Khi ‘Siêu dự án’ trở thành… bãi đất hoang

Khi ‘Siêu dự án’ trở thành… bãi đất hoang
Sau khi nộp tiền vào dự án này, nhiều khách hàng mới “ngã ngửa” khi biết rằng, để hoàn thiện dự án, có thể thời gian kéo dài lên tới hàng chục năm (với điều kiện CĐT không thi công theo kiểu “rùa bò”).
Sau gần 1 năm được cấp phép, dự án Gamuda City vẫn chỉ là bãi đất hoang
Sau gần 1 năm được cấp phép, dự án Gamuda City vẫn chỉ là bãi đất hoang.

Với những lời quảng cáo hoa mỹ, nào là Gamuda City được phát triển theo mô hình “TP thu nhỏ” với mục tiêu sẽ trở thành khu đô thị tầm cỡ thế giới đầu tiên tại Hà Nội, với 2 khu dân cư, khu công viên vui chơi, giải trí và một trung tâm thương mại cao cấp gồm: Gamuda Central, Gamuda Gardens, Gamuda Lakes, Gamuda Plaza... được đặt trong một cảnh quan kiến trúc xanh tươi, hài hòa với thiên nhiên. Nhưng từ khi được cấp phép, đã gần 1 năm, dự án vẫn chỉ là một bãi… đất trống.

‘Rút chạy” khỏi dự án

Trước những lời giới thiệu hoành tráng về một “siêu dự án”, nằm ở phía Nam TP Hà Nội, khu đô thị Gamuda sẽ giống như một TP thu nhỏ”, mang lại một cuộc sống đầy đủ và tiện nghi đối với những khách hàng khi chịu “chi” một khoản tiền không nhỏ để “tậu” cho mình một căn hộ tại dự án nằm trong KĐT Gamuda.

Theo như tính toán của CĐT, khi hoàn thiện dự án, tổng mức đầu tư có thể lên tới 3 tỷ USD. Chính vì những chiêu PR khá “hoàn hảo” đã khiến cho nhiều khách hàng sẵn sàng bỏ một phần kinh phí góp vốn vào dự án; mặc dù đến thời điểm hiện tại, Gamuda vẫn chưa đủ các điều kiện để có thể huy động vốn.

Sau khi nộp tiền vào dự án này, nhiều khách hàng mới “ngã ngửa” khi biết rằng, để hoàn thiện dự án, có thể thời gian kéo dài lên tới hàng chục năm (với điều kiện CĐT không thi công theo kiểu “rùa bò”). Do không thể đợi được đến thời điểm giao nhà, một số khách hàng đã quyết định rao bán căn hộ trên mạng, nhằm mục đích rút khỏi dự án, với hy vọng “gỡ” lại được đồng nào hay đồng đấy. Bởi theo một khách hàng chia sẻ: “Thông thường, một dự án kéo dài nhất cũng chỉ tối đa khoảng 4 năm. Đằng này, Gamuda lại kéo dài lên tới chục năm, khách hàng không thể kiên nhẫn đợi đến ngày được nhận nhà; hơn nữa, hiện nay, KĐT Gamuda vẫn đang chỉ nằm trên giấy”.

Vừa đầu tư, vừa ‘‘nghe ngóng”?

Theo tìm hiểu của PV, hiện công tác GPMB đối với phần diện tích xây KĐT của dự án đến nay vẫn chưa được hoàn tất. Bởi các hộ dân có đất nằm trong vùng dự án chưa chấp thuận với mức giá đền bù, vì họ cho rằng, đơn giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Mặc dù công tác GPMB chưa hoàn tất, nhưng CĐT đã tiến hành công khai mở bán trên một số sàn giao dịch BĐS và thu tiền đặt cọc của khách hàng, đã vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản.

Trả lời về những thông tin liên quan đến tiến độ thực hiện dự án và việc huy động vốn không đúng với các quy định của pháp luật? Một lãnh đạo Gamuda City cho biết: “Dự án Gamuda City được đầu tư trên tổng diện tích 500ha bao gồm công viên Yên Sở và hồ Yên Sở. Hiện đã hoàn thành việc xây dựng một trong những công trình "Xây dựng - Chuyển giao" (BT) lớn nhất tại Việt Nam, đó là Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở với công suất xử lý 200.000 m3 nước thải mỗi ngày. Nhà máy đã sẵn sàng đi vào hoạt động và sẽ sớm được bàn giao cho UBND TP Hà Nội với vai trò xử lý một nửa lượng nước thải của Hà Nội”.

Vị này cũng cho hay: “Lý do Gamuda chưa đầu tư xây dựng một cách ồ ạt bởi vì còn phải nghe ngóng thị trường BĐS hiện nay, vì thực chất, thị trường BĐS tính đến thời điểm hiện tại đang bị “đóng băng”. Do vậy, phía Gamuda vừa đầu tư, vừa nghe ngóng thị trường để có kế hoạch thích hợp”.

Giải thích việc vì sao khi CĐT chưa hoàn thiện các điều kiện cần thiết đã huy động vốn? Vị lãnh đạo này giải thích: “Thực chất Gamuda không hề huy động vốn từ phía khách hàng, mà khách hàng đã tự đóng tiền vào ngân hàng để lấy phiếu đặt chỗ, mỗi khách hàng đã đóng với số tiền khoảng từ 200-300 triệu đồng”(!?).

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực BĐS và một số nhà đầu tư “có nghề” trong việc nghe ngóng thị trường BĐS thì: Sở dĩ Gamuda Land quyết định bỏ ra một số tiền không nhỏ để đầu tư vào 2 công trình công viên và Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở , vì vào thời điểm năm 2007, thị trường BĐS đang “sốt”, nhiều CĐT đã thu về những khoản lợi nhuận rất lớn. Nhưng chỉ một thời gian sau, bắt đầu năm 2008, thị trường BĐS bắt đầu có dấu hiệu “lao dốc” đã khiến cho nhiều doanh nghiệp “vỡ mộng” đành chấp nhận đầu tư theo kiểu nhỏ giọt, nhằm mục đích chờ đợi thị trường BĐS “nóng lên” mới quyết định đầu tư tiếp!

Chính vì những “dự báo” không chuẩn, nên hiện nay, nhiều CĐT đang phải “khóc dở, mếu dở”. Bởi lẽ, những CĐT nào đã lỡ huy động vốn từ phía khách hàng lại “lo sợ” không đảm bảo tiến độ bàn giao nhà cho khách hàng, thì nhà đầu tư sẽ rút vốn. Còn nếu tiếp tục đầu tư thì sẽ bị lỗ, và đây cũng là một phần nguyên nhân khiến cho dự án Gamuda City và nhiều dự án khác trên địa bàn TP Hà Nội vẫn chỉ là bãi… đất hoang!

Theo PLXH

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG