Khi bố mẹ là thầy cô

Khi bố mẹ là thầy cô
TP - Tháng Mười Một, người ta viết về thầy cô, còn tôi viết về bố mẹ. Vì bố mẹ cũng là thầy cô nhưng họ thường bị học trò do mình sinh ra lãng quên trong ngày này.

> Nghề giáo - Bao người quên, mấy người nhớ: Những món quà 30 năm
> Bộ trưởng Bộ Giáo dục gửi thư cảm ơn các thầy cô giáo

Do nỗi niềm riêng, tôi sợ nghề của bố mẹ từ bé. Mỗi khi bọn bạn cùng lớp nhắc tên bố mẹ mình, càng sợ! Lúc đó, tôi chỉ muốn hét lên “hãy để tôi yên, hãy để tôi bình thường như các người vậy”.

Vào tiểu học, tôi lo sợ khi sắp phải học đến bài về Lê Quý Đôn. Bọn trai làng hồi đó tệ lắm, chúng khoái trá lôi cái tên ấy ra mà cười ha hả, hô hố. Là vì bố tôi cũng tên là Đôn, Kiều Khắc Đôn.

Cho đến giờ, trưởng thành rồi, sống ở nơi gọi là văn minh phương Tây rồi, không hiểu sao tôi vẫn đau khổ khi nghĩ đến sự khác biệt này: người bên Tây nhắc đến tên, gọi tên riêng của ai dù không theo tư cách ngang hàng quan hệ, là chứng tỏ sự quý mến, trân trọng; còn ở mình, réo tên ai người đó biết là bị chửi?!

Sau buổi học về con người vĩ đại trùng tên với bố tôi ấy, mà lẽ ra mình phải lấy làm hãnh diện, bọn con trai cùng lớp lại đón đường đánh tôi đau hơn ngày thường. Vì xuất thân và hình thức của tôi khác chúng. Bố mẹ chúng là nông dân, và bọn con gái phải để tóc dài, còn bố mẹ tôi sống ở làng nhưng làm thầy cô giáo, và cắt tóc ngắn kiểu Maika cho tôi.

Trong mắt bọn trai làng thời ấy, kiểu tóc ấy đúng là trên trời rơi xuống. Lạ là phải đánh cho hết tò mò! Và cũng vì bố tôi dạy học ở Hà Nội, xa làng, nên bọn chúng càng đánh khỏe, kiểu như có bố đâu mà bênh. Tôi chẳng biết bấu víu vào ai, vì có lần mách ông bà, ông bà đến nhà mách bố mẹ chúng nó thế nào mà hôm sau chúng nó càng đánh tợn.

Tôi chịu trận, gục mặt xuống bàn. Chúng được thể bôi đầy lên cổ và áo tôi thứ mực tím kỳ cọ cả tuần không sạch. Chúng nghĩ tôi là một sinh vật lạ, cũng như bố mẹ tôi sao không là nông dân.

Người vùng lên bảo vệ tôi khi ấy là chị gái. Thấy tôi bị bắn rát lưng bằng súng cao su và đạn cúc tần lúc xem phim ở sân kho hợp tác xã, chị tiến đến thằng bé cùng lớp vừa bắn tôi, giang tay tát một cú trời giáng, lúc này chị đã cao hơn nó một cái đầu, và vì trước đây chị cũng bị bắt nạt như thế.

Ấy là chuyện xảy ra ở thập kỷ 80 thế kỷ trước, hơi xưa cũ. Nhưng năm 2013 này, ngồi trước màn hình tivi, tôi được xem đoạn phim phản ánh trường học hiện nay: một cậu bé khoảng 14- 15 tuổi đứng trên cầu nhòm xuống đường cao tốc và chuẩn bị lăng mình vào dòng xe tải đang vun vút ngược xuôi! Cậu bị bắt nạt, cả thể xác lẫn tinh thần, hàng ngày, ở trường. Một thứ dịch hạch lan tràn khắp thế giới, chưa cách gì chữa trị.

Sở dĩ phải dông dài một chút, vì tôi nghĩ bắt nạt là hiện thân của cái ác: mạnh hiếp yếu, cá nhân phải tan biến vào đám đông mới mong yên thân. Đến bao giờ trường học riết róng nêu khía cạnh đạo đức này trong môn Giáo dục công dân? Báo chí Bỉ phản ánh, nhiều ông bố bà mẹ phải khóc cả đời vì không kịp cứu con, chúng lăng mình xuống đường rồi!

Giờ trở lại chuyện bố mẹ cũng là thầy cô. Vào trung học, bọn con trai đã lớn, văn minh hơn và biết yêu phụ nữ hơn (?!). Nhưng tôi lại lo đến đau tim khi thấy tên mẹ ghi trong tiết Sử. Sao người ta không phân công mẹ tôi dạy lớp khác. Giờ của mẹ, tôi không dám trò chuyện, không dám liếc ngang liếc dọc, không cả thở đôi khi.

Mẹ bước vào, không nhìn tôi, liếc qua cũng không. Mẹ chỉ cất giọng sang sảng, từ dãy lớp này vang sang dãy lớp khác. Giờ ra chơi, bọn bạn trêu “Sao mẹ cậu nói to thế”.

Đơn thuần nhận xét hay còn ý giễu cợt? Trường hồi đó làm gì có mi-crô, lên lớp mẹ sợ lũ học trò ngán Sử không nghe rõ mẹ giảng gì, về nhà mẹ sợ ông nội điếc không nghe mẹ nói gì. Giờ mẹ tôi mắc bệnh đau họng kinh niên. Còn tôi, khi đó đỏ mặt, im lặng. Tôi còn là con của mẹ hay không?

Tôi ân hận ngay sau đó, nhưng thuở thơ ngây lời bạn bè như nhát dao cứa. Trong danh sách thầy cô đi qua đời mình, có lúc tôi quên ghi tên mẹ. Trong danh sách thầy cô tôi đến chúc mừng và tặng quà ngày 20/11, dĩ nhiên không có địa chỉ của bố mẹ tôi.

“Nhờ đi săn bắn, ném thú vật bằng những hòn đá mà loài người phát hiện ra lửa, biết ăn chín...”. Lời mẹ vẫn sang sảng bên tai tôi, mẹ không dạy Sử mà mẹ kể chuyện thuở con người mới là người. Còn tôi, kể lại chuyện này để làm gì, trong ngày này, khi muốn tặng hoa bố cũng không được nữa, bố đã mất. Hôm qua định bàn với em gái mua hoa tặng mẹ, nhưng mẹ vừa về quê trông ông bà ngoại đang ốm rồi. Học trò lại xin lỗi vậy!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.