Quy hoạch thủ đô: Vì đâu nên nỗi? - Bài 2:

Khi các chủ đầu tư vô tư vượt tầng

Một góc khu Trung Hòa-Nhân Chính. Ảnh: Như Ý.
Một góc khu Trung Hòa-Nhân Chính. Ảnh: Như Ý.
TP - Chủ đầu tư vô tư xây vượt tầng, nhưng thanh tra các cấp chỉ phát hiện khi đã xây xong. Mức xử phạt nhẹ và được phép nộp tiền cho tồn tại khiến nhiều chủ đầu tư ngày càng lộng hành. Đây là một phần xấu xí của bức tranh quy hoạch đô thị...

Sai phạm nhiều, xử lý chẳng được bao nhiêu

Tại Hà Nội có hàng trăm công trình xây dựng lớn nhỏ với đủ kiểu sai phạm về xây dựng, quy hoạch nhưng số lượng dự án bị “cắt ngọn” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí việc phá dỡ phần công trình sai phạm tại dự án 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) gặp rất nhiều khó khăn và đến nay vẫn chưa xong. Điều lạ kỳ là, cả một công trình cao tầng đồ sộ được xây dựng kéo dài nhiều năm, nhưng thanh tra chỉ phát hiện ra sai phạm xây vượt tầng, chia nhỏ căn hộ không phép khi có đơn tố cáo của người dân và phản ánh của báo chí. Và dù thanh tra chỉ ra sai phạm thì mức xử phạt được cho là quá thấp.

Dự án Hồ Gươm Plaza (Mỗ Lao, Hà Đông) được khởi công vào quý II/2009. Tháng 4/2014, khi cư dân vào sinh sống, phát hiện nhiều hạng mục sai với quy hoạch, giấy phép được duyệt. Năm 2015, Thanh tra Bộ Xây dựng có 2 quyết định phạt chủ đầu tư. Theo đó, Cty CP May Chiến Thắng bị phạt trên 2,8 tỷ đồng, được tính bằng 50% tổng doanh thu từ việc bán các căn hộ thuộc phần diện tích xây dựng sai phép  (vượt 64 căn so với giấy phép. Mỗi tầng, đơn vị này xây vượt từ 1-2 căn so với phê duyệt). Ngoài ra, công ty này còn bị phạt hành chính vì thành lập ban quản lý dự án không đủ năng lực theo quy định, số tiền là 25 triệu đồng. Xử phạt vi phạm hành chính chủ đầu tư dự án này 45 triệu đồng vì xây dựng công trình sai thiết kế được phê duyệt. Như vậy, tổng số tiền phạt cho việc xây dựng sai phép là gần 3 tỷ đồng. Theo cư dân tại đây, mỗi căn hộ sai phép là bán từ 2 - 3 tỷ đồng và số tiền bị phạt không đủ mạnh để răn đe.

Khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông) là một điểm nóng về việc phá vỡ quy hoạch. Kết luận thanh tra số 276 (ngày 12/10/2015)  của Bộ Xây dựng đã chỉ ra, từ khi phê duyệt quy hoạch chi tiết tháng 4/2006 đến tháng 9/2015, quy hoạch chi tiết được điều chỉnh 23 lần; các lần điều chỉnh này chủ yếu xuất phát từ đề xuất của các chủ đầu tư. Hậu quả là đã phá vỡ quy hoạch chi tiết 1/500 ban đầu của Khu đô thị mới Mỗ Lao, quy mô dân số khu đô thị tăng hơn 15.000 người lên hơn 47.000 người.

Những tưởng sai phạm về việc tăng diện tích căn hộ, diện tích đất kinh doanh sẽ bị xử lý bằng cách phá dỡ, nhưng kết luận thanh tra lại kiến nghị: “Đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố xem xét điều chỉnh lại quy hoạch theo quy định”.

Một ví dụ nữa: Dự án Sky City (88 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) được bàn giao vào năm 2010 và thanh tra đã chỉ ra sai phạm, nhưng việc xử lý vẫn chưa dứt điểm. Năm 2015, Thanh tra Sở Xây dựng chỉ ra: Việc chủ đầu tư xây dựng các căn hộ Penthouse tại tầng kỹ thuật mái và tầng mái tòa nhà A, B và sử dụng 1/2 diện tích tầng kỹ thuật tòa nhà B để làm văn phòng cho thuê là sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp và sử dụng sai mục đích sử dụng.

Đến năm 2016, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng căn cứ trên kết quả thanh tra của Sở Xây dựng Hà Nội và có văn bản yêu cầu phá dỡ công trình sai phạm. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay, những căn hộ sai phạm vẫn tồn tại trên nóc toà nhà. Thậm chí việc xử phạt hành chính cũng bất khả thi vì chủ đầu tư không còn khả năng trả nợ.

Chung cư Yên Hòa - Thăng Long (Cầu Giấy, Hà Nội) là trường hợp lạ khi sai phạm được phát hiện sau khi thanh tra lại được các cơ quan điều chỉnh cho phù hợp từ 17 lên 30 tầng. Mức xử phạt 80 triệu đồng vi phạm hành chính như muối bỏ bể.

“Phạt cho tồn tại” - Điểm lùi của quy hoạch

Câu chuyện phạt cho tồn tại xuất phát từ Thông tư số 02/2014/TT-BXD hướng dẫn một số điều của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Theo một thanh tra Bộ Xây dựng, quy định này nhằm xử lý một số trường hợp xây dựng sai phép, không phép, sau khi hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng mới bị phát hiện, trong trường hợp nếu buộc phá dỡ thì cũng gây lãng phí lớn cho xã hội, có những trường hợp đã kéo dài nhiều năm nhưng cũng chưa xử lý được triệt để. Các công trình áp dụng quy định này phải đảm bảo điều kiện không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp, chứ quy định mới này không áp dụng đối với tất cả các công trình xây dựng sai phép, không phép.

Tuy nhiên, sau 2 năm thông tư này có hiệu lực, Hà Nội gia tăng số lượng các công trình sai phép. Trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) phân tích, việc nộp tiền cho công trình sai phạm là bước thụt lùi về quản lý quy hoạch đô thị. “Nếu công trình nào cũng cho tồn tại như vậy, bộ mặt đô thị sẽ ra sao? Chúng ta phải đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích nhóm. Để xảy ra việc công trình sai phạm về xây dựng, quy hoạch như hiện nay là lỗi của cơ quan chức năng. Quy hoạch có tốt đến mấy nhưng việc xây sai quy hoạch lại được hợp thức hóa bằng xử phạt thì không khác gì bật đèn xanh cho việc phá vỡ quy hoạch”, ông Chiến nói.

(Còn nữa)

Luật sư Bùi Sinh Quyền, trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ cho biết, về nguyên tắc, nếu xây dựng sai phép phải tháo dỡ, sau đó nếu có nhu cầu xây thêm thì xin phép mới hoặc điều chỉnh giấy phép đã cấp. Việc tự ý xây dựng sai phép, sau đó xin điều chỉnh giấy phép để tồn tại là không thể chấp nhận và cố tình đặt cơ quan chức năng vào tình thế đã rồi. Hình thức xin lỗi của chủ đầu tư không thể thay thế cho việc xử phạt vi phạm hành chính, được miễn tháo dỡ phần xây dựng sai phép hay bất cứ hình thức chế tài nào khác và không có trong quy định của pháp luật hiện hành.

Luật về quy hoạch không thiếu

Ông Trần Ngọc Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói, đã có Luật Quy hoạch Đô thị (được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17/6/2009). Thậm chí, liên quan đến quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng cũng có một chương riêng. Hiện nay các cơ quan chức năng như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang bàn về Luật Quy hoạch. Luật này ra đời nhằm khống chế tất cả các quy hoạch khác (sử dụng đất, thủy lợi, cảng biển…).

Theo ông Hùng, không thiếu gì luật liên quan đến đô thị nhưng làm không đến nơi đến chốn mới xảy ra tình trạng “băm nát đô thị” như hiện nay. Ông Hùng cho rằng, việc đô thị quá tải là do người quản lý, luật không cho phép điều chỉnh quy hoạch. Nếu cứ để tình trạng quy hoạch chi tiết không có, cơ quan chức năng giao doanh nghiệp lập quy hoạch rồi phê duyệt, cấp phép như hiện nay thì vài luật nữa cũng không giải quyết được tình trạng phá vỡ quy hoạch.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.