Khi đình chùa lo lót

Lê Chí Lam (người mặc thường phục) nghe đọc quyết định khởi tố của Cơ quan Điều tra. Ảnh: Báo Thanh tra.
Lê Chí Lam (người mặc thường phục) nghe đọc quyết định khởi tố của Cơ quan Điều tra. Ảnh: Báo Thanh tra.
TP - Tuần qua, dư luận quan tâm đến việc mua bán chuyển nhượng các trường đại học (cổ phần tư nhân). Chỉ vài chục tỷ đồng có thể mua được một trường đại học! “Ai mua trường, tôi bán trường cho…” có thể là một câu hát mới?

Nhưng đó là việc mua bán đúng pháp luật. “Bôi trơn”, tiêu cực trong làm sổ đỏ thì không thể coi như vậy. Chuyện đã trở thành vấn đề trọng tâm được các đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường. 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Sỹ Cương nêu “Theo người dân, nguyên nhân căn bản nhất dẫn tới việc cấp sổ đỏ chậm trễ phần lớn do tiêu cực, nhũng nhiễu”. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) tiếp tục: "Rất nhiều cử tri nói rằng trong cấp sổ đỏ có rất nhiều vấn đề tiêu cực"…

Sau phiên chất vấn nêu trên ít ngày, tại cuộc họp báo tháng 9 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều câu hỏi về vấn đề này được phóng viên đặt ra với đại diện Bộ. Thứ trưởng Trần Hồng Hà công nhận, không có gì phải nghi ngờ, “các đồng chí cứ làm sổ đỏ thì sẽ thấy cũng rất khó khăn”, vấn đề là tìm ra nguyên nhân, cách giải quyết, chứ nếu chỉ nêu ra “sợ có quá nhiều”.

Nguyên nhân lớn thì người dân đã chỉ ra ngay rồi: tiêu cực! Đây không chỉ là câu chuyện của việc làm sổ đỏ, mà đã gần như trở thành một thứ “văn hóa nhũng nhiễu” trong nhiều lĩnh vực mà sự kiện sau đây – xảy ra trong lĩnh vực văn hóa – là minh chứng.

Ngày 29/9, Công an tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Lê Chí Lam (37 tuổi), Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh để điều tra. Thông tin ban đầu cho biết, trong thời gian từ năm 2011 - 2013, ông Lam nhận hàng trăm triệu đồng của Ban quản lý các đình, đền, chùa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để lo lót, giải quyết các thủ tục, hồ sơ xếp hạng di tích và phục dựng, tôn tạo đình, đền, chùa. 

Câu hỏi thú vị nảy ra từ đây là: Vì sao một số Ban quản lý đình, đền, chùa… lại phải lo lót? Thì đó, nhãn tiền. Đình, đền, chùa được xếp hạng, nâng hạng thì con nhang đệ tử nhiều lên, công đức giọt dầu cũng ê hề hơn, chia nhau (trong bóng tối) ổn hơn. Có phép để phục dựng, tôn tạo thì tiện cho việc “vẽ” ra các hạng mục rồi “tâng” giá, bòn rút. Nguy hiểm hơn cho văn hóa, vì đồng tiền, họ nhắm mắt đập phá các thứ quý, cổ, thay vào đó là những thứ “phục dựng” sống sít, nham nhở.

Hỡi ông Phó giám đốc Bảo tàng, khi nào thì ông sẽ khai ra hết những kẻ dúi tiền, lo lót cho ông?

MỚI - NÓNG