Khi người Điếc sáng tạo nghệ thuật

Các bạn người Điếc và người Nghe cùng làm việc nhóm thông qua ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh: Nhã Khanh
Các bạn người Điếc và người Nghe cùng làm việc nhóm thông qua ngôn ngữ ký hiệu. Ảnh: Nhã Khanh
TP - Cô gái trẻ bước lên sân khấu. Tiếng nhạc nổi lên giai điệu sâu lắng của bài “You rise me up”. Cô nhẹ nhàng sử dụng 2 bàn tay và cơ thể thực hiện các động tác uyển chuyển. Chỉ là một cô gái bình thường đang múa? Không, cô ấy bị câm điếc và cô ấy đang “nghe” nhạc để “hát” theo cách của mình.

Thanh âm có màu gì?

Chiều qua, tại Gala trao giải “Âm sắc giáng sinh” nằm trong khuôn khổ cuộc thi “Thanh âm có màu gì?”, do dự án “Nghe bằng mắt” phối hợp với Oxfam tổ chức, đã tìm ra những tác phẩm xuất sắc nhất.

Chinh phục được tất cả các tiêu chí: Sáng tạo, tích cực, khả thi và truyền được cảm hứng tới xã hội, bộ phim tài liệu “Màu yêu thương” đã giành giải Nhất với phần thưởng 7 triệu đồng. Phim là câu chuyện về một bà mẹ trẻ thầm lặng suốt 5 năm trời, kiên trì, đồng hành cùng con- một đứa trẻ bị câm điếc bẩm sinh, từng bước hoà nhập với cộng đồng. “Nội dung và thông điệp của bộ phim giàu cảm xúc, khiến người xem thấy rõ được giá trị của tình yêu thương có thể phá bỏ được những rào cản ngôn ngữ giữa người Điếc và người Nghe...”- Chị Hoàng Lan Hương, thành viên Ban giám khảo, đại diện của đơn vị tài trợ Oxfam nhận xét.

Bộ phim ngắn “Thanh âm hạnh phúc” giành giải Nhì, với câu chuyện về hành trình của một chàng trai bị câm điếc từ nhỏ và phải vượt qua nhiều khó khăn để thành công. Giải Ba là tác phẩm “Tranh tương tác” nói về những rào cản trong cuộc sống của người Điếc và đặt ra một số giải pháp tích cực. Nói về tác phẩm này, thành viên BGK, Á hậu người Điếc thế giới 2015 Lê Thị Thuý Đoan bày tỏ: “Hy vọng hình mẫu này sẽ được nhân rộng ra để góp phần tạo nên sự thay đổi từ phía những người đang thực hiện công tác giáo dục cho người Điếc”. Vở kịch ngắn của nhóm học sinh trường Olympia đạt giải Khuyến khích với câu chuyện một người Điếc và một người Nghe cùng cảm thấy cô đơn khi bước vào cuộc sống của nhau, nhưng cuối cùng nhờ có ngôn ngữ ký hiệu, họ đã hiểu nhau và trở thành những người bạn tốt.

Cuộc thi “Thanh âm có màu gì?” là hoạt động nằm trong khuôn khổ của “Thu hẹp khoảng cách” (Even it up) - một chiến dịch của Oxfam phát động nhằm hợp tác cùng các tổ chức xã hội và nhà nước xóa bỏ nguyên nhân của bất bình đẳng.

Các hình thức tham gia gồm vẽ tranh, chụp ảnh, phim truyện ngắn, phim tài liệu, MV hát bằng ngôn ngữ ký hiệu, nhảy hip-hop, kịch hình thể, múa... Bên cạnh những giải thưởng hấp dẫn, cuộc thi là cơ hội để các bạn trẻ tại Hà Nội khám phá thế giới người Điếc trong mọi lĩnh vực của cuộc sống… và cũng là cơ hội để những bạn Điếc giao lưu và chia sẻ với những bạn trẻ người Nghe. Nói về chất lượng các tác phẩm tham gia, anh Võ Duy Quang, người Điếc đạt bằng khen Giáo viên tiêu biểu xuất sắc của Bộ GD&ĐT trong công tác Giảng dạy học sinh Điếc tại trường Nuôi dạy trẻ khiếm thính Lâm Đồng, cũng là thành viên BGK nhận xét: “Thật vui khi những tác phẩm tham gia đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung. Những bức tranh vẽ có màu rất đẹp, độc đáo và lạ, có sự liên hệ thực tế với giáo dục, xã hội. Còn những bộ phim thì có nội dung sâu sắc, ý nghĩa khiến người xem rất cảm động”.

Rút ngắn khoảng cách giữa người Điếc - người Nghe

Thanh âm có màu gì? Với người Nghe, họ sẽ khó trả lời câu hỏi này. Nhưng với người Điếc, đó là màu của hạnh phúc, của nỗ lực, thậm chí là màu của khó khăn và những nỗi buồn mặc cảm khi không thể nghe thấy những thanh âm của cuộc sống. “Ai trong chúng ta cũng đều có những bí mật không thể chia sẻ, những khi cảm thấy lạc lõng ngay giữa bạn bè, những lúc không cùng tiếng nói với gia đình. Cuộc thi này chính là hành trình trải nghiệm, kể ra những câu chuyện chưa bao giờ được kể, lắng nghe những người chưa bao giờ cất tiếng nói và thấu hiểu một thế giới tưởng chừng như yên lặng... Qua cuộc thi, chúng tôi muốn mang văn hóa, mang câu chuyện của những người điếc đến gần hơn với xã hội, giới thiệu để mọi người biết rằng nếu người điếc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, được tiếp cận với giáo dục một cách bình đẳng thì sẽ có tương lai tốt đẹp hơn” – Đỗ Thu Hiền, đại diện BTC nói về thông điệp của cuộc thi.

Bắt đầu khởi động từ giữa tháng 10, cuộc thi đã nhận được đơn đăng ký tham gia của 40 người Nghe và 20 người Điếc. Tất cả được ghép thành 15 nhóm, mỗi nhóm đều có thành viên gồm cả người Điếc và người Nghe. Chỉ sau hơn 1 tháng luyện tập, làm việc chung, các nhóm đã cùng nhau thể hiện tài năng bằng các bài thi hát, múa, nhảy, vẽ, làm phim, diễn kịch... Không chỉ thế, họ còn có cơ hội chia sẻ với nhau về con đường học tập, hành trình tìm kiếm cơ hội việc làm, hay những câu chuyện xúc động về bữa cơm gia đình, về rào cản trong tình yêu.

Cái khó khăn nhất của các nhóm khi tham gia cuộc thi chính là làm thế nào để kết nối được với nhau, giữa người Điếc và người Nghe, để hiểu và làm việc nhóm hiệu quả. “Tôi là một người nghe nói bình thường. Khi đọc được thông tin mời tham gia cuộc thi, tôi rất bất ngờ và tò mò. Người Điếc thì chắc không nghe được nhạc rồi. Họ cũng không thể nói. Vậy, họ nhảy hiphop thế nào? Họ hát ra sao?... vì tò mò nên tôi đã đăng ký. Khi làm việc cùng họ, tôi nhận ra họ cởi mở, dễ gần hơn rất nhiều người bình thường trong cộng đồng của tôi. Họ nhẫn nại và cố gắng để hiểu những điều tôi “nói” cũng như “nói” sao cho tôi hiểu. Họ dạy tôi học ngôn ngữ ký hiệu... Đó thực sự là trải nghiệm thú vị và đáng nhớ”- An Nguyên, thí sinh tham gia cuộc thi kể.

Vũ Thị Hồng, thành viên nhóm “Màu yêu thương” thì vui vẻ nhớ lại: “Có lần nhóm hẹn gặp nhau ở quán cà phê để bàn kế hoạch, giữa tiếng nhạc, tiếng chuyện trò ồn ào xung quanh, cả nhóm vẫn bàn bạc sôi nổi bằng ngôn ngữ ký hiệu. Điều thú vị là khi những người xung quanh nhìn thấy nhóm mình giao tiếp với nhau bằng tay, họ cũng vô tình sử dụng các động tác cơ thể để nói chuyện với nhau, giống như một sự lan truyền kỳ diệu”.

Thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi chính là bé Nguyễn Hà Phương (5 tuổi). Bé cũng là nhân vật chính của bộ phim tài liệu đạt giải Nhất “Màu yêu thương”. Cái khó của ê-kip chủ yếu ở khâu quay, dựng hình còn nội dung câu chuyện thì đã được bé Hà Phương và mẹ chuyển tải chân thực, sống động qua những sinh hoạt hàng ngày. “Tôi từng đau đớn khi biết con gái vĩnh viễn không thể nghe nói nhưng thật may tôi không tốn quá nhiều thời gian vào việc buồn bã, tôi tìm hiểu các lớp học ngôn ngữ ký hiệu và cùng con đi học. Đến nay, bé đã 5 tuổi và đang học lớp 1, bé đã biết viết chữ thông thạo cũng như làm các phép tính đơn giản. Bé tự tin, hiếu động và ham học hỏi. Bộ phim này cũng chính là lần đầu tiên tôi chia sẻ câu chuyện của mình. Tôi muốn nhắn nhủ đến các phụ huynh có cùng hoàn cảnh hãy mạnh mẽ đồng hành cùng con để hiểu con và giúp con”- chị Phạm Vân Anh, mẹ của Hà Phương xúc động chia sẻ.

Nguyễn Thiện Tùng, thành viên người Điếc của nhóm “Thanh âm hạnh phúc” tâm sự bằng ngôn ngữ ký hiệu: Khi nhìn vào cuộc sống người Điếc, các bạn đừng nghĩ chúng tôi luôn sống trong im lặng và u buồn. Chúng tôi cũng có cuộc sống đầy màu sắc với những câu chuyện vô cùng thú vị. Chúng tôi muốn kể những câu chuyện chưa bao giờ được kể để xã hội có cái nhìn khác về người Điếc.

“Thanh âm có màu gì?” không phải là cuộc thi cá nhân mà là cuộc thi theo nhóm, với các thành viên thuộc người Điếc (hoàn toàn không nghe thấy) - người Nghe (nghe nói được) - người Khiếm Thính (nghe kém, có khả năng nghe hạn chế). Họ phải cùng nhau sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật về cuộc sống của người Điếc.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.