Tại Hội thảo tập huấn hướng nghiệp cho giáo viên (GV) trung học TP.HCM diễn ra ngày 13/12, các GV đã đặt ra nhiều vấn đề về chọn trường, chọn nghề hiện nay của HS cũng như thực trạng hướng nghiệp thiếu bài bản ở trường học.
Chọn nghề theo... phim
Tại hội thảo, một GV trẻ đến từ Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý, Q.7 kể ngày mình học 12 không hề chút định hướng nào về nghiệp tương lai. Người bạn thân tự đăng ký cho cô vào ngành Kế toán của ĐH Kinh tế, cô chỉ mỗi việc nộp lệ phí thi và... đi thi.
“Hết năm nhất, tôi nhận ra mình chẳng hề yêu thích công việc này. Tôi bỏ học, đi làm thêm và 3 năm sau thi lại ngành Sư phạm”, GV này cho hay.
Thông qua khảo sát tại chỗ với hơn 150 GV tham gia hội thảo, chưa đến 20% cho biết họ chọn nghề Sư phạm vì xác định được đây là nghề mình yêu thích, còn khoảng 70% GV đến với nghề một cách đại khái, chờ đợi vào may mắn.
ThS Hồ Phụng Hoàng, chuyên viên tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Quốc tế RMIT cho biết, việc chọn nghề của giới trẻ Việt Nam chịu tác động rất nhiều từ các mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và thậm chí từ quảng cáo, phim ảnh.
Cách đây vài năm, nhiều HS thi vào ngành Quản trị khách sạn chỉ vì lý do các em bị ảnh hưởng từ một bộ phim Hàn Quốc đã xây dựng một hình ảnh “long lanh” về nghề nghiệp này.
Ngoài ra, các em ảnh hưởng lớn từ gia đình. Tuy nhiên, phụ huynh khi định hướng nghề nghiệp cho con thường chỉ nhìn vào quả ngọt trên cành cây, hướng vào những nghề cho con bớt khổ mà quên đi cái rễ cây - chính là bản thân các em.
“Rất đông HS chọn nghề khi các em chưa hiểu về bản thân mình mà những tác động bên ngoài lại ảnh hưởng lớn”, bà Hoàng nhấn mạnh.
Chuyên viên hướng nghiệp này cho rằng ở thế hệ trước, nếu giá trị nghề nghiệp không được thỏa mãn, mọi người vẫn ráng để theo đuổi vì mưu sinh. Còn bây giờ, trước những thay đổi của cuộc sống xã hội, người trẻ rất khó chấp nhận việc làm sai ngành nghề.
Bà Hoàng chỉ ra hậu quả của việc chọn sai nghề: “Có những sinh viên rơi vào trầm cảm hoặc có ý định tự tử do chọn sai nghề. Khi không thích thì rất khó để theo học chứ chưa nói để làm được việc. Nhiều sinh viên ra trường không làm được việc hoặc làm trái ngành cũng vì lý do chọn nghề chưa đúng”.
Hướng nghiệp ở trường học còn “lỏng”
Năm 2006, Bộ GD-ĐT ban hành quyết định về hoạt động hướng nghiệp cho HS bậc THPT là 27 tiết/năm. Tuy nhiên, đến năm 2008 giảm xuống 1/3 thời lượng, còn 9 tiết/năm.
ThS Hồ Phụng Hoàng đánh giá, hướng nghiệp chưa có vị trí chiến lược trong giáo dục, hoạt động này ở trường học còn mang tính đại trà, chưa bài bản. Đặc biệt, trong công tác hướng nghiệp còn có ngăn cách, thiếu liên kết chặt chẽ giữ nhu cầu xã hội và đào tạo.
Trong HS hiện nay có xu thế đối lập về định hướng nghề nghiệp đều được xem là bất ổn. Có nhiều em không biết mình ước mơ gì nhưng nhiều em lại ước mơ đủ thứ. Sợ các em bồng bột trong các quyết định của mình cũng là một trong những lý do phụ huynh thường “can thiệp sâu” đến việc chọn nghề của con.
Ông Nguyễn Văn Cải - Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung chia sẻ, thông tin về nghề nghiệp hiện nay đã được nhiều HS biết đến, các em không hoàn toàn mù mờ như trước. Tuy nhiên, các em vẫn dễ chọn “lệch” nghề do xác định bản thân gắn bó với nghề nghiệp chưa sâu do thiếu định hướng từ nhỏ.
“Chúng ta đang thiếu những tác động để giúp các em nhận biết về hoài bão, ước mơ và lý tưởng của mình”, ông Cải nói.
Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh, cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM cho hay hiện nay các trường trung cấp, cao đẳng, cao đẳng nghề đào tạo khoảng 300 ngành học. Trong 300 ngành học có đến hàng chục ngàn chuyên ngành. HS hiểu biết về nghiệp chỉ mới là bề nổi như kiểu học Quản trị kinh doanh thì ra... làm sếp, chứ chưa hiểu rõ ngành đó thì học cái gì, làm cái gì.
Ông Cường băn khoăn, liệu ở trường, GV hướng nghiệp có nắm được sự đa dạng về ngành nghề để định hướng cho các em hay không. “Theo tôi, việc hướng nghiệp ở trường học phải giúp các em hiểu về thế giới nghề nghiệp, có thái độ đúng đắn về nghề và chủ động đi học nghề. Đây cũng là cách giảm các tệ nạn xã hội”.
Một điều đáng ngại trong việc hướng nghề đối với HS chính là tâm lý hình thức, bằng cấp phải vào được ĐH, chứ không đi học nghề. Chính điều này góp phần dẫn đến nhiều em chọn sai nghề vì... bằng ĐH và xã hội mất cân đối nghề nghiệp cùng tình trạng thừa thầy thiếu thợ.
Theo Dân trí