Khi người đẹp khoe thân trên vỏ hộp

Khi người đẹp khoe thân trên vỏ hộp
TP - Hai họa sĩ một “đương thì”, một quá cố gặp nhau trong một triển lãm khắc họa thân thể nữ giới. Một ẩn ý trong vẻ nền nã, một phô phang đầy khiêu khích. Cũng thân thể ấy, vẻ đẹp ấy nhưng mỗi thời đại lại chịu một sức ép khác nhau. Venus ở Việt Nam diễn ra tại Viện Goethe Hà Nội tới 14-10.

> Chạy đua với thời gian để vẽ các mẹ

Sinh thời, Vũ Dân Tân (1946-2009) là người lặng lẽ và giản dị. Ngày ngày toàn thấy ông ngồi ở một góc căn nhà 30 Hàng Bông cắt cắt dính dính mấy tấm bìa phế thải. Giống các cháu học sinh làm thủ công, chơi chơi vậy, ai ngờ sau này thành tác phẩm tiên phong triển lãm khắp thế giới.

Tài liệu của Viện Goethe Hà Nội giới thiệu: “Vũ Dân Tân từng gây chấn động và mở ra những chân trời nghệ thuật mới tại Việt Nam trong thập niên 1980 với những sáng tác đa phương tiện, đa loại hình nghệ thuật… và được đánh giá là một trong những nghệ sĩ đi đầu trong hoạt động nghệ thuật cấp tiến tại Việt Nam và Đông Nam Á”.

Khi người đẹp khoe thân trên vỏ hộp ảnh 1

Ông từng có 15 triển lãm cá nhân, tham gia hơn 50 triển lãm nhóm, trong đó có những triển lãm quốc tế quy mô lớn ở Úc, Đức, Mỹ, Nhật, Singapore, Hồng Kông, Nga…

Tác phẩm của ông nằm trong bộ sưu tập của các bảo tàng và gallery ở Mỹ, New Zealand, Úc, Nga, Singapore… Triển lãm này lần đầu công bố những tác phẩm quan trọng ông sáng tác trong những năm cuối đời. Đó là Thần Vệ nữ (Venus) và Thời trang (Fashion).

Các nữ thần sắc đẹp được tạo hình từ các vỏ hộp thuốc lá bằng giấy với vài nét cắt và vài nét bút đơn sơ tạo thành các đường cong, đôi cánh… Thời trang đòi hỏi nhiều sự tỉ mẩn và khéo léo hơn, nguyên liệu vẫn là bìa các-tông bỏ đi.

Một số tác phẩm “điêu khắc giấy” này đã triển lãm ở nước ngoài. Trong nước, chỉ một số người, chủ yếu bạn bè của tác giả được xem khi ghé qua nhà riêng của ông- lúc này đã trở thành salon Natasha (đặt theo tên người vợ Nga)- trong thời gian ông sáng tác chúng.

Vũ Dân Tân là con trai của nhà viết kịch Vũ Đình Long, từng là họa sĩ tại xưởng phim hoạt hình Đài Truyền hình Việt Nam. Sau khi ông mất, người ta thành lập Quỹ Vũ Dân Tân- tập hợp di cảo bao gồm cả ghi chép, bản nhạc… của nghệ sĩ.

Thời của Vũ Dân Tân, rõ ràng vẻ đẹp thân thể nữ giới là đề tài cấm kỵ. Có lẽ vì vậy mà các tác phẩm được triển lãm lần này mang tính vẽ mây nẩy trăng.

Nếu sự tôn vinh và niềm say mê thân thể nữ giới của Vũ Dân Tân chỉ tiềm ẩn ở khoảng không sau những tấm bìa, thì Nguyễn Nghĩa Cương huỵch toẹt hết cả ra.

Cũng sử dụng hộp bìa cac-tông bỏ đi, nhưng Vũ Dân Tân tạo hình theo kiểu 3D, biến không gian rỗng thành thành tố tác phẩm, thì Nguyễn Nghĩa Cương chỉ vẽ trên cái vỏ ngoài- một cách “bẹt hóa” đối tượng.

Ý tưởng đến với Cương (sinh năm 1973, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Việt Nam, hiện ở Bắc Ninh) hết sức tình cờ khi có lần mẹ anh được tặng một cái phích nước Rạng Đông nguyên hộp.

Bà vứt cái hộp đi, nhưng Cương đang thiếu vải vẽ nên vớ lấy. Và thế là Vẻ đẹp Chất lượng cao (Beauty High Quality) thành hình. Anh giữ lại một số yếu tố hình ảnh in sẵn trên vỏ hộp- đặt vào những vị trí nhạy cảm trên thân thể nữ giới.

Đó chính là sự kết hợp then chốt đem lại tinh thần đương đại và hài hước cho tác phẩm, đồng thời nhấn mạnh thông điệp: Chủ nghĩa tiêu thụ không tha miếng mồi phụ nữ. Không chỉ bị công nghệ quảng cáo lạm dụng, hình ảnh của nữ giới còn bị đem ra “hàng hóa” một cách công khai và phổ biến.

Xã hội có vẻ cũng chấp nhận xu thế đó. Nói đến “hàng”, đến “gái”, “chân dài”… là ai cũng hiểu nghĩa phát sinh. Tác phẩm của Nghĩa Cương thoạt nhìn đơn giản, “chơi bời” nhưng nhìn lâu sẽ thấy thấm thía.

Bằng cách nói mộc mạc, chân quê, tác giả bày tỏ mong muốn: Phụ nữ sẽ vượt qua những thách thức, cám dỗ của thời đại, giữ lấy vẻ đẹp nền nã.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.