Khi chồng không hay nói
Từng có tiêu chí rằng: “Một cặp vợ chồng bình thường, ở gần mà mỗi ngày tối thiểu không nói chuyện với nhau được khoảng 30 phút thì chưa được coi là hạnh phúc”. Thế nhưng, trong thực tế vẫn có rất nhiều đôi lúa sống ấm êm, hòa thuận lâu bền dù một trong những chỉ số để được phê chuẩn hạnh phúc ấy chưa bao giờ đạt tới.
Ảnh: minh họa - Internet |
Vì sao họ giống những... pho tượng?
Thực ra, ít nói có nhiều loại: ít nói bẩm sinh và… bỗng dưng ít nói. Người đang nói bình thường bỗng ít hẳn thì thường có nỗi niềm, gặp phải khó khăn, biến cố gì đó, thành lo lắng, suy tư, trầm cảm mà tạm thời “tịnh khẩu”. Gặp trường hợp này, người vợ nên quan tâm tìm hiểu nguyên nhân để từ đó có cách giúp đỡ, giải quyết. Khi “trị” được gốc của vấn đề tức sẽ mở được “tần số” và “âm thanh” của chồng bạn sẽ lại vang thôi.
Cũng có trường hợp “cố tình ít nói” với những động cơ riêng và tại một hội thảo về bạo hành gia đình, chuyện này còn bị coi như một phương pháp “hành mà không bạo” rất hiệu quả, rất nhiều người áp dụng. Bởi điều đó làm không khí gia đình ngột ngạt, nặng nề, đối tượng bị bạo hành khó mà chịu nổi. Còn lại, ít nói là bẩm sinh của một số người. Hay người quá trí tuệ, quá sâu sắc uyên thâm, mọi ngôn từ như bất lực nên họ thường nói ít, nghĩ nhiều.
Nhưng khi đã nói thì rất “chất lượng”, lời lời như “sấm truyền”, như “phun châu nhả ngọc” vậy. Ở với những người như thế, bạn cũng phải hết sức tinh tế, ý tứ. Bởi họ cũng lại rất kỵ rơ những người nói nhiều mà ba láp, vô duyên. Và, trừ diện bị coi như công cụ bạo hành thì người ít nói kiểu nào đều có thể thông cảm và cần được tôn trọng. Bởi đó là cá tính của họ.
“Món luộc” và giải pháp để sống chung
Tâm sự của hầu hết những chị em có chồng ít nói là về cơ bản, họ là những người đơn giản, hiền lành, dễ tính. Sống chung sẽ cho cảm giác nhẹ nhõm, an toàn, không phải lo đối phó, dè chừng. Nhưng có nhược điểm là khó chia sẻ, làm đôi bên nhiều khi không hiểu được ý của nhau. Tình cảm vợ chồng vì thế cũng bị ảnh hưởng, thiếu đi sự mặn mà, thú vị vì họ không biết khen đúng lúc, không biết nịnh, biết chiều đúng chỗ. Giống như một… món luộc: dễ ăn, dễ nấu; nhưng vì ít gia vị mà kém kích thích vị giác, chẳng mấy… bắt cơm. Nhiều chị em còn thấy khó chịu hơn. Bảo thà mấy ổng có những lỗi rành rành, như trăng hoa, lười biếng, còn… dễ. Đằng này, ai dám đưa nhau ra tòa chỉ vì sự ít nói. Mà sống chung thì tẻ nhạt…
Quả có thế thật, nhưng xin chị em nhớ cho: điều gì cũng có tính hai mặt cả. Có được người chồng giỏi ăn nói, rành tâm lý, họ cho bạn những giây phút bất ngờ, thú vị. Nhưng cũng dễ làm bạn bất an vì chẳng biết có “kiểm soát” được họ không? Niềm vui, sự thu hút từ họ thì không chỉ bạn mà còn nhiều người khác cảm nhận được, do đó “rủi ro, hiểm họa” cho hạnh phúc của bạn cũng tăng lên.
Người ta vẫn có câu: ông trời không cho ai tất cả, thường được cái này, lại phải mất cái kia. Thế nên, quan trọng là phải biết cái nào mới cơ bản, mới cốt yếu và hãy chỉ nhìn vào đó. Rồi tư duy tích cực, gạn đục khơi trong ứng xử hợp lý, hạnh phúc vẫn luôn gõ cửa nhà bạn. Như trường hợp của chị Kim Vân (Q. Bình Tân, TP.HCM), lấy nhau đã 20 năm, chồng chị là người rất tốt: hiền lành, chân thật, yêu chiều vợ con.
Chị muốn làm gì thì làm chẳng mấy khi anh phản đối. Nhưng mặt hạn chế là anh đã ít nói lại còn nói nhỏ đến mức, miệng anh nói chỉ đủ… tai anh nghe. Chị bảo, ngay ngày đến nhà chị ra mắt, bố chị đã phải rỉ tai con rể sắp cưới là: “Anh nói to hơn chút kẻo các cụ không nghe thấy gì đâu”. Hầu như anh chẳng chủ động nói chuyện với chị bao giờ - nếu không phải trao đổi những thông tin thật cần thiết, nói gì việc tâm tình, chia sẻ. Cả khi vợ chồng ở bên nhau suốt buổi, anh cũng cứ im lìm như pho tượng, làm chị thấy cứ như hai người xa lạ.
Vì vậy, những năm đầu chung sống, chị rất khó chịu, thường hay căn vặn rằng tại sao một việc khó như công việc anh đang làm, chọn cả nghìn người mới được người, anh vẫn làm rất tốt. Vậy mà việc dễ như nói chuyện với vợ, anh cũng không làm nổi? Anh chỉ biết phân trần là tính anh nó vậy, biết làm sao.
Thế là cứ những chuỗi ngày: tự ái - giận hờn - căn vặn, làm cả hai đều khổ sở và rồi chị, đành làm hòa, vui vẻ lại chứ chẳng trông gì ở sự thay đổi của anh. Nhưng từ khi chị ứng xử khác và nghĩ khác: thôi thì anh không hay nói nhưng chịu nghe chị nói là được. Sự chia sẻ còn nhiều cách, không chỉ qua ngôn ngữ. Anh hiền lành, giỏi nghề như thế, bạn bè chị bao đứa ao ước còn không được… Chị thấy tâm tư nhẹ nhõm hẳn và anh cũng cởi mở hơn.
Chị bảo: “Đừng nghĩ họ ít nói là kém, dở. Nhiều lần mình cứ lanh chanh, lóc chóc, thấy họ chẳng nói gì, tưởng mình “ngon” hơn. Rồi sau đó mới vỡ lẽ là họ chiều, không chấp mình thôi. Và người ít nói cũng thiệt thòi, dễ bị hiểu lầm, bị cho là thờ ơ, khô khan, không tâm lý. Nên mình phải nghĩ hộ họ nữa và nghĩ theo hướng tốt. Ví như những ngày 8/3, sinh nhật, bạn bè hay hỏi ông xã tặng quà gì, chúc cái gì? Sự thực là ổng rất ít khi nhớ có ngày đó, nói chi quà cáp, chúc tụng. Nhưng mình bảo: với mình ngày nào cũng là 8/3. Người ta đã đem cả cuộc đời tặng mình thì đó là món quà vô giá rồi. Mình muốn gì cứ tự mua, rồi tự tặng mình. Coi như mua hộ họ và tặng mình hộ họ. Có người cười bảo đó là “chủ nghĩa A Quy” cũng chẳng sao. Miễn mình thấy vui và phù hợp là được…”.
Chuyện của chị Kim Vân thực ra cũng không hẳn là mới. Tích cũ cũng có chuyện người chồng xưa đi lính thú, nhờ bạn mang thư về cho vợ. Chẳng hiểu do vô tâm, quýnh quáng thế nào mà thư đến tay, người vợ mừng rỡ, hớn hở bóc ra lại chỉ thấy mảnh giấy trắng không. Nhưng chị đã không giận, không trách mà còn “phong” cho chồng là người thông minh, ý nhị. “Hẳn ý chàng không chi khác cả: yêu em có nói cũng không cùng”.
Thế đó, chỉ từ tờ giấy trắng mà được hiểu là: “Bao nhiêu lời cũng không nói hết được tình anh yêu em, nên anh mới không viết…”. Chỉ cùng một vấn đề, nhưng hiểu khác nhau, kết quả sẽ khác nhau. Thế nào là do bạn thôi. Có những ngôn ngữ không lời còn hiệu quả hơn chán vạn những lời ba hoa, khách sáo. Bằng sự thông cảm, tôn trọng và tinh tế, bạn vẫn có nhiều cách để cảm nhận tình yêu, sự quan tâm chia sẻ từ bạn đời của mình, cả khi họ rất ít nói ra.
Theo Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Kim Bắc
Sức khỏe & Đời sống