại phường Long Bình, dự án Trường tiểu học Long Bình 1 có chủ trương đầu tư từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai do vướng mặt bằng. Để thực hiện dự án, Nhà nước phải thu hồi hơn 1,3 héc ta đất của 44 hộ. Tuy vậy, việc xác nhận nguồn gốc đất gặp khó, khung giá đất không còn phù hợp khiến dự án chậm trễ 5 năm qua. Việc này khiến hơn 1,2 nghìn học sinh Trường tiểu học Phan Đình Phùng phải qua Trường tiểu học Bình Đa (phường Bình Đa) để học nhờ.