Khi lịch sử so sánh

Những hợp tác đầu tiên…(Nhóm Đặc nhiệm “Con Nai” với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1945 - Nguồn: http://www.cand.com.vn)
Những hợp tác đầu tiên…(Nhóm Đặc nhiệm “Con Nai” với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1945 - Nguồn: http://www.cand.com.vn)
TP - Nếu nhìn từ góc độ lịch sử, quan hệ Việt-Mỹ thực sự đặc biệt trên nhiều phương diện. Trong đó, tưởng chừng như có nhiều thời khắc quan trọng đã diễn ra một cách ngẫu nhiên. Nhưng có thực sự như vậy, hãy thử so sánh một số biến cố đáng chú ý, cả những điều đáng tiếc và những điều hai bên đã làm được?

> Thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ

“Chính thức” từ 225 năm trước…

Cách đây đúng 225 năm, vào năm 1787, đã diễn ra một cuộc tiếp xúc đầy ý nghĩa giữa một người Việt Nam và một người Mỹ trên đất Pháp, cuộc gặp gỡ mà một số nhà nghiên cứu xem như cuộc tiếp xúc “chính thức” đầu tiên giữa hai nước.

Đó là khi Hoàng tử Cảnh (Nguyễn Phúc Cảnh), sau này là Thái tử của vua Gia Long, theo Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) sang Pháp cầu viện và có cuộc gặp gỡ với một trong những tác giả của Bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng của nước Mỹ - Tổng thống thứ ba của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Thomas Jefferson.

Thomas Jefferson khi đó đang là Công sứ Toàn quyền Mỹ tại Pháp còn Hoàng tử Cảnh mới chỉ là một cậu bé 7 tuổi, sang Pháp theo Bá Đa Lộc cầu viện.

Jefferson, một con người đa tài, đam mê nghiên cứu về nông nghiệp đã chủ động xin gặp Hoàng tử Cảnh với mong muốn tìm được giống lúa thích hợp cho vùng Carolina trên quê hương ông.

Tuy nhiên, mong muốn của Jefferson đã không thành hiện thực khi vị hoàng tử nhỏ tuổi về nước, bị cuốn vào những biến động chính trị lúc đó, quên bẵng đi lời hứa với ông.

Vào thời điểm đó, Mỹ và Thái Lan chưa hề có bất cứ một cuộc tiếp xúc nào, cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên giữa Mỹ và Thái Lan được lịch sử ghi lại xảy ra vào năm 1818.

Philippines, một đồng minh của Mỹ hiện nay, thậm chí còn đang nằm trong sự kiểm soát của người Tây Ban Nha. Việc Mỹ có những tiếp xúc đầu tiên với Việt Nam nhưng rồi cả hai bên để lỡ cơ hội thúc đẩy âu là sự sắp đặt của lịch sử?

Hơn 200 năm sau, hợp tác nông nghiệp đang là một trong những điểm sáng trong quan hệ. Thật đáng kinh ngạc, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Mỹ trong lĩnh vực nông nghiệp đã đạt gần 3,4 tỷ USD trong năm 2010, trong đó Việt Nam xuất siêu nhẹ.

Việt Nam hiện đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nhiều mặt hàng nông nghiệp hàng đầu thế giới. Sự quan tâm của Jefferson cũng không vô ích bởi dù là quốc gia hiện đại, Mỹ vẫn là cường quốc nông nghiệp.

Chỉ riêng bang California, nổi tiếng với Thung lũng Silicon, bãi biển Long Beach hay phim trường Hollywood, nhưng đồng thời cũng là nhà cung cấp nông sản lớn trên thế giới.

Bản quốc thư 180 năm tuổi

…lên một tầm cao mới? (Tổng thống Obama đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC 19 - Nguồn: http://talkvietnam.com)
…lên một tầm cao mới? (Tổng thống Obama đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC 19.            Nguồn: http://talkvietnam.com).
 

Năm 2012 còn đánh dấu 180 năm kể từ ngày Edmund Roberts, Thuyền trưởng chiến hạm USS Peacock, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Andrew Jackson mang theo Quốc thư và bản Dự thảo Hiệp ước Thương mại với Việt Nam tới Việt Nam bằng đường biển (1832).

Tuy nhiên, số phận lịch sử cũng đã không để tàu Peacock có thể cập cảng Việt Nam một cách dễ dàng khi gió mùa thổi mạnh buộc tàu phải thả neo ngoài khơi Đà Nẵng.

Dù sau đó, hai bên vẫn có cuộc gặp gỡ trên tàu song không đạt được kết quả nào do thiếu hiểu biết lẫn nhau. Sau đó vào năm 1873, mong muốn thúc đẩy quan hệ, triều đình Tự Đức đã cử sứ thần Bùi Viện sang Mỹ.

Sau gần 1 năm vận động để gặp Tổng thống U. Grant, Bùi Viện đã nhận được sự ủng hộ từ phía Mỹ sẽ góp phần hạn chế sự uy hiếp của Pháp. Nhưng do không mang quốc thư, nên Bùi Viện đã không nhận được cam kết chính thức từ phía Mỹ.

Năm 1875, sứ thần Bùi Viện một lần nữa sang Mỹ, lần này có mang theo bản quốc thư, được Tổng thống Grant tiếp, nhưng lần này Mỹ đã thay đổi thái độ do sự xoay chuyển của tình hình.

Về cam kết thương mại, phải đợi tới gần 170 năm sau, đề xuất của Tổng thống Andrew Jackson mới thành hiện thực khi Việt Nam và Mỹ chính thức ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA) vào năm 2000, có hiệu lực vào năm 2001.

Để có được cam kết toàn diện đầu tiên đó, như “tâm sự” của hai nhà thương thuyết Vũ Khoan, Nguyễn Đình Lương, hai bên đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.

Sau hơn 180 năm kể từ ngày Đặc phái viên Edmund Roberts mang theo bản “Hiệp ước Thương mại song phương” đầu tiên đến Việt Nam, sau hơn 10 năm kể từ ngày bản Hiệp ước đó chính thức được ký kết, Mỹ đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 1.200%, từ 1,5 tỉ USD lên hơn 21 tỉ USD năm 2011.

Mỹ cũng thuộc nhóm nước đầu tư trực tiếp (FDI) lớn nhất vào Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở BTA, hiện nay hai nước, cùng với 5 thành viên khác, đang đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với những cam kết sâu và mạnh bạo hơn cả khuôn khổ BTA hay WTO.

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và kinh tế, Việt Nam đang đề nghị Mỹ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường (MES) và trao Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Những tranh chấp thương mại điển hình như các vụ kiện tôm, cá ba sa từ năm 2000 hay việc Bộ Thương mại Mỹ quyết áp thuế chống bán phá giá đối với Việt Nam từ 36,48% lên 63,88% năm 2003 cũng gây cản trở nhất định cho hợp tác.

Tuy vậy, kinh tế - thương mại vẫn đóng vai trò như nhân tố chủ chốt, thúc đẩy quan hệ hai nước.

15 năm quan hệ cấp Đại sứ

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã thực sự được nâng lên mức cao nhất theo Công ước Viên 1961 về quan hệ ngoại giao khi cách đây đúng 15 năm, hai nước đã tiến hành bổ nhiệm những Đại sứ đầu tiên của mình tại nước kia (các cấp độ ngoại giao thấp hơn bao gồm Công sứ, được bổ nhiệm bên cạnh Nguyên thủ quốc gia và Đại biện, được bổ nhiệm bên cạnh Bộ trưởng Ngoại giao).

Ngày 10-04-1997, Thượng viện Mỹ bổ nhiệm ông Douglas “Pete” Peterson, Hạ nghị sỹ, đồng thời là cựu tù binh chiến tranh (POW), làm Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam.

Tại thủ đô Washington D.C., một tháng sau, ông Lê Văn Bàng trình Quốc thư Việt Nam lên Tổng thống Bill Clinton để đảm nhiệm cương vị Đại sứ của nước Việt Nam thống nhất đầu tiên tại Mỹ.

Kể từ khi chính thức mở Đại sứ quán giữa hai nước, phía Việt Nam bổ nhiệm 4 vị Đại sứ bao gồm các ông Lê Văn Bàng, Nguyễn Tâm Chiến, Lê Công Phụng và Nguyễn Quốc Cường, là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp và cao cấp.

Phía Mỹ cũng bổ nhiệm 5 vị Đại sứ tại Việt Nam, bao gồm các ông Douglas “Pete” Peterson, Raymond Burghardt, Michael W. Marine, Michael W. Michalak và hiện nay là David B. Shear; đây cũng đều là các chính khách hoặc nhà ngoại giao chuyên nghiệp, cao cấp của Mỹ.

Việc bổ nhiệm các đại sứ với hàm cấp như vậy cho thấy hai bên đã dành cho nhau sự tôn trọng đáng ghi nhận. Trải qua thời gian, quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã có nhiều bước cải thiện và phát triển.

Hiện nay bên cạnh Đại sứ quán, Mỹ còn mở Tổng Lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh trong khi Việt Nam mở Tổng Lãnh sự quán tại San Francisco (bang California), Houston (bang Texas) và Lãnh sự quán tại New York (bang New York).

Cũng trong 15 năm này, hai nước đã nhất trí ra 3 Tuyên bố chung vào các năm 2005, 2006, 2008 và trao đổi 5 chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Mỹ và Tổng thống Bill Clinton, Tổng thống George W. Bush tới Việt Nam.

Đó là chưa kể nhiều cuộc tiếp xúc cấp cao bên lề khác, góp phần tạo khuôn khổ cho quan hệ hai nước phát triển ổn định.

Hai bên còn tiến hành nhiều các chuyến thăm nhiều cấp, ngành và địa phương khác. Cơ chế Đối thoại Chiến lược cấp Thứ trưởng về Chính trị, An ninh, Quốc phòng đến nay đã được tổ chức 4 lần.

Mặc dù vậy, những khác biệt về hệ thống chính trị giữa hai bên tạo thách thức lớn. Vấn đề “dân chủ-nhân quyền” vẫn cản trở nhất định đối với quan hệ.

Tuy nhiên, đối với vấn đề này cả hai bên đã cùng xác định sẽ cùng nhau giải quyết trên cơ sở đối thoại thẳng thắn, cởi mở và sâu rộng. Đến nay, Việt Nam và Mỹ đã tiến hành 16 vòng đối thoại.

Trên thực tế, trên tinh thần thẳng thắn, không ít lần Việt Nam đã lên tiếng làm rõ sự thật về những thông tin sai lệch, không phản ánh đúng tình hình thực tế ở trong nước...

…kẻ thù trong quá khứ…(Máy bay B-52 của Mỹ ném bom Việt Nam - Nguồn: http://www.defensemedianetwork.com)
…kẻ thù trong quá khứ…(Máy bay B-52 của Mỹ ném bom Việt Nam.  Nguồn: http://www.defensemedianetwork.com).

Hợp tác trong vấn đề tìm kiếm tù binh/mất tích trong chiến tranh (POW/MIA) cũng được nhìn nhận tích cực. Việc Văn phòng POW/MIA của Mỹ có mặt tại Việt Nam trước khi hai nước có bất cứ một hiệp định song phương nào, khi hai nước thậm chí còn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, đã chứng minh điều đó.

Cũng như nhiều lần trong quá khứ, Việt Nam luôn bày tỏ thái độ hòa giải và nhân đạo. Nhưng đồng thời, trên cơ sở bản Ghi nhớ, Việt Nam cần phía Mỹ tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm hàng trăm nghìn bộ đội Việt Nam hiện vẫn còn mất tích.

Vấn đề chất độc da cam vẫn còn day dứt và chắc chắn sự hợp tác của phía Mỹ vẫn còn hết sức cần thiết.

Một điểm tích cực là phía Mỹ duy trì cam kết trợ giúp các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam và cải thiện đời sống của những người dân chịu hậu quả từ bom mìn còn sót lại.

Kể từ năm 1989 cho đến nay, phía Mỹ đã cung cấp hơn 60 triệu USD cho các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn và trợ giúp người khuyết tật cho Việt Nam.

Trong năm 2012, Quốc hội Mỹ chuẩn thuận khoản kinh phí 3,5 triệu USD. Đây là một công việc có ý nghĩa bởi, do tính chất quan trọng, tại Việt Nam, đích thân Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

5 năm, hợp tác vì công việc chung…

Cách đây đúng 5 năm, vào năm 2007, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam được bầu làm Thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (nhiệm kỳ 2008-2009), tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.

Bên cạnh vai trò, vị thế mới của Việt Nam, điều này một phần có được nhờ sự ủng hộ của các nước, trong đó có tất cả 5 nước thành viên Thường trực của Hội đồng.

Trong khi hai nước tăng cường thúc đẩy hợp tác trên nhiều vấn đề an ninh quốc tế thì phía Mỹ cũng bày tỏ ngày càng quan tâm hơn đến các vấn đề khu vực, trong đó có việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do an toàn, an ninh hàng hải tại biển Đông.

Phía Mỹ đã có thái độ tích cực và ủng hộ đối với việc Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN trong năm 2010. Dĩ nhiên, hai nước không có cùng quan điểm trên một số vấn đề an ninh quốc tế, khu vực khác vì lợi ích, bối cảnh đặc thù của mỗi bên.

Hồ Chí Minh: Những thời khắc không ngẫu nhiên?

Nhắc đến quan hệ Việt-Mỹ không thể không nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỹ là đất nước đầu tiên Người đặt chân đến trên con đường đi tìm độc lập, tự do cho dân tộc, cụ thể tại thành phố Boston, quê hương của 3 đời Tổng thống và nhiều tầng lớp trí thức, tinh hoa Mỹ (Người ở Mỹ trong vòng 3 năm 1911 - 1913).

Bài viết quốc tế nổi tiếng đầu tiên trong cuộc đời cầm bút của Người, Bản yêu sách của nhân dân An Nam, là thư gửi Tổng thống Mỹ lúc đó Woodrow Wilson, Trưởng đoàn Hội nghị Versailles năm 1919, còn bài viết cuối cùng là Thư gửi Tổng thống Mỹ Richard M. Nixon 50 năm sau - ngày 25-08-1969, chỉ vài ngày trước khi Người ra đi.

Liệu đây có phải là ngẫu nhiên? Sự nhất quán về thái độ quan tâm của Người đối với nước Mỹ, trên các phương diện khác nhau, có khi đối lập nhau, cho thấy Người đã nhìn nhận chính xác về vai trò của nước Mỹ trong lịch sử hiện đại.

Sinh thời, Người đánh giá cao việc đơn vị đặc nhiệm “Con Nai” của OSS đến giúp Việt Minh chống Nhật. Người còn cố gắng thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ trong thời gian này, nhưng sau đó cũng chính Người đã lên án Nixon mạnh mẽ khi máy bay Mỹ ném bom giết hại nhân dân Việt Nam.

Người luôn phân biệt rõ giữa đế quốc Mỹ hiếu chiến với đa số nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình, công lý.

Và tư tưởng này được cố Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai thấm nhuần và vận dụng sáng tạo khi ông có bài phát biểu trước Hội đồng Đối ngoại Mỹ (CFR) tại New York tháng 09-1990 với tựa đề “Hãy nhìn quan hệ Việt-Mỹ bằng đôi mắt mới”.

Với ông, lúc đó chiến tranh vẫn còn dư âm đau đớn, nhưng có lẽ lựa chọn tốt nhất cho hai nước Việt-Mỹ là cùng nhau hướng về phía trước. Sự khác biệt luôn tồn tại, nhưng có lẽ cách giải quyết tốt nhất là đối thoại.

Kể từ những tiếp xúc trong quan hệ Việt-Mỹ cách đây 225 năm cho đến những thăng trầm sau đó, mà nốt trầm lớn nhất là cuộc chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người Việt Nam, đến nay đã có những nỗ lực lớn để bình thường hóa hoàn toàn quan hệ.

Có lẽ những kinh nghiệm của lịch sử đặc biệt quan hệ hai nước vẫn có giá trị tham khảo và đối chiếu, cho hiện tại và tương lai.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG