Khi máy quay là vũ khí…

0:00 / 0:00
0:00
TP - Là người kể chuyện và ghi chép bằng hình ảnh trên dải đất nóng bỏng nhất thế giới hiện nay, Emad cảm thấy đây là số phận, là lời nguyền cũng vừa là một đặc ân và nghĩa vụ của cuộc đời anh khi tận dụng thứ "vũ khí" không gây chết người là chiếc máy quay phim để đứng lên bảo vệ đồng bào mình.

Từ một ngôi làng bé nhỏ

5 Broken Cameras (5 chiếc máy quay bị hỏng) là bộ phim tài liệu từng đạt đề cử Oscar hạng mục phim tài liệu, đem đến một góc nhìn sâu sắc và chân thực về xung đột giữa Israel và Palestine, tập trung vào ngôi làng nhỏ Bil’in của người Palestine ở Bờ Tây. Bộ phim là sự hợp tác giữa Emad Burnat, một người dân Palestine, và Guy Davidi, nhà làm phim người Israel, góp phần tạo thêm một thứ lớp lang đầy ý nghĩa cho phim. Nỗ lực chung của họ nhấn mạnh khả năng đoàn kết và thấu hiểu giữa xung đột. Cùng nhau, họ đã sàng lọc hàng trăm giờ quay phim, tạo nên một câu chuyện vừa là tài liệu lịch sử vừa là câu chuyện sâu sắc nặng tính cá nhân.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 2005 khi người nông dân Emad Burnat mua chiếc máy quay đầu tiên để quay lại cảnh chào đời của đứa con thứ tư của anh là Gibreel, và ghi chép lại quá trình lớn khôn của cậu cũng như sinh hoạt thường nhật tại ngôi làng nơi anh sống. Tuy nhiên, khi quân đội Israel bắt đầu xây dựng hàng rào lấn chiếm mảnh đất quê hương của dân làng Bil’in để xây dựng khu định cư cho người Israel, Emad bất đắc dĩ bị cuốn vào cuộc đấu tranh bất bạo động dai dẳng nhiều năm trời với vai trò là một người quay phim. Thông qua ống kính của những chiếc máy quay, anh chứng kiến những cây ô liu bị ủi sập, sự căng thẳng leo thang cực độ của các cuộc biểu tình và những sinh mạng bị tước đi. Mọi thứ đều được ghi chép lại vào cuốn nhật ký điện ảnh về cuộc sống ở Bờ Tây này.

Khi máy quay là vũ khí…  ảnh 1

Emad Burnat bên 5 chiếc máy quay bị hỏng của mình

Như tựa đề của phim, 5 Broken Cameras đề cập đến 5 chiếc máy quay của Emad bị phá hủy trong hơn 5 năm ghi lại chu kỳ bất tận của biểu tình, bạo lực và sự kiên cường đấu tranh của dân làng Bil’in. Theo năm tháng trôi qua trước ống kính, chúng ta chứng kiến Gibreel từ một đứa trẻ sơ sinh lớn thành một cậu bé, quan sát thế giới xung quanh mình với đôi mắt tinh tường của trẻ thơ.

Ngoài Gibreel, máy quay của Emad còn tập trung vào hai người bạn thân của anh là Adeeb và Bassem. Adeeb là một người liều lĩnh, có phần nóng nảy khi anh nhiều lần trực diện thách thức quân lính Israel. Còn Bassem là một anh chàng to lớn hiền hòa, được những đứa trẻ trong làng đặt biệt danh là "el-Phil" (chú voi). Ba người đàn ông này đều từng bị ngồi tù vì biểu tình, thậm chí bị trọng thương. Rồi một ngày Bassem bị bắn chết trong một cuộc biểu tình hỗn loạn. Cái chết của người bạn thân khiến Emad nhận ra “Một viên đạn chỉ cần 3 mili giây là đủ để phá hủy chiếc máy quay của tôi…Chiếc máy quay thứ 3 của tôi đã đỡ đạn cho tôi. Viên đạn nằm kẹt trong máy như một lời nhắc nhở về sự mong manh của cuộc sống”.

Cái chết của Bassem khiến dân làng Bil’in tức giận chuyển từ biểu tình ôn hòa sang vũ lực. Những đứa trẻ từ đây cũng sẽ không còn một tuổi thơ bình thường nữa. Những từ đầu tiên Gibreel tập nói khi mới một tuổi bây giờ là "bức tường", "vỏ đạn", "quân đội"…

Khi máy quay là vũ khí…  ảnh 2

Nhiếp ảnh gia/phóng viên Motaz Azaiza của Palestine – một trong 100 người có ảnh hưởng nhất 2024 của tạp chí Times

5 Broken Cameras không chỉ đơn thuần là những thước phim tài liệu về biểu tình, mà còn là minh chứng cho sự kiên cường của tinh thần con người, và cũng là câu trả lời cho những ai đang đi tìm sự thật. Lời kể của Emad kết hợp với âm nhạc gợi cảm của Le Trio Joubran dẫn dắt người xem qua khung cảnh cảm xúc của cuộc xung đột. Mạch phim này phần nào làm giảm tác động cảm xúc của những thước phim ngẫu hứng và trần trụi của Emad, nhưng đây vẫn là một bộ phim tài liệu mạnh mẽ, đem lại một cái nhìn không nao núng trước bạo lực và sự phi lý đang diễn ra. Bộ phim không chỉ ghi chép lại cách từng chiếc máy quay bị phá hủy, mà còn phá vỡ những rào cản mang tính ẩn dụ, cả về nghĩa đen và ý thức hệ. Tác phẩm của Emad và Davidi là một lời nhắc nhở đau lòng về cái giá cá nhân của đấu tranh chống áp bức và hy vọng bền bỉ cho một giải pháp hòa bình. Khi 5 Broken Cameras được chiếu cho người trẻ Israel, những học sinh cho biết rằng bộ phim cho thấy sự thật khốc liệt gây ra bởi quân đội quốc gia của họ mà họ ít được biết.

Tôi cho rằng 5 Broken Cameras không chỉ là câu chuyện về cuộc đấu tranh của một ngôi làng, mà còn là câu chuyện mang tính toàn cầu về lòng kiên cường và hành trình tìm kiếm công lý có thể khơi dậy sự đồng cảm sâu sắc, đặc biệt là người dân đến từ những quốc gia từng rơi vào cảnh bị xâm lược như Việt Nam.

Đến cuối phim, Emad và dân làng cuối cùng cũng đã nhận được cái kết tạm có hậu: Sau 5 năm đấu tranh cực khổ và mãnh liệt, tòa án đã quyết định dỡ bỏ rào chắn. Dù nhỏ nhưng đây vẫn là một chiến thắng của dân làng.

Báo chí: đặc ân và nghĩa vụ

Những đoạn phim của Emad chân thực và gần gũi, luân phiên giữa những khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc sống thường nhật ở Bil’in và những cuộc đối đầu khốc liệt với đội quân chiếm đóng, tạo nên sự tương phản mạnh mẽ làm nổi bật cuộc đấu tranh dai dẳng của người dân. Mặc dù vẫn không tránh được sự thiên lệch của Burnat với tư cách là người Palestine, bộ phim đã vượt ra ngoài sự vận động đơn thuần, trở thành một bài luận sâu sắc bằng hình ảnh về tinh thần đấu tranh bền bỉ của những con người khao khát hòa bình nói chung.

Khi máy quay là vũ khí…  ảnh 3

Gibreel, đứa con nhỏ khiến Emad quyết định mua chiếc máy quay đầu tiên

Kể từ đầu tháng 10 năm ngoái, hơn 140 phóng viên và người làm truyền thông thuộc quốc tịch Palestine, Israel và Lebanon đã ngã xuống tại Gaza, nhiều người khác bị thương, bắt giữ lẫn mất tích. Nhà quay phim tự do Emad Burnat hiểu rõ rằng chiếc máy quay phim và những bộ luật bảo vệ nhà báo, phóng viên có thể sẽ không giúp anh giữ được tính mạng của mình. Nhưng dù người vợ van nài Emad hãy bỏ máy quay xuống vì sự an toàn của cô và bốn đứa con nhỏ, nhưng anh vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Với Emad, đây là số phận, là lời nguyền, cũng vừa là một đặc ân và nghĩa vụ của cuộc đời mình, khi thứ "vũ khí" hiền lành là chiếc máy quay phim có thể giúp anh gìn giữ sự tồn tại của cả cộng đồng. Một quan niệm rõ ràng: Bọn họ giương súng vào chúng ta thì chúng ta sẽ chĩa ống kính lại vào họ.

“Những vết thương bị lãng quên thì sẽ không bao giờ có thể lành. Vì vậy tôi chữa lành bằng cách quay phim. Tôi biết rằng họ có thể gõ cửa nhà tôi bất cứ lúc nào nhưng tôi sẽ luôn tiếp tục quay. Nó giúp tôi đối mặt với cuộc sống và sinh tồn”. Emad Burnat

Khi máy quay là vũ khí…  ảnh 4

Bộ đôi đạo diễn Emad Burnat (trái) và Guy Dividi (phải) của phim tài liệu 5 Broken Cameras

Bước vào thời đại số, phóng viên không chỉ làm việc cho những tờ báo và kênh thời sự mà còn có thể hoạt động độc lập trên những nền tảng mạng xã hội ngắn và nhanh như Tiktok hay Instagram, như cách những phóng viên Palestine trẻ như Motaz Azaiza, Hind Khoudary, Doaa Albaz, hay Bisan Owda với câu chào đặc trưng mở đầu mỗi video: “Đây là Bisan từ Gaza và tôi vẫn còn sống”. Những phóng viên độc lập trẻ tuổi này vẫn trực tiếp đưa tin và hình ảnh ngay từ những đống đổ nát, chết chóc nhất thế giới hiện nay. Motaz Azaiza được Times vừa được xếp vào danh sách 100 người có sức ảnh hưởng nhất 2024, còn Bisan Owda nhận giải thưởng Peabody Award - một trong những danh hiệu cao quý nhất dành cho nghề báo.

MỚI - NÓNG