Cầu thủ thiệt thòi
Sau vụ trung vệ Quế Ngọc Hải phạm lỗi với cầu thủ Anh Khoa (SHB Đà Nẵng), đã có nhiều ý kiến tranh cãi xoay quanh án kỷ luật của Ban kỷ luật LĐBĐVN (VFF) đối với trung vệ SLNA.
Cụ thể đối với điều khoản buộc Quế Ngọc Hải chịu toàn bộ chi phí chữa trị cho Anh Khoa, nhiều quan điểm cho rằng SLNA cần thay Quế Ngọc Hải chịu trách nhiệm. SHB Đà Nẵng trong khi đó cũng phải gánh phần trách nhiệm. Điểm khiến các bên không “cãi” được Ban kỷ luật VFF, là án phạt nói trên tuân theo đúng các điều khoản của quy định kỷ luật, vốn được chính các CLB nhất trí thông qua. Nói như Trưởng ban kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường, án dành cho Quế Ngọc Hải “đúng tới từng câu chữ”.
Sau khi đem so với quốc tế, người ta mới nhận ra là Quế Ngọc Hải và cả Anh Khoa trong trường hợp này đều chịu thiệt thòi. Cụ thể, ở nước ngoài cầu thủ đều được mua bảo hiểm và khi chấn thương, chi phí sẽ do bảo hiểm chi trả. Ở Việt Nam trong khi đó, theo tìm hiểu, cầu thủ buộc phải “tự thân vận động”. Lý do bởi tại Việt Nam chưa có loại hình bảo hiểm này.
Trao đổi với Tiền Phong hôm qua, Chủ tịch Công ty cổ phần thể thao SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hoà nói: “Ở Việt Nam có muốn mua cũng không được, vì không ai bán cả”. Theo ông Hoà, SHB Đà Nẵng đã phải ứng tiền để đưa Anh Khoa sang khám và điều trị tại Singapore. Khi được hỏi về việc trong hợp đồng với cầu thủ, SHB Đà Nẵng có điều khoản quy định CLB sẽ chi trả chi phí chữa trị chấn thương cho cầu thủ hay không, ông Hoà từ chối trả lời.
Trong khi đó, Theo TGĐ Công ty cổ phần bóng đá B.Bình Dương Cao Văn Chóng, mẫu hợp đồng do VFF ban hành đến các CLB có quy định, cầu thủ khi tham gia thi đấu, tập luyện nếu bị chấn thương, CLB sẽ phải chữa trị. “Nếu cầu thủ tự chữa trị thì CLB có trách nhiệm hỗ trợ tiền, nhưng không quá 50 triệu đồng”-ông Chóng cho biết.
Hợp đồng mù mờ
Về khoản hợp đồng thì tình trạng phổ biến chung là do thiếu kiến thức, cầu thủ thường tỏ ra rất mù mờ, phó mặc cho CLB “tự biên, tự diễn”. Khi xảy chuyện, cầu thủ vì vậy thường rơi vào cảnh chịu thiệt. Chỉ một số ít nắm được luật cũng như biết đòi hỏi quyền lợi cho mình. Điển hình phải kể đến tiền đạo Lê Công Vinh của B.Bình Dương.
Abbas trên giường bệnh sau ca mổ gãy xương cổ chân. Ảnh: VSI
Từng có tin Công Vinh đã mua bảo hiểm cho mình, nhưng tiền đạo này hôm qua phủ nhận. Công Vinh cho biết khi ký hợp đồng với CLB thì luôn yêu cầu có điều khoản buộc CLB chịu trách nhiệm chữa trị nếu bị chấn thương. Một ví dụ như hồi năm 2010, CLB Hà Nội T&T đã phải chi một khoản tiền lớn để đưa Công Vinh sang trị thương ở Bồ Đào Nha, cho đến khi anh hoàn toàn bình phục. Theo Công Vinh, không có nhiều cầu thủ biết ràng buộc CLB để bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình.
Một quan chức VFF hôm qua thừa nhận, nếu kiểm tra hợp đồng của các CLB với cầu thủ, thì có thể sẽ mỗi nơi một kiểu. Ông Cao Văn Chóng hôm qua cũng nói, điều khoản cụ thể phải tuỳ từng CLB. Như riêng với B.Bình Dương, đội bóng này đặc biệt tỏ ra chu đáo đối với các thành viên. Trường hợp gãy chân mới đây của ngoại binh Abbas, Bình Dương đã lập tức chuyển tới Bệnh viện Pháp Việt tại TPHCM để chữa trị. Chi phí CLB chịu toàn bộ. Theo kế hoạch vào cuối tuần này, Abbas sẽ được đưa sang Singapore để kiểm tra vết thương.
“Một số trường hợp như Quang Thanh trước đây, việc chữa trị tốn vài trăm triệu nhưng chúng tôi cũng đều lo cả. Cái này thì không có điều khoản nào cả, mà tự CLB thấy cần phải lo cho cầu thủ”-ông Chóng nói. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa, quyền lợi của cầu thủ đối với từng trường hợp khác nhau là hoàn toàn “hên xui”. Trường hợp của Quế Ngọc Hải, ông Nguyễn Hồng Thanh cho biết đội sẽ đề nghị nhà tài trợ hỗ trợ anh chịu chi phí chữa thương cho Anh Khoa. “Tuy nhiên tôi cho rằng VFF cần thiết xem lại quy định này, bởi chi phí nếu lên tới cả tỉ bạc thì Ngọc Hải sao lo được. Cháu nó còn trẻ, chưa chuyển nhượng đi CLB nào thì kiếm đâu ra tiền?”-ông Thanh nói.
Theo TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn, các CLB khi ký hợp đồng cần thiết phải đảm bảo quyền lợi cho cầu thủ, tương tự như việc doanh nghiệp chịu trách nhiệm đối với người lao động.