Khi học sinh phải tự đi khám bệnh tâm thần

Khi học sinh phải tự đi khám bệnh tâm thần
Mỗi năm tại khoa khám nhi - Bệnh viện tâm thần TP.HCM tiếp nhận hơn 1.000 ca học sinh bị rối loạn lo âu, trầm cảm (một thể của bệnh tâm thần). Lứa tuổi từ 6 đến 15 chiếm hơn 50% .

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Giang, trưởng khoa khám nhi (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM), học sinh rối loạn lo âu tăng nhiều trước và sau mùa thi vì chịu sức ép, áp lực học tập, thi cử từ gia đình, thầy cô.

Một bác sĩ khác tại khoa khám nhi (Bệnh viênTâm thần TP.HCM) kể: Một trường học HS lớp 8 Trường chuyên Trần Đại Nghĩa bị rối loạn lo âu thể nặng, trong đầu cậu bé cứ văng vẳng lời của cô giáo: Các anh chị là học sinh trường chuyên mà học tập thế này à, có xứng đáng không. Học sao cho xứng tầm là học sinh trường chuyên chứ.

Như vậy, vô tình thầy cô gây áp lực cho học sinh. Các em bị điểm kém dễ sợ hãi, lo âu... mỗi ngày cứ tích tụ dần, đến ngưỡng nào đó, các em chịu hết nổi sẽ dẫn tới rối loạn lo âu, người cứ hồi hộp, sợ sệt, mất tập trung, thậm chí nói nhảm một mình.

“Ca này, chúng tôi đành phối hợp với gia đình chuyển trường cho cháu và làm việc với thầy cô giáo ở trường mới giúp đỡ em để cải thiện bệnh tình. Và khi chuyển trường có sự phối hợp của phụ huynh và nhà trường, trong thời gian ngắn em đã khỏi bệnh”, vị bác sĩ này cho hay.

Học sinh cô đơn dễ mắc tâm thần

Một trường hợp khác, một cậu học trò lớp 10 tìm đến bác sĩ Nguyễn Thị Giang, trưởng khoa khám nhi (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) nói về mình: Cô ơi con thấy mình có những triệu chứng trầm cảm nhẹ, con còn nhận thức được, con lên mạng đọc và con thấy có những triệu chứng như vậy nên con tìm đến đây để khám và điều trị. Cô giúp con nhé!

Cha mẹ đặt chỉ tiêu thi cử cho con vô tình gây áp lực, căng thẳng khiến lứa tuổi học sinh rất dễ mắc các bệnh về tâm thần (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Cha mẹ đặt chỉ tiêu thi cử cho con vô tình gây áp lực, căng thẳng khiến lứa tuổi học sinh rất dễ mắc các bệnh về tâm thần (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Tiếp nhận ca này, bác sĩ Giang hỏi, sao con không nói với bố mẹ đưa đến khám vì con còn nhỏ. Nhưng em trả lời không một chút đắn đo: “Con có nói với ba mẹ đó chứ, con nói trong người con cứ thấy hồi hộp, lo sợ điều gì đó không rõ ràng. Nhưng mẹ còn mắng con, học không lo học đàng hoàng, nói chuyện nhảm nhí. Mẹ phớt lờ, và không tin lời con nói”.

Theo bác sĩ Giang, giới trẻ bây giờ biết lo lắng cho sức khỏe của mình, thấy trong người có những biểu hiện khác lạ là lên mạng tra cứu về những biểu hiện bệnh lý của mình và…tự đi bác sĩ một mình.

“Với các trường hợp như thế này, chúng tôi cho thuốc để các em về các em lên mạng xem có cho đúng thuốc không, thuốc có tác dụng phụ gì không rồi gọi điện thoại trao đổi với chúng tôi”, bác sĩ Giang nói vào cho biết thêm, những trường hợp các em tự đi khám, bác sĩ phải liên lạc với phụ huynh để cùng nhau hợp tác trong điều trị cho các em.

Theo tìm hiểu, các em khá cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Ba, mẹ bận rộn với công việc, ít quan tâm và các em thường hay lo sợ trước nhưng kỳ thi quan trọng như tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH-CĐ. Ba mẹ hay đặt chỉ tiêu và ít quan tâm chia sẻ, nên các em dễ mắc bệnh.

Học sinh tự đi khám tâm thần

Trong một năm, chỉ riêng bác sĩ Giang đã tiếp nhận khoảng 10 trường hợp học sinh đi khám tâm thần một mình, các em chủ yếu là học sinh THPT. Điều này cho thấy giữa cha, mẹ và các em không có sự gần gũi, con cái ít dám tâm sự, hay nói chuyện riêng tư của mình cho ba mẹ để được chia sẻ.

“Chưa có con số thống kê chính thức, nhưng nếu các em không được can thiệp sớm thì việc rối loạn thâm thần như trầm cảm, lo âu trong một thời gian dài... bệnh tình sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, lúc đó công tác chữa trị sẽ rất tốn kém và gặp nhiều khó khăn hơn”, bác sĩ Giang nhấn mạnh.

Ngoài ra, bác sĩ Giang cũng khuyến cáo: Học sinh khi bị rối loạn tâm thần nếu được can thiệp sớm, việc chữa trị thành công gần như 100%. Do đó, bác sĩ cần sự hợp tác từ phía gia đình mới “cắt” được stress cho trẻ. Còn nếu cha mẹ cứ khư khư "ôm" quan điểm của mình và cho rằng con lười, con mê game, mê lên mạng và chiều con là rất khó điều trị.

Theo Một thế giới

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.