Vở diễn Đạo Chích và Quốc Vương do Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn (SKKBCNV) của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM vừa ra mắt vào tối 16/12.
Mượn chuyện xưa nói chuyện nay
Đạo Chích và Quốc Vương kể về hành trình của Quận Phong – một tên cướp trượng nghĩa, tình cờ gặp chàng học trò nghèo vốn là Đức Vua cải trang để thị sát cuộc sống người dân. Cả hai bị cuốn vào một vụ trộm vàng kỳ lạ, từ đó phát hiện ra bí mật động trời về số phận bản thân và vận mệnh đất nước.
Một phân cảnh trong vở kịch Đạo Chích và Quốc Vương. Ảnh: SKKBCNV. |
Đức Huy, cựu sinh viên Báo chí, đồng thời là tác giả, diễn viên chia sẻ: “Chúng mình muốn mượn chuyện xưa để nói chuyện nay. Những vấn đề nhức nhối của xã hội hiện đại như nghĩa đồng bào, lòng trắc ẩn, thói vô ơn… được thể hiện thông qua nhiều chi tiết châm biếm, tuy dí dỏm mà sâu cay”.
Xuyên suốt vở kịch, khán giả được gặp gỡ những nhân vật quen thuộc bước ra từ cổ tích nhưng với diện mạo và tâm tính khác lạ. Vở kịch đã dẫn dắt người xem qua những tình tiết vừa hài hước, vừa xúc động nhưng cũng không kém phần kịch tính khi có thêm cảnh tượng đúc người, hóa già thành trẻ ngay trên sân khấu.
Những cảnh đúc người, hóa người tốt thành người xấu... được trình diễn sống động, gây ấn tượng cho người xem. Ảnh: Thùy Linh. |
Ngọc Mai (sinh viên năm 2, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) cho biết, đây là lần đầu cô xem một vở kịch do sinh viên diễn và bất ngờ với sự đầu tư trong kịch bản, khả năng diễn xuất từ đội kịch sinh viên.
“Đây là vở kịch hay mang nhiều ý nghĩa nhân văn, đặc biệt là khả năng diễn xuất của các bạn sinh viên báo chí. Mình hy vọng các bạn có thêm nhiều vở kịch hay, trở thành món ăn tinh thần cho sinh viên tụi mình, giúp giải tỏa stress sau những giờ học căng thẳng...”, Mai chia sẻ.
Nỗ lực của các "diễn viên không chuyên"
Vở kịch do các sinh viên và cựu sinh viên Báo chí ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM trực tiếp sản xuất, từ khâu viết kịch bản, dàn dựng, diễn viên cho đến chuẩn bị phục trang, bối cảnh, âm thanh, ánh sáng... nên gặp không ít khó khăn. Đơn cử việc chuẩn bị cảnh trí và đạo cụ là thách thức không nhỏ. Thiết kế sân khấu mang phong cách ước lệ nhưng vẫn có một khối lượng đồ sộ những phông nền, khuôn đúc, miếu Thần Tài, hầm vàng, hòn non bộ, ghềnh đá... cần tạo tác để tạo nên sự liên tưởng chân thật cho khán giả.
Để trình làng tác phẩm, các diễn viên "không chuyên" đã mất nhiều thời gian luyện tập và chuẩn bị phục trang, đạo cụ. Ảnh: SKKBCNV. |
Phan Anh Toàn (thành viên tổ sản xuất) cho hay đa số cảnh trí và đạo cụ đều không có mẫu vật cụ thể cũng như khó tìm ở thời hiện đại. Cảnh trí lớn nhất đến đạo cụ nhỏ nhất đều do các thành viên trong câu lạc bộ tự làm.
"Hiện thực hóa những thứ có trong câu chuyện xa xưa mà tưởng chừng chỉ có trong trí tưởng tượng là điều bản thân mình và các bạn trong nhóm cảm thấy hứng thú”, Toàn nói.
Vở diễn ra mắt giữa tháng 12 nhưng đội ngũ phục trang đã phác thảo tạo hình và tìm kiếm phục trang phù hợp với từng nhân vật từ tháng 6. Mỗi nhân vật, ngoài bộ quần áo được chăm chút, kiểm tra kỹ lưỡng còn được chú ý đến phụ kiện như bông tai, trâm cài tóc, mấn đội đầu, vòng tay, vòng cổ, ngọc bội...
Những thành viên trong tổ phục trang đã chuẩn bị trang phục, thiết kế trước vở diễn 6 tháng. Ảnh: SKKBCNV |
Nguyễn Võ Thanh Nhân (thành viên tổ Phục trang) chia sẻ: “Chúng mình mong muốn mang nét đẹp Việt phục đến gần hơn với các bạn sinh viên. Trang phục vừa có những bộ tinh xảo, sang trọng vừa có những bộ dân dã. Đây là lần đầu tụi mình phải tự tay may và trang trí cho hầu hết phục trang”.
Bằng sự đam mê với văn hóa Việt, sinh viên Báo chí đã tìm tòi và ra mắt một vở diễn đậm màu sắc dân gian trên sân khấu kịch nói. Đạo Chích & Quốc Vương là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự bứt phá, lựa chọn hướng đi riêng của Sân khấu Kịch Báo chí Nhân Văn.
Qua 6 năm hoạt động, CLB Kịch khoa Báo chí và Truyền thông ĐH KHXH&NV TPHCM đã “trình làng” 5 vở kịch, gần đây nhất là vở Nằm khóc một mình công diễn vào tháng 5.