Khi âm nhạc được sáng tạo 'đỉnh nóc, kịch trần'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một giai điệu dân gian phổ biến như “Trống cơm” hay một ca khúc cách mạng quen thuộc như “Áo mùa đông”… được trình diễn bùng nổ trên sân khấu hiện đại với phong cách mới, hòa âm phối khí mới, mà vẫn giữ được linh hồn, bản sắc… đã trở thành hiện tượng âm nhạc trên mạng xã hội những ngày qua.

Quen mà lạ

Trên các công đồng yêu nhạc, khán giả không ngớt dành lời khen cho tiết mục “Trống cơm” trong chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Tiết mục của NSND Tự Long cùng hai ca sĩ Subin Hoàng Sơn và Cường Seven được khán giả nhận định có sự sáng tạo “đỉnh nóc”, “kịch trần” khi kết hợp giữa giai điệu dân gian, rap và thể loại R&B; kết hợp giữa yếu tố đương đại và truyền thống dân tộc, thổi làn gió mới vào bài dân ca vốn quá quen thuộc.

Ca khúc được viết mới phần đầu theo phong cách R&B, có thêm một đoạn rap, nhưng không làm mất đi giai điệu dân gian của “Trống cơm”. Các nghệ sĩ mặc trang phục áo ngũ thân, khăn đóng, dùng quạt giấy, áo tơi, cờ ngũ sắc... Tiết tấu vừa nhanh vừa chậm, vừa cao trào lại vừa nhẹ nhàng, vừa mạnh mẽ lại vừa uyển chuyển. NSND Tự Long đánh trống, múa cờ; Soobin chơi đàn bầu; Cường Seven nhảy hiện đại, tất cả làm nên một màn trình diễn đặc sắc và bùng nổ, tạo cảm xúc đa diện của một ca khúc mang đậm âm hưởng tinh thần văn hóa vùng miền Việt Nam.

Khi âm nhạc được sáng tạo 'đỉnh nóc, kịch trần' ảnh 1

Một phiên bản “Trống cơm” hoàn toàn khác biệt ở sân khấu “Anh trai vượt ngàn chông gai

Một tiết mục nữa gây bất ngờ và bùng nổ sân khấu không kém chính là mashup “Trở về - Áo mùa đông”. Theo chia sẻ của các anh tài nhà Xương Rồng, họ đã rất áp lực bởi việc làm mới một ca khúc cách mạng sao cho vừa hay vừa hợp thời không hề dễ dàng. Đặc biệt “Áo mùa đông” từng được các ca sĩ đàn anh như Trọng Tấn, Đăng Dương… thể hiện rất thành công. Cuối cùng, “cái khó ló cái khôn”, khán giả được thưởng thức màn biểu diễn công phu, hoành tráng, mang hơi thở hiện đại, khắc họa được khí thế hào hùng của dân tộc. Thanh Duy trổ tài hát vọng cổ còn Bùi Công Nam chơi guitar điện khiến khán giả thích thú, reo hò. Âm nhạc thính phòng, cải lương được kết hợp với nhạc điện tử, hình ảnh người chiến sĩ cách mạng với màu áo lính cùng chiếc áo trấn thủ đầy khí phách, can trường… đã bùng nổ về cảm xúc, chạm đến trái tim của nhiều khán giả.

Việc các giai điệu cũ như “Trống cơm” hay “Áo mùa đông” được làm mới và gây hiệu ứng tốt với khán giả không phải là trường hợp cá biệt. Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ trẻ đã nỗ lực thổi làn gió mới vào âm nhạc truyền thống bằng những sáng tạo đặc sắc, trẻ trung. Những ca khúc dân tộc như "Còn duyên" (quan họ Bắc Ninh), "Giận mà thương" (dân ca Nghệ Tĩnh), "Mười thương" (dân ca Huế) của ca sĩ Hồng Duyên được phối khí lại theo nhiều phong cách âm nhạc hiện đại như acoustic, jazz, semi-classic được giới chuyên môn ví như một làn gió mới tinh tế, trẻ trung bởi những bản phối hiện đại, từ đó tạo ra phiên bản mới cho những bài dân ca quen thuộc.

Ca sĩ Minh Thu cũng gây ấn tượng mạnh với khán giả yêu nhạc khi phát hành album "Đồng đội". 12 ca khúc quen thuộc đã đi vào trái tim bao thế hệ như "Ngày mai anh lên đường" (Thanh Trúc), "Em vẫn đợi anh về" (Hoàng Hiệp), "Chút thơ tình của người lính biển" (thơ Trần Đăng Khoa, nhạc Hoàng Hiệp), "Một đời người một rừng cây" (Trần Long Ẩn), "Vết chân tròn trên cát" (Trần Tiến), "Hát về anh" (Thế Hiển)... đã được Minh Thu trẻ hóa bằng acoustic để gần gũi hơn với giới trẻ.

Những ca khúc nhạc đỏ từng được thể hiện thành công bởi các ca sĩ thế hệ trước như: "Hành khúc ngày và đêm", "Lá đỏ", "Hò kéo pháo", "Cung đàn mùa xuân"... nhưng đã được nhóm Ngũ Cung làm mới bằng tinh thần trẻ trung, mang dấu ấn đương đại của phong cách rock. Album “Ở trọ” của ca sĩ Hà Lê thuộc dự án Trịnh Contemporary (làm mới nhạc Trịnh Công Sơn) là sự pha trộn độc đáo giữa nhạc cụ điện tử và các nhạc cụ acoustic như piano, tứ tấu đàn dây, mang đến cảm hứng tích cực cho khán giả nghe nhạc.

Khi âm nhạc được sáng tạo 'đỉnh nóc, kịch trần' ảnh 2

Đội Xương Rồng đã biến một ca khúc “khó nhằn” như “Áo mùa đông” trở nên trẻ trung, hào hùng

Nói đến âm nhạc kết hợp truyền thống với hiện đại, không thể không nhắc đến Ngô Hồng Quang. Những ca khúc của anh như: "Gà gáy le te" (dân ca Cống Khao), "Đi cấy" (dân ca Thanh Hóa), "Lý cây đa" (dân ca quan họ Bắc Ninh)... với nhiều sắc màu âm nhạc, từ đàn tính, đàn môi, sáo trúc, trống... đến beatbox, đã tạo nên một tổng thể hòa quyện và thuyết phục người yêu nhạc.

“Đánh thức” khán giả trẻ

Làm mới âm nhạc dân tộc, kết hợp yếu tố truyền thống với đương đại, nghệ sĩ gạo cội kết hợp biểu diễn cùng ca sĩ trẻ… là những nỗ lực mà thời gian qua rất nhiều nghệ sĩ thử nghiệm và nhận về những tín hiệu tích cực.

Chỉ sau vài ngày công chiếu, phần biểu diễn "Trống cơm" hiện đã thu hút hơn 2,2 triệu lượt xem, lọt Top 1 trong số các video âm nhạc thịnh hành trên YouTube và trở thành hiện tượng của show "Anh trai vượt ngàn chông gai". Ca khúc không chỉ nhận được vô vàn bình luận tích cực trên mạng xã hội mà còn được các chuyên gia đánh giá cao. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha khen ngợi đây là tiết mục giàu cảm xúc, có ý nghĩa tiếp nối giữa các thế hệ, nghệ sĩ biểu diễn cũng như khán giả, “chạm đến trái tim người xem và lan tỏa niềm tự hào dân tộc”. Mashup “Trở về - Áo mùa đông” cũng thu hút hơn 500 ngàn lượt xem và hàng chục ngàn bình luận yêu thích. Đặc biệt, ca khúc này đã có màn “lội ngược dòng” để dẫn đầu 8 đội với số điểm cao nhất nhận được từ bình chọn của khán giả.

Trước đó, các ca khúc hiện đại mang âm hưởng dân gian của Hoàng Thùy Linh cũng rất ăn khách khi liên tục leo Top Trending trên Youtube, giúp nữ ca sĩ thắng 4 hạng mục của giải âm nhạc Cống hiến (năm 2019), 7 giải âm nhạc Làn sóng xanh. MV "Gieo quẻ", "See Tình" lọt vào các Top xếp hạng Billboard Vietnam Hot 100 (Top 100 thế giới) và Billboard Vietnam Top Vietnamese Songs (Top 100 Việt Nam).

MV "Thị Mầu" của Hòa Minzy sử dụng âm nhạc điện tử hòa trộn với âm hưởng của chèo, giai điệu bắt tai, vừa quen thuộc vừa mới mẻ cũng đạt được hơn 5,6 triệu lượt xem, lọt top 1 Trending YouTube sau 5 ngày ra mắt. MV “Chiếc lược ngà”, một sản phẩm âm nhạc của Phương Mỹ Chi kết hợp với NSƯT Kim Tử Long và nhóm nhạc DTAP, lồng ghép tác phẩm văn học Việt và loại hình cải lương với âm nhạc hiện đại cũng đạt được hơn 1,7 triệu lượt xem và nhận được nhiều lời khen ngợi từ khán giả.

Ca sĩ trẻ Hà Myo nổi lên như một hiện tượng âm nhạc sau khi “liều lĩnh” tiên phong kết hợp xẩm với rap và nhạc điện tử EDM. Nếu khi xưa, xẩm thường vang lên những giai điệu buồn thương, ai oán giữa đường, giữa chợ thì trong sản phẩm âm nhạc của Hà Myo, xẩm trở nên sống động hơn, “bắt” tai hơn. MV "Xẩm Hà Nội" của cô vì thế đạt hơn 1,8 triệu lượt xem trên Youtube.

… Thành công của các nghệ sĩ, nhà sản xuất cho thấy, âm nhạc Việt đã có những bước chuyển mình, dần thu hẹp khoảng cách giữa nhạc trẻ hiện đại và nhạc truyền thống. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận định đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy các nghệ sĩ trẻ đã và đang đi đúng hướng, góp phần lan tỏa giá trị truyền thống dân tộc. Thành công ấy cũng cho thấy khán giả trẻ không hề quay lưng với nhạc Việt nói chung và âm nhạc truyền thống nói riêng.

MỚI - NÓNG