Khi 'tiền vào trong đất tiền chửa'...

Khi 'tiền vào trong đất tiền chửa'...
Với hy vọng "tiền vào trong đất tiền chửa, tiền đi ra khỏi đất tiền đẻ", người dân đã chôn, cất tiền của vào trong đất và vô tình vô hiệu hóa nguồn tài nguyên quý trong suốt thời gian dài mà họ sở hữu.

Từng thành viên trong gia đình chị Mai vui vẻ khoác lên vai những chiếc túi du lịch cá nhân trĩu nặng. Họ hồ hởi leo lên taxi đi tới sân bay, khởi đầu cho một chuyến du lịch hè dài ngày, xung quanh là những con mắt ngưỡng mộ của bà con buôn bán ở một khu chợ tại quận Long Biên.

Buôn bán tại khu vực dân cư chủ yếu là người lao động nên những người tiểu thương ở đây cũng không mấy ai được giàu có. Hãn hữu lắm mới có những gia đình “chịu chơi” như nhà chị Mai, nghỉ bán hàng cả tuần, lại bỏ ra tới cả vài chục triệu đồng cho cả nhà đi du lịch như vậy.

Được thừa hưởng một căn nhà ngay sát mặt chợ, vợ chồng chị Mai có một cửa hàng cơm tương đối đông khách. Nhưng mỗi tháng trừ đi các khoản chi phí, thu nhập của nhà chị còn lại khoảng bảy, tám triệu đồng. Trong khi đó, anh chị lại phải nuôi bố, mẹ già và ba đứa con. Đứa lớn học Đại học Kinh tế, đứa thứ hai học phổ thông cấp II, đứa út năm nay vào lớp 1.

Chị Mai kể: “Nếu trông chờ vào hàng cơm này, may ra chỉ lo đủ ăn, học cho các cháu. Hơn nữa mẹ tôi bệnh nặng cả năm nay, chi phí rất tốn kém, song cũng may thời gian trước tiết kiệm mua được mảnh đất, đợt này đất sốt cũng kiếm được chút ít.”

Năm 1991, vợ chồng chị dành dụm được một số tiền, không biết đầu tư vào đâu mà gửi tiết kiệm thì sợ mất giá nên anh chị quyết định mua một mảnh vườn 480m đất tại Bắc Cầu – Long Biên, với mức giá 200.000 đồng/m2. Cuối năm 2009, anh chị đã chia nhỏ lô đất ra bán và thu về được hơn bốn tỷ đồng.

Nhưng giữ bốn tỷ đồng tiền mặt  khiến vợ chồng chị thấy vô cùng bất an. Suy đi, tính lại cuối cùng anh, chị quay ra mua tiếp một lô đất ở Bồ Đề - Long Biên, mặc dù cũng phải chạy theo "mức giá trên trời."

Ông Phạm Văn Cường, một công chức Nhà nước, mặc dù cũng đã có vị trí tốt trong xã hội song vì khá “bảo thủ” nên sau hơn 20 năm công tác, ông cũng không chủ động được kinh tế trong gia đình. Nguồn thu nhập chính của nhà ông lại do bà vợ nghỉ nghề dạy học, tần tảo buôn bán cá tại chợ Đà Lạt mang lại.

“Nuôi hai đứa con ăn học, sắm đất xây được cái nhà là nỗ lực lắm rồi. Công việc bán cá của vợ tôi quá vất vả, ngâm nước, buôn bán từ 4 giờ sáng tới 7 giờ tối, cả năm được nghỉ đúng ba ngày Tết. Hơn chục năm nay kể từ ngày vào đây sinh sống, chưa một lần bà ấy về quê thăm cha mẹ. Tôi nghĩ  hết cách, cuối cùng quyết đầu tư vào đất để mong có sự thay đổi,” ông Cường chia sẻ.

Năm 2001, ông Cường vay mượn người nhà được 70 triệu đồng mua 10.000 m2 vườn tại thành phố Đà Lạt. Tới đầu năm 2010, vừa có khách từ Sài Gòn lên trả ông Cường 2 tỷ đồng lô đất trên. Song ông Cường không dám bán bởi có tiền ông không biết đầu tư vào cái gì mà mua lại chỗ đất khác cũng không dễ.

Không chỉ người trẻ phải lo lắng cho cuộc sống mưu sinh thì quan tâm đầu tư vào đất, ngay cả những người đã ở tuổi thất thập cổ lai hy cũng bị cuốn vào “vòng xoáy đất.”

Bà Phạm Thị Mơ (73 tuổi) sống tại Hoài Đức, Hà Nội cho hay, các con bà sống ở nước ngoài thỉnh thoảng gửi biếu ít tiền nên để ra được gần 200 triệu đồng.

“Năm 2005, tôi mua 50m2 đất thuộc diện đền bù ruộng hết khoảng 175 triệu đồng. Không hiểu sao, mấy tháng nay đất ở An Khánh này cứ lên ầm ầm, có người đã trả tôi 20 triệu đồng/m2 rồi đấy. Nhưng vợ, chồng tôi không bán. Cứ để đó, mai mốt ốm đau thì sẽ cần đến,” bà Mơ kể.

Hệ lụy vô hình... nhưng rất lớn

Theo Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, bài toán xem ra rất đơn giản đồng tiền để ở trong nhà sau vài tháng mất giá hẳn đi thì không ai muốn giữ tiền.

Bà Chi Lan chỉ ra, hiện nay lãi suất tiết kiệm không bù đắp được lạm phát, các kênh đầu tư khác như vàng hay đô la Mỹ thì bấp bênh, người dân thường chỉ còn lựa chọn đầu tư vào đất, kể cả những người chẳng biết kinh doanh gì về đất họ cũng sẵn sàng nhảy vào.

Đối với người dân thường, cuộc sống cạnh tranh ngày càng khó khăn, giá cả ngày càng đắt đỏ là những lý do bức thiết khiến họ gia tăng tiết kiệm. Song, sự biến động bất thường của nền kinh tế đã đẩy nhiều người đến quyết định lựa chọn đất đai, nhà cửa thành loại hình tiết kiệm lâu dài.

“Người thì càng ngày càng đông mà đất đai thì có hạn, mua đất là chắc nhất,” bà Mơ đưa ra quan điểm.

Cách suy nghĩ của bà Mơ giờ đây đang trở thành xu thế tâm lý chung của xã hội. Thậm chí, nhiều người bị ám ảnh lỗi sợ hãi "mơ hồ" khi đang ôm một khoản tiền lớn mà chưa được qui đổi sang đất.

Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng hình ảnh những mảnh vườn lớn-nhỏ, những ngôi nhà vắng chủ để không đến cả chục năm, đang dần trở nên quen thuộc đối trong xã hội ngày nay.

Bà Chi Lan khẳng định, không chỉ hoang phí tài nguyên, việc biến đất thành "sổ tiết kiệm" còn đưa lại nhiều hệ lụy lâu dài. Người dân đã không đầu tư nhiều vào công nghiệp, nông nghiệp hay các loại hình dịch vụ mà  để tiền "chết" trong đất đai.

"Mặc dù giá đất có thể lên nhưng tất cả các đồng tiền đó không tạo nên năng lực mới của nền kinh tế. Mà khi nền kinh tế không có những năng lực mới, không phát triển được chiều sâu, thì chính những người dân không những không được hưởng những thành tựu của nền kinh tế vững mạnh mà còn phải gánh chịu những hệ lụy từ đó. Chưa kể, nếu nền kinh tế bị ảnh hưởng từ sự lãng phí tài nguyên, thì chắc chắn, những giá trị tưởng là gia tăng sẽ quay trở lại vị trí xuất phát," bà Chi Lan nhấn mạnh.

Bà Chi Lan đưa ra dự báo dưới góc độ hội nhập quốc tế, nếu nguốn lực kinh tế nội địa chỉ quanh quẩn ở lĩnh vực đất đai, thì đến lúc cộng đồng kinh tế Asian sẽ hút một lượng vốn rất đáng kể ra khỏi Việt Nam vào thị trường các nước khác, trong khi chúng ta thì phải tiếp tục lo huy động vốn từ bên ngoài và chấp nhận vay với mức giá ngày càng cao hơn. 

Vì vậy trong lúc, người người, nhà nhà trong xã hội chỉ biết "ngơ ngác" chạy theo các diễn biến thị trường bằng mọi cách bám giữ tài sản trong tay, thì các cơ quan chức năng không nên coi đây chỉ là hiện tượng kinh tế thị trường mà cần phải có cái nhìn nghiêm túc hơn.

Trước khi những hệ lụy đất, đai...mang tới những cuộc khủng khoảng nặng nề trong một tương lai không xa./.

Theo Hạnh Nguyễn
Vietnam+

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.