Chúng tôi đến “đại bản doanh vải thiều” Thanh Hà giữa lúc trời nắng như đổ lửa. Dọc đường vào trung tâm huyện, thấy lác đác vài xe ô tô thu mua vải. Tại Chợ Lại - nơi những năm trước đây là trung tâm sôi động thu mua vải của Thanh Hà nhưng nay vắng vẻ, đìu hiu đến lạ. Vải được mùa, nhưng nhìn ai cũng buồn. Nhiều người mang vải đi bán, rồi lại mang về vì giá “bèo” quá.
Thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn được coi là cái nôi của cây vải vì nơi đây đang thờ cụ Hoàng Văn Cơm - người đầu tiên trồng cây vải tổ, cách đây hơn 200 năm.
Ngồi trước mặt chúng tôi là ông Hoàng Văn Thu (80 tuổi) - thế hệ con cháu đời thứ tư - người được giao trọng trách thờ cúng và trông coi cây vải tổ.
Ông Hoàng Văn Thu ngồi buồn dưới cây vải tổ. Ảnh: Phong Cầm |
Trong câu chuyện, ông Thu tự hào vì cây vải tổ đã được Trung ương Hội làm vườn Việt Nam công nhận, nhưng lại buồn khi nhắc tới giá vải mà người dân nơi đây đang bán.
Ông Thu nói: “Vải năm nay bán như cho. Cứ đà này, rồi mai đây những người trồng vải như chúng tôi sẽ không biết trông vào đâu để sống”.
Vườn vải nhà ông rộng khoảng 3 mẫu nhưng vì tuổi cao sức yếu nên đã bàn giao hết cho con cháu. Vải năm nay rất được mùa. Nhưng giá từ 2.000-2.500 đồng/kg (một kg vải chưa mua nổi một que kem) thì quá rẻ mạt so với số tiền đầu tư và công chăm sóc.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết – Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, việc người dân chặt bỏ vải là do giá thành quá thấp. Vì thế, về lâu dài, để giữ diện tích trồng vải và khuyến khích người dân trồng vải, ngoài việc xây dựng một quy trình canh tác để gia tăng năng suất cho cây vải thì điều quan trọng và cần kíp nhất là phải xây dựng nhà máy ngay tại địa bàn huyện để thu mua và chế biến vải cho người dân. Nhưng đáng buồn là, đã nhiều năm trôi qua, dù huyện đã kiến nghị lên - xuống nhiều lần, nhưng đến nay người dân Thanh Hà vẫn đang dài cổ mong chờ mà vẫn chưa có cá nhân hay doanh nghiệp nào đến để đầu tư. Nỗi buồn... vải được mùa của người dân Thanh Hà không biết sẽ còn kéo dài đến bao giờ? |
Ông Đỗ Văn Điều là một trong những hộ có diện tích trồng vải nhiều nhất xã Thanh Sơn. Ông nói: Trước đây, gia đình đã từng chặt bỏ đi một ít vải vì giá quá thấp, không ngờ năm nay giá lại còn thấp hơn. Bán vải tươi thì tiếc nên tôi cho hết vào lò sấy khô với hy vọng sẽ bán được giá cao hơn.
Thi nhau đốn hạ
Ông Vũ Đăng San - Chủ tịch UBND xã Việt Hồng cho biết, hiện tượng người dân chặt bỏ vải đã diễn ra từ mấy năm nay, nguyên nhân cũng vì giá vải quá rẻ.
Theo ông San, diện tích trồng vải năm nay của xã là 160 ha, dự kiến sẽ cho thu hoạch khoảng 1.800 tấn, nhưng hiện chỉ bán nhỏ giọt được chừng 30 tấn/ngày. Giá vải năm nay không bằng năm ngoái, trung bình chỉ bán được 2.000-2.500 đồng.
Nếu tính tiền đầu tư mua (thuốc sâu, lân, đạm, kali) cộng với tiền thuê bẻ vải (100 nghìn đồng/tạ) thì với mức giá hiện nay vải đem bán chỉ có... lỗ. Hiện, trên địa bàn xã Việt Hồng có khoảng gần 10 hộ đã chặt bỏ vải hoàn toàn để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác.
Theo chân anh Trần Văn Hanh - cán bộ xã Việt Hồng đi thị sát, chúng tôi thấy nhiều hộ dân tại đây đã không còn mặn mà với cây vải nên đã chặt bỏ hoàn toàn (như hộ ông Trường, Thái, Doanh, Triệu, Lập...).
Gặp chúng tôi, anh Nguyễn Văn Lập (thôn Cổ Chẳm) không ngần ngại khi cho biết anh vừa mới xóa sổ hơn 3.000m2 trồng vải. Theo anh Lập, năm nào cũng tốn công tốn của chăm sóc nhưng thu lợi chẳng đáng là bao nên chặt bỏ toàn bộ vườn vải để đào ao nuôi cá. Sắp tới, gia đình anh sẽ tiếp tục chặt bỏ thêm 3.000m2 vải nữa.
Vườn vải hơn 1 mẫu của anh Nguyễn Văn Lập (cổ Chẳm, Vân Hồng) nay đã thành ao cá. Ảnh: Phong Cầm |
Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ ở xã Việt Hồng người dân chặt bỏ vải mà ngay tại xã Thanh Sơn - nơi có cây vải tổ, nhiều hộ cũng không còn mặn mà với cây vải.
Anh Vũ Đình Toản (thôn Tráng Liệt) đã quyết định chặt bỏ hoàn toàn 3 sào vải để trồng cây cảnh. Anh Toản nói: “Nhiều người nói rằng tôi bị điên khi đem chặt hết vải để trồng cây cảnh nhưng tôi thấy đầu tư vào vải thì nhiều nhưng thu chẳng được bao nhiêu. Vì thế, tới đây, tôi sẽ tiếp tục chặt thêm 1 mẫu vải nữa”.
Ông Đỗ Văn Nhạt - Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: Toàn xã Thanh Sơn có 2.235 hộ trồng vải với diện tích khoảng 480 ha và dự kiến sẽ cho thu hoạch 6.000 tấn vải.
Tuy nhiên, vì giá thấp nên hàng nghìn hộ đã chặt bỏ vải để chuyển sang trồng các loại cây khác. Đến thời điểm này, các hộ dân trên toàn xã đã chặt bỏ hoàn toàn khoảng 50 ha. Ngay tại gia đình ông Nhạt cũng đã chặt bỏ 2 sào vải để chuyển sang trồng cây cảnh và tới đây sẽ còn chặt bỏ thêm 3 sào nữa.
Diện tích vải đang dần bị thu hẹp
Ông Lê Văn Dũng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Hà cho biết: Huyện Thanh Hà có 6.744 ha dùng để trồng cây ăn quả, trong đó diện tích trồng vải chiếm 5.900 ha. Toàn huyện có 25 xã, thị trấn trồng vải với khoảng 42.000 hộ.
Tại thời điểm năm 2005, khi giá vải xuống 3.000-4.000 đồng/kg, Đại hội Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết nêu rõ việc chuyển đổi một số diện tích vải trồng trên đất mô cho hiệu quả thấp, diện tích vải ngoài quy hoạch, diện tích vải ở đồng cao sang trồng những cây ăn quả khác.
Vì thế, tại một số xã (như: Liên Mạc, Cẩm Chế, Tân Việt, Thanh Xuân...), nhiều hộ dân đã chặt bỏ vải để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đã có 1.200ha đất (trong số 5.900 ha đất trồng vải) đã chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả khác. Do đó, đến nay, diện tích trồng vải của Thanh Hà đã bị thu hẹp xuống còn 4.700ha.
Tình trạng người dân Thanh Hà đổ xô chặt vải đã từng diễn ra một lần vào những năm 1960. Tại thời điểm đó, vải được coi là những vườn cây tập thể nên Thương nghiệp huyện được toàn quyền thu mua, người dân không được bán ra ngoài.
Vì giá thấp nên đã xảy ra tình trạng người dân chặt bỏ hàng loạt. Mãi đến những năm 1990, cây vải mới được phục hồi. Thời điểm “vinh quang” nhất của vải có lẽ vào những năm từ 1998-2000, khi vải được bán với giá từ 8.000-15.000 đồng/kg.
Trả lời câu hỏi: “Tình trạng người dân chặt bỏ vải kéo dài sẽ ảnh hưởng thế nào đến thương hiệu vải vốn đã nổi tiếng?”. Bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết:
Tại thời điểm năm 2005, khi giá vải khá cao, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã xác định để giữ được diện tích trồng vải 5.500 ha là việc làm khó. So với mức giá rẻ mạt như hiện nay, nhiệm vụ đó sẽ còn khó hơn.
Mặc dù vải Thanh Hà đã được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nhưng thực tế đáng buồn, tại các địa phương khác, khi đưa vải đi bán họ thường bảo đó là vải Thanh Hà!