Tiền Phong đã trao đổi với TS. Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng, Công ty Luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự về vấn đề này.
Bảo vệ khoá luận, luận án trực tuyển được công nhận khi nào?
TS, Luật Sư Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết quy chế đào tạo trình độ đại học (ĐH) áp dụng đối với hình thức chính quy và hình thức vừa làm vừa học ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/BGDĐT-TT ngày 18/3 của Bộ GD&ĐT quy định: Hình thức đánh giá trực tuyến được áp dụng khi đảm bảo trung thực, công bằng và khách quan như đánh giá trực tiếp, đồng thời đóng góp không quá 50% trọng số điểm học phần; riêng việc tổ chức bảo vệ và đánh giá đồ án, khóa luận được thực hiện trực tuyến với trọng số cao hơn khi đáp ứng thêm các điều kiện sau đây:
Việc đánh giá được thực hiện thông qua một hội đồng chuyên môn gồm ít nhất 3 thành viên;
Hình thức bảo vệ và đánh giá trực tuyến được sự đồng thuận của các thành viên hội đồng và người học; Diễn biến của buổi bảo vệ trực tuyến được ghi hình, ghi âm đầy đủ và lưu trữ.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 3/5.
Bên cạnh đó, Thông tư 08/2021/BGDĐT-TT còn quy định: Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh phức tạp và các trường hợp bất khả kháng khác, cơ sở đào tạo thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Như vậy, các trường đại học được bảo vệ khoá luận, luận án trực tuyển khi có đủ 3 điều kiện đã được quy định: (1) Việc đánh giá được thực hiện thông qua một hội đồng chuyên môn gồm ít nhất 3 thành viên; (2) Hình thức bảo vệ và đánh giá trực tuyến được sự đồng thuận của các thành viên hội đồng và người học; (3) Diễn biến của buổi bảo vệ trực tuyến được ghi hình, ghi âm đầy đủ và lưu trữ. Trong trường hợp bất khả kháng như Dịch bệnh thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tại từng thời điểm cụ thể đối với cả hệ thống hoặc theo đề nghị và điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường, được Bộ GD&ĐT đồng ý.
Khi nào các trường phổ thông được thi, kiểm tra trực tuyến?
Trong khi đó, đối với kiểm tra đánh giá ở bậc phổ thông, TS. Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết Thông tư 09/2021/BGDĐT-TT ngày 30/3của Bộ GD&ĐT về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến chương trình giáo dục phổ thông quy định: Các trường phổ thông được thi, kiểm tra trực tuyến khi bảo đảm các điều kiện tối thiểu về hạ tầng kỹ thuật dạy học trực tuyến (gồm: Hệ thống phần mềm dạy học trực tuyến và Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, tổ chức dạy học trực tuyến đáp ứng yêu cầu) và đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học trực tuyến.
Việc kiểm tra, đánh giá trực tuyến được quy định:
Kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trong quá trình dạy học. Các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong dạy học trực tuyến được thực hiện theo quy định về kiểm tra, đánh giá thường xuyên của Bộ GD&ĐT.
Kiểm tra, đánh giá định kỳ kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định về kiểm tra, đánh giá định kỳ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục phổ thông tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.
Như vậy, các trường phổ thông được thi, kiểm tra trực tuyến nếu là kiểm tra đánh giá thường xuyên kết quả học tập trực tuyến trong quá trình dạy hoc hoặc do người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định trong trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục phổ thông tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng.
Tuy nhiên, Thông tư 09/2021/BGDĐT-TT nêu trên có hiệu lực từ ngày 16/5; trong Thông tư này không quy định hiệu lực áp dụng trở về trước; trước Thông tư này không có quy định nào về thi, kiểm tra trực tuyến trong các trường phổ thông. Vì vậy, nếu trong trường hợp dịch bệnh bất khả kháng, để đảm bảo lợi ích chung của xã hội, cơ sở GD Phổ thông muốn thi, kiểm tra trực tuyến trước ngày Thông tư 09/2021/BGDĐT-TT có hiệu lực thì cần phải chuẩn bị đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng tối thiểu về hạ tầng kỹ thuật dạy học trực tuyến, về đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học trực tuyến và phải có sự đồng ý của Bộ GD&ĐT.