Ở đồng bằng sông Cửu Long, người ta còn dễ dãi tập thể, khi họp để thống nhất cách chấm thi theo ba-rem riêng. Nói không với tiêu cực trong thi cử năm trước, thì dường như năm sau quay ngoắt lại nói có với thi đua lập thành tích tốt nghiệp.
Ở Khánh Hòa, trong kỳ thi vào lớp 10, cách ra đề thi cũng chẳng giống ai. Câu “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Ta có thêm ngày nữa để yêu thương” của tác giả người Mỹ gốc Lebanon bị hội đồng ra đề thi ghi là của Trịnh Công Sơn (?!). Chuyện ở xứ Trầm Hương tiếp tục nóng lên khi lòi thêm ra cái đuôi sai trái nữa: Người ra đề thi chính là tác giả của cuốn sách tham khảo mà Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Trong cuốn sách ấy ghi câu “Cám ơn đời…” là của Trịnh Công Sơn! Trí lự đáng ngờ của tác giả sách gặp được cái dễ dãi của mấy ông xuất bản. Thế là thành bi hài kịch.
Dễ thì thật dễ, mà khó thì vẫn khó. Ấy là cái khó vào trường mầm non, mẫu giáo công lập. Các bậc phụ huynh ngủ gà ngủ gật, đưa chiếu đưa chăn, mang bánh mỳ trứng sữa thập diện mai phục trước cổng trường mẫu giáo, mầm non, quyết liệt chờ chực vài chục hồ sơ sẽ phát ra. Họ mai phục chờ chực từ chiều hôm trước, trong khi sáng hôm sau trường mẫu giáo mới phát hồ sơ.
Ai bảo Hà Nội là giàu có và tiện lợi? Giàu có và tiện lợi sao không có đủ trường công đáp ứng nhu cầu?
Năm ngoái, mô tả tình trạng này, đồng nghiệp đã giật tít “Mẹ ơi, tại sao?”. Đó là câu hỏi thật khó trả lời, vì thứ khó làm thì người ta làm thật dễ, thứ tưởng dễ hóa ra khó vô vàn.